5/5 (1) Bình chọn
Những mẩu truyện ngụ ngôn trong văn học dân gian Việt Nam mà bạn không thể bỏ qua
1. Câu chuyện về một chú ếch huênh hoang
Đó là truyện Ếch ngồi đáy giếng. Vì sống lâu ngày trong đáy giếng, xung quanh ếch lâu nay chỉ có một vài con vật nhỏ bé, mà tiếng ếch kêu “ồm ộp” vang động trong giếng nên ếch ta cứ tưởng ”bầu trời trên đầu bé chỉ bằng chiếc vung và nó thì oai như một vị chúa tể”. Điều đó chứng tỏ môi trường, hoàn cảnh sống của ếch rất nhỏ hẹp, tầm nhìn, sự hiểu biết của ếch cũng rất nông cạn, thiếu chính xác. Bầu trời bao la, rộng mênh mông như thế mà ếch ta tưởng nó chỉ bằng chiếc vung. Thế giới bên ngoài cũng vô cùng rộng lớn, phong phú như thế mà ếch ngỡ chỉ có vài con vật nhỏ bé, yếu đuối hơn mình. Ở trong đáy giếng lâu ngày, do tầm nhìn, sự hiểu biết hạn chế, lại có một chút năng lực là kêu “ồm ộp” trong giếng, được thành giếng cộng hưởng khiến tiếng kêu âm vang lên một chút nên chú ếch kia nhiễm bệnh chủ quan, kiêu ngạo, huênh hoang, cho mình là chúa tể muôn loài. Đúng là kẻ “coi trời bằng vung” như thành ngữ cha ông ta thường nói.
Nhưng rồi, hoàn cảnh sống của ếch thay đổi. Sau một trận mưa to, nước giếng dềnh lên, đưa ếch lên khỏi đáy giếng tiếp xúc với thế giới bao la. Vậy mà chú ta vẫn không thay đổi tính tình. Nó cứ “nhâng nháo đưa cặp mắt nhìn lên bầu trời, chả thèm để ý đến xung quanh”. Hậu quả là ếch “bị một con trâu đi qua giẫm bẹp”. Chao ơi ! Chú ếch hư đốn kia đã phải trả giá, một cái giá quá đắt bằng chính mạng sống của mình.
Từ câu chuyện một chú ếch ngồi trong đáy giếng, nhân dân ta ngụ ý phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang, đồng thời khuyên nhủ chúng ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo. Những thành ngữ “Coi trời bằng vung”, “Ếch ngồi đáy giếng” mà chúng ta thường được nghe nhiều người nói, phải chăng bắt nguồn từ truyện ngụ ngôn này và cũng ngụ ý phê phán, răn dạy tương tự.
2. Câu chuyện năm ông thầy bói phán về hình thù con voi
Chuyện được kể qua truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi. Là thầy bói – người khiếm thị thì không thể nhìn được thế giới muôn loài phong phú, sinh động. Họ phải “quan sát” để nhận biết sự vật bằng tai nghe, hoặc bằng tay sờ. Do đó, tầm hiểu biết sự vật của họ bị hạn chế. Năm ông thầy bói trong truyện ngụ ngôn ấy, mỗi người chỉ sờ được một bộ phận của con voi. Người sờ vòi voi, người sờ ngà voi, người sờ tai voi. Người thứ tư sờ chân voi, người thứ năm sờ đuôi voi. Điều thú vị và hấp dẫn của truyện là cách năm thầy bói đặc tả hình thù con voi bằng trí tưởng tượng, cách ví von cụ thể. Người thứ nhất phán : Con voi “sun sun như con đỉa”. Người thứ hai phán : Con voi “chần chẫn như cái đòn càn”. Người thứ ba, thứ tư, thứ năm… xem ra các thầy quan sát và nhận xét khá chính xác đấy chứ. Đúng ! Năm bộ phận của con voi là như thế ! Nhưng mỗi bộ phận ấy không thể đại diện cho toàn thể thân hình con voi. Điều sai sót của năm thầy bói là : xem xét con voi một cách phiến diện, nhưng cứ chủ quan cho mình là người tài giỏi đã “nhìn” thấy đầy đủ về một con voi. Từ đó mà gây ra xô xát đánh nhau.
Câu chuyện không nhằm chế giễu người mù – sự khiếm khuyết về thể chất mà nói tới sự mù loà về nhận thức, sự sai sót về phương pháp tìm hiểu thực tế. Qua tình huống cách sờ voi, rồi phán về hình thù con voi của năm thầy bói, người đọc, người nghe truyện bật cười, nụ cười nhẹ nhàng, thú vị.
Như vậy, từ câu chuyện chế giễu cách xem và phán về con voi, chế giễu cả nghề thầy bói nữa, truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi khuyên chúng ta : muốn hiểu biết về sự vật, sự việc, con người,… phải xem xét đối tượng một cách toàn diện. Trước khi tìm hiểu và nhận xét điều gì, việc gì hãy thận trọng để không bị người khác chế giễu bằng thành ngữ “cái đồ thầy bói xem voi”, bạn nhé !
3. Chuyện về một sáng kiến của họ nhà chuột
Đây vốn là một truyện ngụ ngôn của Ê-dốp, nhà văn cổ đại Hi Lạp. Khi vào Việt Nam, tác phẩm được Nguyễn Văn Ngọc kể lại, trở nên rất sinh động với nhiều hình ảnh, nhiều tình huống hấp dẫn, đậm đà chất dân tộc.
Điều hấp dẫn thứ nhất là cảnh họp làng chuột đầy những chi tiết đối lập. Lúc đầu, cuộc họp bừng bừng khí thế. Sau khi nghe ông Cống – một con chuột to lớn nhất đàn, loại chuột chuyên sống trong cống rãnh nêu sáng kiến “đeo nhạc vào cổ mèo”, cả làng chuột đều “dẩu mõm, quật đuôi… và đồng thanh ưng thuận”. Nhưng sau khi kiếm được nhạc, bàn việc cử người đeo nhạc vào cổ mèo thì… “cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả”. Sự đối lập tiếp tục diễn ra ở cuối truyện là việc chuột Chù thay mặt cả làng mang nhạc đeo vào cổ mèo. Chưa trông thấy hình dáng, mới chỉ nghe tiếng mèo, Chù đã sợ run cả mình… Rồi khi thấy mèo nhe nanh, giơ vuốt thì nó “cắm đầu, vác cái thân-ì ạch chạy khốn chạy khổ” và cả làng chuột “cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái nhạc…”. Thế là “sáng kiến” của làng chuột trở thành “tối kiến” vô nghĩa, vô vị !
Điều hấp dẫn thứ hai của truyện này là hình hài, tính tình của từng loại chuột. Tác giả đã dùng nghệ thuật trào phúng để đặc tả một số cọn chuột. “Nào anh Chù, mùi hôi đến nỗi thành câu ca ; nào chú Nhắt, có tính nhí nhắt, đã nên câu ví ; nào lại ông Cống, rung rinh béo tốt, quan trường lại chấm cho ở trên ông Đồ…”. Mỗi con chuột đã được nhân hoá, mang ngoại hình và tính cách con người, gợi cho chúng ta nghĩ tới một số người trong xã hội. Ở đây là xã hội phong kiến ngày xưa. Cảnh làng chuột họp bàn cử người đeo nhạc vào cổ mèo cũng là hình ảnh làng xã ngày xưa. Tại đây những kẻ có chức có quyền như ông Cống, anh Nhắt thường o ép, bắt nạt những người cùng đinh trong làng là anh Chù ì ạch. Trong những cuộc họp làng ngày xưa ấy, nhiều khi giống như cuộc họp của hội đồng chuột, mọi người ồn ào nói chuyên, tranh cãi, bàn bạc,… nhưng cuối cùng chẳng quyết định được điều gì ích nước, lợi dân mà toàn những chuyện viển vông, hão huyền không thể thực hiện được, y như chuyện chuột quyết định đeo nhạc vào cổ mèo vậy !
Có thể nói, truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo miêu tả sinh động làng chuột và từng loại chuột khi đề xuất và khi thực hiện không thành một quyết định hão huyền mà cứ tưởng đó là sáng kiến. Từ đó, truyện khuyên nhủ mọi người luôn phải cân nhắc đến điều kiện và khả năng thực hiện một việc nào đó. Truyện còn phê phán những ý tưởng viển vông, những kẻ ham sống sợ chết, chỉ nói mà không làm, trút khó khăn, nguy hiểm cho người dưới quyền. Thành ngữ “đeo nhạc cho mèo”, “treo chuông cổ mèo”, “hội đồng chuột” trong lời ăn tiếng nói thường ngày của nhân dân ta chắc đã sinh ra từ truyện ngụ ngôn đặc sắc này.
4. Câu chuyện về sự tranh công nhau của Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng
Ở hai truyện Ếch ngồi đáy giếng, Đeo nhạc cho mèo, những con vật đã được nhân hoá có những hành động, ý nghĩ của con người. Đến truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, nghệ thuật biến hoá đổi sang hướng khác. Đó là nhân hoá các bộ phận trên cơ thể con người. Tác giả đã thổi hồn và gán hành động, ngôn ngữ cho năm bộ phận quan trọng để cấu tạo nên một con người. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng biết nói, biết nghĩ, hành động và trở thành cô, cậu, bác, lão. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, ai cũng tự cho mình có nhiều công lao, vất vả. Từ đó họ xúm vào chê trách lão Miệng chỉ ăn mà không làm. Họ đã đình công. Nhưng hậu quả là… tất cả đều phải trả giá : “cả bọn thấy mệt mỏi, rã rời… lão Miệng cũng nhợt nhạt… không buồn nhếch mép”. May thay, cuối cùng cả năm người đều tỉnh ngộ… Họ hiểu rằng : trong một cơ thể thống nhất, chân, tay, tai, mắt, miệng có quan hệ khăng khít với nhau, bộ phận nọ hỗ trợ bộ phận kia, tất cả đều có công, tất cả bình đẳng như nhau.
Từ câu chuyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, tác giả truyện ngụ ngôn này nhắc chúng ta bài học : Trong một tập thể, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa vào nhau, gắn bó với nhau để cùng tồn tại, do đó phải biết hợp tác với nhau và tôn trọng công sức của nhau.
Qua bốn truyện vừa đọc bên trên, chúng ta hiểu rõ hơn đặc điểm và ý nghĩa của truyện ngụ ngôn. Theo nghĩa của từ gốc Hán,.ngụ là hàm chứa kín đáo, ngôn là lời nói. Ngụ ngôn nguyên nghĩa là lời nói có ngụ ý, lời nói có ý kín đáo để người nghe, người đọc tự suy nghĩ mà hiểu ý người nói, người viết. Truyện ngụ ngôn kể về những chuyên nhẹ nhàng, tế nhị, kín đáo nhưng sinh động, hấp dẫn đầy ngụ ý, giúp chúng ta đọc, hoặc nghe kể chuyện hiểu được những lời khuyên, những lời răn dạy bổ ích cho cuộc sống chúng ta. “Bài học luân lí khô khan, khiến người ta dễ chán. Câu chuyện kể giúp bài học luân lí dễ lọt tai hơn”. Từ những câu chuyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng ; Thầy bói xem voi ; Đeo nhạc cho mèo và Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, chúng ta tiếp nhận được nhiều bài học luân lí rất sâu sắc mà không khô khan. Tất cả đều “dễ lọt tai” và rất thú vị ! Xin cảm ơn các bạn đã đọc !
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ