TẠI SAO CẦN VÀ CÁC BƯỚC TRẤN AN CẢM XÚC CHO TRẺ

5/5 (2) Bình chọn

Thứ sáu, 16/06/2023 05:06

TẠI SAO CẦN VÀ CÁC BƯỚC TRẤN AN CẢM XÚC CHO TRẺ

Khi có một sự việc xảy ra, dù là ở người lớn hay trẻ con thì vùng xử lý cảm xúc trong não luôn hoạt động trước vùng lý trí (suy nghĩ logic). Khi vùng này bị quá tải do cảm xúc quá mạnh nó sẽ mất liên kết với vùng lý trí, đó là lý do tại sao khi có cảm xúc mạnh, chúng ta thường khó đưa ra lời nói hay hành động thiết thực và hiệu quả. Vậy nên mục đích của tập làm chủ cảm xúc là để "hạ nhiệt" cho khu vực này, làm thông đường giao tiếp của nó tới vùng lý trí và cho phép vùng lý trí có cơ hội phát huy khả năng.

 

 

Ví dụ như một đứa trẻ lên 3 khóc to vì sợ khi nghe thấy một tiếng động lạ. Con tiến tới chỗ bạn và nếu bạn bắt đầu bằng: làm sao thế? chỉ là tiếng máy khoan thôi, có gì đâu mà sợ! có khả năng con sẽ vẫn sợ và khóc tiếp. Thay vào đó bạn nói: Con sợ vì nghe thấy tiếng động lạ (kèm hành động vỗ về), cảm xúc của con ngay lập tức sẽ dịu xuống. Chỉ sau đó con mới nghe tiếp được lời bạn nói phía sau: nó là tiếng của máy khoan ở ngoài kia, không có gì đâu.

Hay một trẻ lớn hơn đang bực tức vì em nhỏ phá món đồ chơi yêu thích của mình, con bắt đầu có lời nói và hành vi không hợp lý. Nếu tiếp cận bằng việc phủ nhận đi cảm giác ban đầu của con, lời bạn giảng giải, phân tích, lý lẽ ở phía sau sẽ không được trẻ tiếp thu vào vùng lý trí vì khi đó vùng cảm xúc đã quá đầy rồi.

Trẻ càng nhạy cảm, càng gặp nhiều khó khăn với cảm xúc - ngoài việc phản ứng nhạy hơn trẻ khác thì còn khó lấy lại trạng thái cân bằng hơn - đồng nghĩa cần nhiều hơn sự hỗ trợ của người lớn trong việc ghi nhận và giúp trẻ giải toả cảm xúc của mình.

Vai trò của trấn an chính là cho trẻ một không gian an toàn và biết rằng trẻ được hiểu, được chia sẻ, lắng nghe mà không bị phán xét hay chỉnh sửa điều gì. Nhiều người lớn còn phân vân ở bước này vì sợ rằng như vậy nghĩa là đồng tình với cái sai của con.

Tới đây mình cần phân biệt giữa cảm xúc và hành vi; giữa cảm xúc, hành vi và con người trẻ. Cảm xúc và hành vi đều tới TỪ con chứ không phải LÀ con. Cảm xúc thì cần được ghi nhận và xoa dịu còn hành vi thì cần mình tuỳ vào từng việc mà có những hướng dẫn nhất định để giúp con thay đổi. Công tác khơi thông cảm xúc cần được thực hiện trước thì việc điều chỉnh hành vi mới có tác dụng.

Càng thực hành điều này mình càng thấy thời điểm mấu chốt luôn nằm ở bước gọi tên và ghi nhận cảm xúc của trẻ. Tạm thời gạt qua hết các chi tiết khác của tình huống để lần lượt:

1) tập trung vào hiện tại, gọi tên và ghi nhận cảm xúc trẻ đang có (nên kèm hành động vỗ về như xoa đầu, xoa lưng, vỗ vai, nắm tay, nhìn thẳng, cúi người ngang tầm trẻ)

- Con muốn bàn chải mèo của chị nhưng chị không đồng ý nên con thấy buồn và giận. Mẹ hiểu rồi.

- Chị muốn em không được cho ô tô vào nhà (lego) nhưng em không hiểu và vẫn làm nên chị bực mình.

- Con muốn hai em chờ con chuẩn bị mọi thứ xong xuôi đã mới chơi mà hai em không nghe nên con tức giận.

Để tăng vốn từ về cảm xúc, mình có thể xem hình "bánh xe cảm xúc bên dưới. Nguồn hình: glints . com)

2) lắng nghe tích cực trẻ nói mà không điều chỉnh hay nhận xét gì

Lúc được nói là lúc trẻ dần lấy lại cân bằng cho mình, nhìn lại tình huống và hiểu về nó. Có thể con cần thêm một số gợi ý và định hướng từ người lớn nhưng nguyên tắc luôn là nói ngắn gọn và thiên về đặt câu hỏi để trẻ tự trả lời nhiều hơn.

Đôi lúc trẻ nói nhưng các ý không liên kết với nhau và không hợp lý, mình tránh tập trung vào cái đó để giải thích (hoặc có thể là diễn đạt lại cho trẻ nghe theo cách khác). Điều quan trọng vẫn là cho trẻ thấy mình được lắng nghe.

3) nhất quán với quyết định của mình nếu là trẻ đang đòi hỏi

Mình tách bạch cảm xúc khỏi thứ trẻ đang đòi hỏi hoặc thứ gây ra tiếng khóc của trẻ. Việc gì không được thì là không được, cần làm thì sẽ phải làm, thỏa thuận được thì sẽ thỏa thuận.

Một số nơi cho rằng với trẻ dưới 3 mình nên đánh lạc hướng. Mình trước cũng có áp dụng nhưng về sau không đồng tình lắm với cách này vì nó làm mất cơ hội đối diện với cảm xúc của bản thân của trẻ, đồng thời cũng là cơ hội của mình để tập (nhất là với trẻ khoảng từ 18 tháng trở đi)

Giai đoạn trẻ còn bé là thời điểm dễ và lý tưởng để tập, ít căng thẳng vì bản thân trẻ chưa định hình cái tôi. Tầm sau 5,6 tuổi trở đi, mọi thứ phức tạp hơn, nếu giai đoạn trước đó mình luôn né tránh, đánh lạc hướng, không cho phép mình và con cùng nhau đối diện và học thì giai đoạn này chắc chắn mình sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, với một đòi hỏi mình không để trẻ làm quen và cho trẻ thời gian chấp nhận sự thật này thì tới lần sau, khi gặp tình huống tương tự khả năng cao là trẻ sẽ vẫn phản ứng như lúc đầu. Chấp nhận một sự thật cần thời gian và cần có cơ hội để đối diện. Ở đây sự kiên nhẫn của bố mẹ mang tính quyết định. Nếu lần 1 mình làm được, tới lần 2 đảm bảo phản ứng của trẻ nhẹ dần, tới lần 3,4,5 là hết hẳn.

4) Không kỳ vọng trẻ sẽ nín khóc ngay khi mình trấn an

Mình thấy nhiều người hỏi: Tại sao em làm đúng như vậy, nhưng con em vẫn khóc lắm, không chịu nín?

Câu trả lời vẫn là quay lại với sự kiên nhẫn của mình với cảm xúc của trẻ và cho trẻ thời gian để chấp nhận sự thật. Nếu mình không thực sự thành tâm trong việc trấn an mà chỉ làm theo công thức cho xong, cho qua chuyện thì kết quả sẽ khó mà tới.

Trấn an cần chính bản thân bố mẹ tập được với chính mình trước tiên để hiểu bản chất, hiểu về sự chấp nhận, bao dung. Khi trấn an, mình nên nhớ mục tiêu là: TRẤN AN TRẺ CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ TRẺ NÍN KHÓC SỚM. Trấn an trẻ là vì trẻ còn để trẻ nín khóc sớm là vì mình, khi mình làm điều gì đó vì mình mà đối tượng được hướng tới là trẻ, mình sẽ rất dễ mất kiên nhẫn mà bỏ cuộc và chuyển sang chế độ "phản ứng." Vậy nên có một câu hỏi quan trọng khi tương tác với con cái mà mình thấy rất cần thiết, đó là: mình nói/làm điều này là vì ai?

Elina
TAGS:

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục