Sự tích động Bạch Á | Truyền thuyết hang Dơi – Thanh Hóa]

4/5 (5) Bình chọn

Thứ Ba, 02/03/2021 09:03

Sự tích động Bạch Á là truyền thuyết kể về hang Dơi ở Thanh Hóa – một di tích kiến trúc Phật giáo đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử.

 

1. Lũ quỷ gây rối

 

Ngày xưa ở một vùng nọ có rất nhiều quỷ. Quỷ lớn, quỷ bé, quỷ đen, quỷ trắng không biết đâu ra mà đến lắm. Cứ vào lúc nhá nhem tối, chúng lại tràn xuống làng trêu ghẹo đàn bà con gái, giẫm nát hết ruộng nương.

Dân làng rất sợ lũ quỷ, tìm đủ mọi cách để diệt trừ chúng mà không thể được. Mời cả pháp sư đến trừ mà pháp sư cũng đành chịu thua. Không còn cách nào khác, mọi người bàn cách cầu đức Phật cứu giúp. Đức Phật thấy chúng sinh phải chịu khổ, bèn cho một lá bùa và dặn:

 

– Hãy về làng dựng một cái bia khắc chữ “Phật” thật to ở chỗ quỷ hay đi lại. Quỷ nhìn thấy tất hoảng sợ mà bỏ chạy.

 

Dân làng đa tạ đức Phật rồi làm theo. Nhưng bọn quỷ vẫn chẳng hề sợ hãi. Thậm chí, chúng còn trở nên ngang ngược hơn.

 

2. Bàn kế trừ quỷ

 

Tình thế đã trở nên khó khăn hơn. Dân làng tuyệt vọng không biết làm thế nào. Gần đó, có một cụ Lã Vọng đã sống mấy trăm tuổi. Mọi người kéo đến hỏi cụ xem có tìm được cách gì không. Cụ Lã Vọng đáp:

 

– Lão đã sống hàng trăm năm nay nhưng lão chưa thấy việc gì khó khăn đến nỗi con người không làm được cả. Vấn đề là ở chỗ mọi người có chung sức cùng nhau giải quyết hay không. Lão nghĩ mọi người chỉ cần cùng nhau bàn bạc là sẽ có cách giải quyết.

Nghe cụ Lã Vọng nói vậy, dân làng về bàn bạc mất mấy ngày. Sau khi suy đí tính lại, họ cùng đồng ý là phải dùng mẹo trừ quỷ.

 

Ở nơi quỷ hay đến quấy phá, dân làng làm một con rồng giả rất to, người chui lọt vào đó, trữ sẵn một bể nước đầy. Phía bên cạnh, họ làm một con cọp lớn và cũng có người nấp sẵn trong đó cùng với những đồ dẫn lửa. Chỗ mặt đất, nơi bọn quỷ thường ra nhảy nhót, họ đắp rất nhiều con rùa rỗng ruột, mai bằng những cây chuối bôi dầu vừng và bồ hóng. Trên cao, họ mắc một con chim giả khổng lồ trong cũng có người ngồi sẵn cùng rất nhiều đá cuội. Phía trong nữa, họ đặt những hình nhân bằng nan rất lớn, hình nào hình nấy trông đều dữ tợn. Vẫn chưa hết, ở cuối bãi, họ còn đào sẵn những hầm hố rất sâu, ngang dọc đều thông với nhau được. Mọi việc đều được tiến hành chu đáo, gấp rút.

 

3. Sự tích động Bạch Á hay truyền thuyết hang Dơi

 

Vào một buổi tối, khi mọi thứ đã được sắp đặt xong xuôi, lũ quỷ như thường lệ lại từ ngoài biển tràn vào phá phách. Nhưng không như những lần khác, lần này chúng gặp phải một trận đánh bất ngờ. Vừa mới bước chân lên bãi, chưa kịp múa may gì, chúng đã bắt gặp một con chim rất to, mỏ lớn ở trên cao. Con chim há mỏ ra, người ở trong đó ném đá tới tấp xuống lũ quỷ làm chúng tối tăm mặt mũi.

Bị bất ngờ, chúng hoảng hốt chạy dạt sang một bên thì lại đụng phải một con rồng nhe nanh giương vuốt, phun nước ra vô kể. Thần hồn nát thần tính, chúng lại chạy dạt sang bên kia thì một con hổ gầm ghè khạc lửa đang đợi sẵn.

 

Lũ quỷ không dám tiến lên nữa, chúng chạy vào phía trong để tránh nạn thì nào ngờ lại giẫm phải đôi rùa to lớn đang phục sẵn. Mai rùa trơn như bôi mỡ làm lũ quỷ ngã bổ sấp bổ ngửa. Lũ quỷ chạy sang trái không được, sang phải không được, đứng cũng không vững, luống cuống thế nào lăn cả vào những chiếc hầm đã được đào sẵn. Chúng ở lì trong đó không dám ra nữa.

 

Dân làng thắng lợi vui vẻ nhảy múa bên nhau. Thế là từ nay, họ không còn bị lũ quỷ quấy nhiễu nữa. Bà con mừng rỡ làm lễ cáo với trời phật tổ tiên. Trời được tin rất khen ngợi, bèn ra lệnh biến khu ấy thành một cái động, tức động Bạch Á ở Thanh Hoá bây giờ. Bọn quỷ dưới hầm sâu thì bị biến thành những con dơi, thân hình nửa chim, nửa chuột. Vì thế hang Bạch Á còn có tên là hang Dơi.

 

Lũ quỷ cả ngày chỉ trong hang, đến tối mới từ trong động bay ra, lượn quanh vài vòng rồi lại trở lại trong động. Vì cũng muốn để khen thưởng dân làng, đồng thời để trấn áp đàn dơi ra ngoài nhũng nhiễu trở lại lốt quỷ ngày xưa, trời đã hoá pháp biến tất cả những thứ dân dùng để đánh quỷ thành đá. Vì vậy, đến nay trong động Bạch Á có rất nhiều pho tượng bằng đá to bằng người thật. Đây vốn là những hình thân hoá thành.

 

Phía ngoài xa, trước động có bốn quả núi hình tứ linh là: long, ly, quy, phượng. Gần nhất là ngọn núi Phượng Hoàng – trông rất giống một con chim khổng lồ đang xoè cánh bay lên. Bốn con vật này đều quay lưng về cửa động, làm đẹp thêm cho một thắng cảnh ở xứ Thanh.

 

Di tích động Bạch Á [hang Dơi] – Thanh Hóa ngày nay

 

Đến với miền cổ tích Nga Sơn, Thanh Hóa, phần lớn mọi người chỉ biết đến “Nam thiên đệ thất động” với truyền thuyết lãng mạn về chàng Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương (Xem truyện  Sự tích động Từ Thức). Nhưng ít người biết, cách đó không xa còn tồn tại một hang động không kém phần độc đáo và thú vị, đó là động Bạch Á.

 

Động Bạch Á có nhiều tên gọi khác nhau: hang Dơi, Bạch Nha, Biên Phú Cốc. Nguồn gốc của hang động này được kể lại qua câu chuyện truyền thuyết dân gian Sự tích động Bạch Á (hang Dơi) bên trên.

 

Đây là một nơi linh thiêng, rất có giá trị về văn hóa và lịch sử với kiến trúc Phật giáo đặc sắc, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 14, đầu thế kỉ 15. Chỉ tiếc rằng, cho đến thời điểm hiện tại, di tích này vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm, bảo tồn và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, dường như dần bị lãng quên với những di tích mất đầu, cụt đuôi, bị vùi lấp trong đất núi và cỏ dại um tùm.

 

Vua Lê Thánh Tông khi đến thăm hang Dơi, từng có thơ đề như sau:

 

Vạn khoảnh bích ba dao nhật ảnh,

Nhất hồ lục thảo nhập xuân phong

Yên vân khinh đạm vi mang ngoại,

Hoa vật âm sầm ẩn nước trung.

 

Tạm dịch:

 

Muôn khoảnh sóng cồn vầng ác lộn,

Một bầu cỏ biếc gió xuân tung

Khói mây phớt nhẹ mơ màng cách

Hoa vật um tùm thấp thoáng trong.

Elina

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục