5/5 (2) Bình chọn
Mời các bạn và các em cùng đọc truyện cổ tích Andersen - Người nào, vật nào, chỗ nấy. Một câu chuyện cổ dành cho người lớn, như phong cách vẫn thường thấy trong những câu chuyện của Andersen, để cho người đọc tự đoán lấy.
NGƯỜI NÀO, VẬT NÀO, CHỖ NẤY
Cách đây hơn 100 năm...
Phía sau rừng, gần các hồ lớn, là một tòa lâu đài cổ có hào sâu bao quanh, trong hào mọc đầy cây cối, và lau sậy. Sát bên cầu, đi vào cổng cái, có một gốc liễu cổ thụ nghiêng mình xoã cành lá trên mặt hào. Một cô bé chăn một đàn ngỗng đang qua cầu. Trong khe núi bỗng vang lên tiếng kèn săn và tiếng vó ngựa.
Cô bé chăn ngỗng vội vã xua đàn ngỗng ra khỏi cầu để tránh đoàn người săn bắn đang phi ngựa về. Họ phóng nhanh đến nỗi cô phải nhảy vội xuống một bên thành cầu để khỏi bị hất ngã.
Cô bé xinh xắn, mảnh dẻ, nét mặt dịu hiền, đôi mắt sáng ngời. Lão chúa đất không nhận thấy điều đó. Trong lúc phóng ngựa hắn quay tít chiếc roi ngựa cầm trong tay. Vốn tàn bạo, hắn cảm thấy khoái chí khi quất cô một roi trúng giữa ngực làm cô ngã nhào.
- Người nào chỗ nấy!- Hắn quát lên rồi cười ồ, rất khoái trá về hành động của mình, và những đứa khác cũng cười theo. Cả bọn làm ầm ĩ, chó sủa vang và người ta nghe loáng thoáng câu hát cổ:
- Đàn chim đẹp theo gió bay về…
Cô bé chăn ngỗng đáng thương bị quật ngã, khóc sướt mướt, cô túm được một cành liễu rủ, nên người bị treo lửng lơ trên mặt nước. Đoàn người săn bắn qua rồi, cô mới vùng vẫy để thoát thân, nhưng cành liễu gẫy và cô sắp rơi ngã lộn nhào vào bụi lau thì một bàn tay khỏe mạnh bỗng nắm lấy cô.
Đó là anh chàng bán giày rong đã nhìn thấy cô từ đằng xa và vội chạy lại cứu cô.
- Người nào chỗ nấy!- Anh vừa mỉa mai nhắc lại lời tên chúa đất rồi đặt cô bé bên lề đường.
Nói rồi anh cắm cành liễu gẫy vào chỗ của nó. Nói là “chỗ của nó” kể cũng quá đáng, đúng ra là anh cắm xuống đất xốp và bảo cây rằng:
- Nếu mọc được thì mọc lên và hãy cho cái bọn ở trên cao kia một cái sáo kêu tốt nhé.
Xong anh đi vào lâu đài, nhưng vì thân phận bé nhỏ nên anh không vào phòng khách. Anh trà trộn với bọn người hầu, họ xem hàng của anh và mua cho anh mấy đôi giày.
Xung quanh một cái bàn lớn, ở trên gác, vang lên một thứ tiếng huyên náo, đáng lẽ phải là tiếng ca lời hát, song bọn khách ấy chỉ cố gắng được đến thế, khiến tiếng hát của chúng nghe như tiếng la hét hoặc tiếng chó sủa, bọn chúng đang chè chén. Rượu vang và bia chảy như xối vào bình, vào cốc. Đàn chó cũng được vào phòng tiệc. Một gã trẻ tuổi dầm lấy tai dài của chó lau bọt mép cho chúng rồi lần lượt ôm lấy chúng mà hôn hít.
Bọn chúng cho gọi anh hàng giày lên, nhưng mục đích chỉ là để trêu chọc anh mà thôi. Chúng bắt anh chàng khốn khổ ấy uống rượu vang đựng vào một chiếc bít tất. Chúng giục anh:
- Mau lên!
Cái trò chơi quái dị đến nỗi chúng cười lên như phá. Đoạn chúng xoay ra cờ bạc. Hàng đàn súc vật, những trang trại và đất đai được chúng đem ra đặt cược với nhau.
- Người nào chỗ nấy!- Anh thợ giày kêu lên khi anh vừa thoát khỏi cái nơi dâm loạn rượu chè cờ bạc ấy. Đường cái mới chính là chỗ của anh ta, chứ không phải nơi nhà cao cửa rộng kia. Cô bé chăn ngỗng từ con đường nhỏ cũng ra hiệu tỏ vẻ đồng tình với anh.
Nhiều ngày tháng trôi qua. Cái cành liễu gẫy mà anh thợ giày đã cắm xuống bờ hào trở nên xanh tươi, nhú lên những mầm non. Cô bé rất lấy làm sung sướng, thấy liễu đã bén rễ, vì cô cho rằng cây liễu ấy hình như là của mình.
Nhưng, liễu càng tươi tốt lên thì ngược lại, ở lâu đài cuộc sống càng lụn bại vì cờ bạc và tiệc tùng, hai thứ đó là hai con tàu mà con người nhất thiết không nên leo lên. Mười năm chưa kịp trôi qua mà lão chúa đất đã phải lìa lâu đài, vác bị gậy đi ăn xin.
HẾT
> Xem thêm <
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ