4/5 (5) Bình chọn
Hàng năm, cứ vào tầm tháng 3 âm lịch, khi mùa rét đã qua và những tia nắng ấm áp phủ xuống nhân gian, trời lại bỗng dưng trở rét vài ngày, có khi kéo dài cả tuần lễ. Cha ông ta gọi cái rét ấy là rét nàng Bân. Mời các bạn và các em cùng đọc sự tích Rét nàng Bân để nghe câu chuyện về đợt rét muộn ở miền Bắc và miền Trung nước ta nhé.
SỰ TÍCH RÉT NÀNG BÂN
Nàng Bân là một cô gái hiền lành, đức độ, lại rất mực chịu thương chịu khó, hay lam hay làm. Nàng đối xử với mọi người cũng thực chu đáo, tận tụy. Tính tình ấy không cho phép nàng làm bất cứ việc gì đại khái qua loa, dù làm việc gì, việc nhà hay đồng áng, nàng đều hết sức tỉ mỉ cẩn thận.
Khi đến tuổi lấy chồng, nàng cũng về làm dâu như mọi người, nhưng tính tình thì vẫn như xưa. Nàng lấy chồng vào đầu mùa đông, ngay sau khi công việc gặt hái vừa xong. Thấy chồng còn thiếu áo ấm, nên nàng bắt tay ngay vào việc quay tơ kéo sợi để chuẩn bị đan một chiếc áo thật ấm, thật đẹp cho chồng.
Những sợi tơ, sợi len của nàng vừa đều đặn lại vừa thực nuột nà óng ả. Rồi nàng đi tìm nhiều thứ vỏ cây, pha chế và nhuộm ra nhiều loại mầu khác nhau. Tiếp đến, nàng ngồi vẽ kiểu áo và các hình trang trí, họa tiết. Lật đi lật lại mãi, chỉ đến khi ưng ý nhất, nàng mới bắt tay ngồi đan. Nàng để hết tâm trí vào công việc, và mỗi mũi đan tựa như có thêm một lời ca hát cất lên tự trong lòng. Trời đã sắp sang xuân, nàng mới may xong đôi cổ tay. Bởi vậy nhân gian mới có một câu hát như thế này:
Nàng Bân đan áo cho chồng
Đan ba tháng ròng mới được cổ tay.
Mặc cho tháng Giêng tháng Hai đến rồi qua đi, mặc cho mưa dầm gió bấc và giá buốt, nàng cũng vẫn chăm chỉ, một lòng một dạ với công việc. Cuối cùng, khi tháng ba vừa đến, chiếc áo của chồng nàng cũng đã may xong. Nỗi vui mừng của nàng thật không có bút nào tả xiết.
Nhưng hỡi ôi! Chính lúc ấy trời lại trở nắng, mùa rét đã hết rồi.
Nàng Bân buồn lắm! Nàng rất yêu thương quý trọng chồng. Suốt mấy tháng ròng chàng đã phải âm thầm chờ đợi. Vậy mà chỉ một niềm vui, một hạnh phúc nhỏ nhoi thôi cũng không sao đền đáp lại được! Nàng ngồi bưng mặt khóc.
Ngọc Hoàng trên thượng giới nghe thấy tiếng khóc của nàng Bân. Cảm động trước tấm lòng của người con gái nết na, đức hạnh, Ngài liền làm cho trời rét thêm vài hôm nữa để chồng nàng thử áo.
Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng trời tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân. Tục ngữ có câu: "Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân" là vì thế.
> Đọc truyện Sự tích Trầu cau <
Nhân gian còn có một tích khác kể về sự tích Rét nàng Bân :
Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân, cũng là một người trên thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Những nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay. Nhiều người trên trời đã chế giễu nàng:
"Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới trọn cổ tay".
Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó nhân dân ta gọi đợt rét muộn này là rét nàng Bân.
Hết
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ