5/5 (3) Bình chọn
SỰ TÍCH NGUYỆT LÃO VÀ DÂY TƠ HỒNG
Vi Cố là một thơ sanh văn hay chữ tốt nhưng chưa gặp hội phong vân, thi mãi không đậu, nên đành quay về mượn thù gió trăng tiêu sầu giải muộn. Một hôm, thơ thẩn dưới trăng, Vi Cố thấy một ông già ngồi dưới cội tùng xem sách. Lại gần thì thấy bên cạnh ông già có một chiếc giỏ đựng toàn chỉ đỏ. Vi Cố mới lân la làm quen với ông già rồi hỏi ông đọc sách gì đó, còn chiếc giỏ đựng chỉ đỏ làm gì?
Ông già nọ đáp: - Cuốn sách đang xem chính là sổ duyên nợ có đủ tên những cặp vợ chồng sẽ lấy nhau, còn giỏ chỉ đỏ là tơ hồng để buộc chặt chân vợ chồng lại với nhau cho đến trọn đời.
Vi Cố lấy làm lạ lắm, hỏi: - Như tôi đây chưa vợ, không biết ngày nào mới có vợ, và vợ tôi là ai, ở đâu?
Ông già nọ lật sách xem một hồi rồi nói: - Còn lâu lắm ngươi mới lấy vợ, vợ ngươi sẽ là con gái của cụ ăn mày ở chợ này.
Nói rồi ông già cười lên mấy tiếng, biến mất. Vi Cố nửa tin, nửa ngờ và lấy làm lo lắng. Hôm sau, ra chợ Thang Âm dò xét hư thực. Quả nhiên, Vi Cố gặp một người đàn bà ăn xin đang dắt một đứa bé đi chập chửng.
Sợ phải kết duyên với con nhà bần tiện, Vi Cố liền dùng dao định chém chết đứa bé. Chẳng ngờ lưỡi dao vừa xớt qua đầu, mẹ đứa bé hoảng kinh bồng nó chạy trốn mất, nó chỉ bị thương nơi đầu.
Mười lăm năm sau, Vi Cố thi đỗ ra làm quan rồi kết duyên cùng con gái một vị quan già. Thời gian qua, một hôm rỗi rãnh, Vi Cố đùa cợt với vợ, chợt nhìn thấy cái thẹo trên đầu, liền hỏi thăm duyên cớ. Chừng nghe vợ thuật chuyện, Vi Cố mới biết vợ mình không ai khác hơn là đứa bé con của người đàn bà ăn xin ở chợ Thang Ân mà ông định giết chết ngày xưa. Về sau, được vị quan già xin làm con nuôi.
Bấy giờ Vi Cố đã hiểu rõ sự huyền bí của đất trời. Thiên cơ đã định thì không tài nào cãi được.
Do chuyện này, mà từ đó tới sau người ta gọi ông già dưới trăng là Nguyệt Lão, chỉ đỏ là tơ hồng. Và trong những đám tân hôn người ta thường chúc câu “bách niên giai lão.” bởi sự tích này mà ra vậy.
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ