Ca dao Tục ngữ Thành ngữ là gì - Văn học dân gian Việt Nam

4/5 (21) Bình chọn

Thứ năm, 12/05/2016 07:05

À ơi...

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

 

   Bạn có quen thuộc với làn điệu ấy chăng? Văn học dân gian Việt Nam không chỉ là những câu chuyện cổ, những sự tích, mà còn là một kho tàng ca dao dân ca, là những câu tục ngữ thành ngữ được sử dụng ẩn dụ trong những câu chuyện hàng ngày. Cùng doctruyencotich.vn tìm hiểu khái niệm về ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ nhé.

 ca dao tục ngữ thành ngữ

CA DAO, TỤC NGỮ VIỆT NAM

 

    Ca dao là những câu thơ có thể hát thành những làn điệu dân ca, ru con... hoặc ca dao là lời dân ca đã lược bỏ đi những luyến láy khi hát. Ca dao để lại dấu vết rõ rệt nhất trong ngôn ngữ văn học. Phần lớn nội dung ca dao thể hiện tình yêu nam nữ, ngoài ra còn có những nội dung khác của ca dao: quan hệ gia đình, các mối quan hệ phức tạp khác trong xã hội...

   

   Tục ngữ là những câu nói đúc kết kinh nghiệm của dân gian về mọi mặt như: tự nhiên, lao động sản xuất và xã hội, được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ, lời ăn tiếng nói và khuyên răn. Nó ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, có nhịp điệu, có hình ảnh. Đây là một thể loại văn học dân gian.

 

   Ca dao, tục ngữ, dân ca truyền miệng của Việt Nam, có sắc thái độc đáo, khó sánh được. Câu 6, câu 8, có vần, có điệu, ý nghĩa và tinh tế và vô danh chẳng biết tác giả là ai. Thuộc giới bình dân hay trí thức, nông dân hay thầy giáo" ? Chỉ biết riêng ca dao mênh mông kỳ thú, phản ánh nếp sống, lối suy nghĩ của dân tộc Việt trải qua 4000 năm văn hiến. Một dân tộc văn minh, nhiều nghị lực, dũng cảm, đầy thi vị.

 

   Ca dao tục ngữ là một hành trình tìm về cội nguồn của nước Việt Nam mến yêu. Đọc ca dao để thấy khí thiêng sông núi Việt, đọc ca dao để thấy tinh thần hiện hữu, bản sắc dân tộc của dân tộc Việt. Thấy ra ý thức dân tộc và sức mạnh tinh thần của người Việt, thấy cái tinh thần kháng chiến quật cường của người Việt, nhất định không chịu đồng hoá.

  

   Ca dao tục ngữ là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam. Không phải dân tộc nào cũng có được văn chương và thi sĩ tính như thế. Non nước Việt Nam đẹp nghìn thu, vô song. Người nước Việt cũng khác thường. Trải qua nhiều thời đại, kho tàng văn chương bình dân Việt Nam càng phong phú, súc tích với biết bao câu tục ngữ, ca dao, những câu hát điệu hò muôn hình muôn vẻ. Dân ca là ca dao đã được dân gian hát và hò qua nhiều thể điệu đặc thù của từng địa phương.

 

THÀNH NGỮ

 

   Trong ngôn ngữ Việt có hẳn một kho thành ngữ, trong đó phải kể đến những câu, những lời bình nghị sinh động về phẩm cách con người, về đạo lý ở đời, về nhân tình thế thái. Chỉ kể những câu có bốn từ, bốn tiếng đăng đối giàu biểu cảm người ta đã có thể liệt kê ra rất nhiều. Xin viện dẫn: "Xấu người đẹp nết", "Giấu đầu hở đuôi", "Cười thuê khóc mướn", "Nước chảy đá mòn", "Giận cá chém thớt", "Bóc ngắn cắn dài", "Bòn tro đãi sạn", "Chọn đá thử vàng", "Dẻ cùi tốt mã", "Văn mình vợ người", "Ma chê cưới trách", "Quýt làm cam chịu", "Con dại cái mang", "Chị ngã em nâng", "Công cha nghĩa mẹ", "Môi hở răng lạnh"...

 

   Ðặc điểm của loại thành ngữ này là bốn từ đều là từ đơn, đứng độc lập, có nghĩa riêng; chia thành hai cặp đối xứng nhau. Ví như câu "Xấu người đẹp nết" thì xấu, người, đẹp, nết; bốn từ đơn mang hàm nghĩa riêng, độc lập, không cần liên kết hoặc phụ thuộc vào từ khác; chia thành hai cặp đối xứng là xấu người đối với đẹp nết; đối cả ý lẫn lời; xấu đối với đẹp, người đối với nết.

 

   Thành ngữtục ngữ được dùng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân ta. Tuy nhiên, để hiểu đúng nghĩa một câu tục ngữ hay một thành ngữ, nhất là phân biệt đâu là thành ngữ, đâu là tục ngữ cũng không mấy dễ dàng với khá nhiều người. Muốn phân biệt được đâu là thành ngữ, đâu là tục ngữ thì phải có căn cứ, có cơ sở khoa học và tiêu chí để phân định.

 

    Về vấn đề này, mục "Diễn đàn nói và viết" của Tạp chí Ngôn ngữ học Việt Nam (số 8 năm 2006) đã nêu như sau: Tục ngữ là một câu nói hoàn chỉnh, diễn đạt trọn vẹn một ý (ví dụ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng); còn thành ngữ chỉ là một cụm từ, một thành phần câu, diễn đạt một khái niệm có hình ảnh (ví dụ: Mẹ tròn con vuông).

 

   Nội dung của tục ngữ thuộc về đúc rút những kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử - xã hội của nhân dân (ví dụ: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm). Thành ngữ lại mang tính biểu trưng, khái quát và giàu hình tượng nên thường dùng nghệ thuật tu từ ẩn dụ hoặc nghệ thuật tu từ hoán dụ. Chẳng hạn "Chân cứng đá mềm". Chính vì vậy, thành ngữ dễ gây được ấn tượng mạnh mẽ với người nghe, người đọc, hiệu quả biểu đạt và biểu cảm rất cao nên nhân dân thường dùng xen vào lời ăn tiếng nói (ví dụ: Tôi chúc anh đi "chân cứng đá mềm")...

 

   Hy vọng rằng qua bài vừa rồi, bạn đọc đã có khái niệm tổng quát về ca dao, tục ngữ và thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian việt nam. Mời các bạn cùng xem những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ và những bài hát ru con hay tại đây nhé. 

 

> Xem thêm Tuyển tập Ca dao tục ngữ thành ngữ Việt Nam <

 

Vần A - Vần B - Vần C - Vần D - Vần Đ - Vần E - Vần G - Vần H - Vần K - Vần L - Vần M - Vần N - Vần O - Vần P - Vần Q - Vần R - Vần S - Vần T - Vần U - Vần V - Vần X - Vần Y

Elina

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục