Kinh và Ba Na là anh em [Truyền thuyết Ba Na]

4/5 (1) Bình chọn

Thứ năm, 05/11/2020 02:11

Kinh và Ba Na là anh em

Kinh và Ba Na là anh em là một truyền thuyết có từ lâu đời của dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên. Trong lịch sử, người Ba Na đã đoàn kết chặt chẽ với người Kinh và các dân tộc anh em khác, chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Dân tộc Ba Na đã sinh ra và nuôi lớn anh hùng Núp – một huyền thoại đánh Pháp của dân tộc, rất nổi tiếng trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc.

 

Câu chuyện không những giúp ta hiểu được nguồn gốc của dân tộc Kinh và Bana mà còn khẳng định rằng tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam này đều là anh em một nhà mà ra.

 

Ngày xưa, khi loài người còn thưa thớt, có một nhà nọ có hai anh em trai. Xứ họ ở bằng phẳng, rộng thênh thang, quay đầu bốn phía đều thấy chân trời tròn vành vạnh như một vành nong[1]. Còn phía mặt trời lên có cái hồ lớn ngày đêm gầm gừ như con hùm, con sói, nhưng tốt bụng vô kể, xin bao nhiêu muối cũng sẵn sàng cho.

 

Nhà ấy cày ruộng và đánh cá. Một hôm người cha nấu rượu gạo uống, uống nhiều quá chẳng còn biết gì, thấy tỏng người nóng bứ bèn xé bỏ quần áo, dang tay dang chân nằm ngủ. Hai anh em đi cày về thấy thế, anh chạy đi tìm quần áo, còn em cứ khúc khích cười. Ông cụ tỉnh giấc, thấy con cười thì nạt bảo ngậm miệng. Không những không nín được, nó lại còn cười to to. Cha mắng, nó ôm bụng cười, cười ngặt nghẽo, cười rũ rượi. Cha đánh, nó vừa khóc vừa cười. Ông cụ giận quá, lột quần áo nó, đuổi đi. Người anh không dám can cha, bèn đi tìm cô em dâu để lo liệu.

Cô gái ở trong lùm cây, đang nhặt củi khô và ca hát líu lo với con chim chìa vôi nửa đen nửa trắng. Nghe tin chồng bị đuổi đi, cô chạy theo tay anh chỉ, tất tả chạy về hướng mặt trời lặn, đuổi theo chồng.

 

Nhưng đi mãi vẫn không nhìn thấy lưng chồng. Đêm đến leo lên cây ngủ, sáng ra lại đi. Đi đã nhiều lắm, đã lâu lắm. Bàn tay cô có bao nhiêu ngón thì trăng lặn bấy nhiêu lần mà dấu chân chồng vẫn chưa giẫm lên được. Càng đi, càng phải leo nhiều dốc núi dựng sừng sững như vách, giăng tầng tầng lớp lớp như muốn đội nhau lên tận mây xanh. Dây rừng[2] níu kéo tay chân, gai dại đâm xuyên da thịt, xé áo váy, đêm đêm mắt hổ sáng như đèn, vượn hú, rắn trườn rùng rợn. Hoảng quá, cô gái cứ vừa đi vừa gọi to:

 

– Chàng[3] ơi! Chàng! Chàng à!

 

Không ai trả lời.

 

Nhưng thần núi thương tình, đưa tiếng cô lọt vào kẽ đá, chen qua lá cây, theo gió lên ngàn[4], theo suối xuống nội[5]. Vách đá tiếp nhận, đưa lên phía trước và một hôm đưa lọt tai chồng. Người chồng dừng lại đón vợ.

 

Hai vợ chồng gặp nhau, vui mừng khôn kể xiết. Vợ cởi áo đưa chồng đóng khố, rồi họ dắt tay nhau tìm đất phát rẫy gieo lúa, trồng ngô. Về sau ho sinh con đẻ cháu gọi là người Ba Na hiện nay. Còn người anh ở đồng bằng, sinh con đẻ cháu là người Kinh.

 

Chú giải trong truyền thuyết Kinh và Ba Na là anh em

 

Nong: đồ đan bằng tre, đan dày, hình tròn, lòng nông, dùng để phơi thóc, phơi ngô. Có địa phương ở miền nam gọi là cái nống.

 

Dây rừng: đây là cây leo mọc ở trong rừng, thân dài và nhỏ như sợi dây, có thể dùng để làm dây buộc.

 

Chàng: từ người phụ nữ thời xưa dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ tuổi.

 

Ngàn: rừng, rừng núi.

 

Nội: cánh đồng.

Elina

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục