Đọc truyện cổ tích Bà chúa Tuyết của Andersen

5/5 (1) Bình chọn

Thứ năm, 12/05/2016 02:05

<< Phần trước <<

...

   Giécđa mải mê thuật lại chuyện của em không quên một chi tiết, để khỏi phải nghĩ đến cái nơi khủng khiếp mà tai hoạ đã dẫn em đến, và trong khi kể những nỗi lo buồn đã qua, em có thể tạm quên những mối lo hiện tại. Giécđa kể lể rất dài, dài lắm. Đàn bồ câu vẫn gù trong chuồng, còn các chim khác đã ngủ cả. Con gái lũ kẻ cướp một tay quàng vào cổ Giécđa, tay kia cầm dao găm, cũng ngủ nốt. Nhưng Giécđa không sao chợp mắt được. Em băn khoăn không biết rằng chúng có để em sống hay không hay là chúng sẽ giết em. Bọn kẻ cướp ngồi quanh đống lửa uống rượu và ca hát. Mụ hầu cũng say khướt, ngã sấp ngã ngửa, Giécđa sợ run lên. Đàn bồ câu nói với em:

 

 - Gù! Gù! Chúng tôi đã trông thấy Kay. Một con gà trắng mang xe trượt cho cậu, còn cậu thì ngồi trong xe của Bà chúa tuyết, xe chạy qua rừng nơi chúng tôi làm tổ: nữ chúa hà hơi vào chúng tôi làm chết rét hết tiệt, chỉ còn sống sót có hai đứa thôi. Gù! Gù!

 

 - Này các bạn trên kia, nói gì thế?- Giécđa reo lên- Bà chúa tuyết đi đâu rồi? Các bạn có biết gì không?

 

 - Chắc hẳn bà ta đi đến xứ Lapôni rồi, vì nơi ấy có băng tuyết quanh năm. Cứ hỏi bác nai bị buộc ở dưới ấy thì biết.

 

 - Quanh năm chỉ toàn băng và tuyết thôi, thật là thích!- Nai nói- Ở đấy được vùng vẫy tự do trong những thung lũng rộng rãi và sáng loáng. Chính đấy là nơi Bà chúa tuyết dựng lều vải vào mùa hè, nhưng lâu đài của bà ta ở mãi trên cực bắc, trên hòn đảo mà người ta gọi là đảo Spitbe.

 

   Giécđa lẩm bẩm: - Kay, Kay!

 

 - Nằm im- Con gái bọn cướp dọa- Nếu không tớ cho một nhát vào bụng bây giờ.

 

   Sáng dậy, Giécđa kể cho cô bạn những lời bồ câu nói tối qua. Con gái bọn cướp trở nên nghiêm nghị, vừa lắc đầu vừa nói:

 

 - Biết thế thì ích gì? Biết thế thì ích gì?

 

   Giécđa hỏi nai:

 

 - Nai có biết xứ Lapôni ở đâu không?

 

 - Còn ai biết nơi ấy hơn tôi nữa?- Nai đáp- Chính tôi sinh trưởng ở đấy và sống khá lâu trên cái đất phủ đầy tuyết ấy.

 

 - Thế Bà chúa tuyết ở gần Lapôni hay sao?

 

 - Tôi chưa hề trông thấy Bà chúa tuyết, mặc dù quê tôi tuyết phủ quanh năm và là một xứ sở đẹp nhất thế giới.

 

 - Thôi đi, lão già lẩm cẩm- Con gái lũ kẻ cướp gạt đi- Ta có hỏi cảm tưởng của nai về xứ Lapôni đâu? Im đi, không ta sẽ cứa cổ đấy!

 

   Và thấy nai rùng mình, con bé hỏi tiếp:

 

 - Thôi được, nai biết rõ xứ Lapôni như thế, liệu nai có thể dẫn đường cho một người đi đến đó không?

 

 - Dù có mù cả hai mắt tôi cũng dẫn đến nơi đến chốn được, vì nơi ấy là quê hương tôi, chỉ hít không khí ở đấy tôi cũng tìm được hướng đi.

 

 - Này, đằng ấy!- Con bé nói với Giécđa - Người của ta đi cả rồi. Còn lại mẹ tớ, nhưng gần sáng thì mẹ tớ uống một chai bố rồi đi ngủ. Tớ muốn giúp cậu một điều.

 

   Nó nhảy ra khỏi giường, ôm lấy cổ mẹ nó, giật bộ ria mép của mụ và nói:

 

 - Chào con dê già của tôi!

 

   Con gái nói với mẹ như vậy thật là vô lễ. Nhưng bạn đừng tưởng rằng mụ ấy sẽ vồ lấy con nện cho một trận. Mụ chỉ cười gằn, lầu bầu một tí thôi, rồi mụ búng vào mũi con bé làm cho mũi nó tím bầm lên, nhưng đó không phải là mụ phạt nó mà là búng yêu nó đấy. Sau đó, mụ vớ chai rượu tợp một hớp, hai hớp, cuối cùng mụ ngơ ngác nhìn xung quanh, rồi nằm xoài ra đánh một giấc. Mụ còn mở mắt ra vài ba lượt nữa, rồi mụ ngáy inh nhà, đúng như con bé đã nói lúc nãy. Con gái lũ cướp cầm tay Giécđa, nhét dao vào túi, và mở hé cửa nhìn ra ngoài xem có ai không.

 

 - Cẩn thận bao giờ cũng hơn.

 

   Nó nói thế rồi quay lại bảo Giécđa: - Lại đây với tớ, đằng ấy sẽ rất ngạc nhiên.

 

   Đến gần con nai nó bảo:

 

 - Tớ cũng muốn giữ nai ở đây để vuốt ve nai bằng mũi dao của tớ, vì nai trông hay tệ. Nhưng thôi, tớ sẽ thả nai ra để nai có thể phóng về Lapôni. Nhưng nai phải chạy thật nhanh và cõng cô bé này đến lâu đài Bà chúa tuyết, nơi cậu Kay hiện đang ở. Nai đã nghe rõ chuyện cô ấy rồi. Cô ấy nói to thế ai chả nghe thấy? Nai lại thính tai hơn ai hết.

 

   Nai sung sướng nhảy cẫng lên. Con gái bọn cướp nhấc Giécđa lên lưng nai và buộc lại cẩn thận. Nó còn cho cô một cái gối để ngồi lên trên.

 

 - Đằng ấy đi giày băng túp lót lông, như vậy là tốt lắm vì trời sẽ rét, nhưng cái bao tay thì tớ lấy. Vả chăng, đằng ấy cũng chẳng sợ bị cóng tay đâu. Đây là đôi găng lót lông của mẹ tớ, đằng ấy xỏ vào thì đến tận khuỷu tay đấy. Nào mang găng vào! Giờ thì đằng ấy giống bà mẹ xấu xí của tớ rồi đấy, ít nhất cũng giống ở đôi tay.

 

   Giécđa khóc oà lên vì sung sướng.

 

 - Tớ chẳng thích đằng ấy khóc đâu!- Con bé nói- Phải tươi tỉnh lên chứ! Này! Đây là bánh mì và một miếng dăm bông. Đằng ấy sẽ không sợ chết đói đâu.

 

   Nói rồi nó buộc hai thứ ấy vào lưng nai, mở cửa, nhốt lũ chó lại, lấy dao cắt thừng buộc nai và nói:

 

 - Chạy đi, và nhớ trông nom cô bé đấy nhé!

 

   Giécđa chìa đôi tay đeo găng cho con gái lũ kẻ cướp và nói vài lời từ biệt. Nai lao vào rừng, nhảy qua bụi rậm, rễ cây, vượt qua đồng ruộng và đầm lầy. Chó sói và lũ cáo hú lên: “Hú! Hú!” nghe như tiếng hắt hơi dồn dập trong không trung.

 

   Nai nói: - Trông kìa! Bắc cực quang quen thuộc của tôi đang loé sáng khắp bầu trời.

 

   Nai chạy cả ngày lẫn đêm. Giécđa ăn hết cả bánh, hết cả dăm bông và cuối cùng, nai đã đưa em tới Lapôni.

 

Truyện thứ sáu

Bà lão xứ Lapôni và bà lão người Phần Lan

 

   Một túp nhà nhỏ, tiều tuỵ và yên tĩnh, mái úp xuống tận đất, cửa thấp đến nỗi ra vào phải bò sát đất. Trong nhà chỉ có một bà lão người xứ Lapôni đang nướng cá trên chiếc đèn đốt bằng mỡ hải cẩu. Nai kể cho bà nghe chuyện của Giécđa, nhưng trước đó nai đã kể hết chuyện của nai, vì nai cho rằng chuyện của nó quan trọng hơn. Giécđa bị rét cứng cả người nên không nói được.

 

 - Các bạn còn phải đi xa hơn nữa, và cụ Lapôni nói. Các bạn còn phải đi qua ít ra là một trăm dặm mới đến đất Phần Lan, nơii Bà chúa tuyết ở, nơi mà chiều chiều bà ta đốt lên một bó đuốc đỏ rực. Tôi sẽ viết cho các bạn vài chữ lên một con cá khô, vì tôi không có giấy. Các bạn sẽ đưa thư ấy cho bà cụ người Phần Lan ở trên ấy và bà cụ sẽ chỉ dẫn cho các bạn rõ hơn tôi.

 

   Khi Giécđa đã sưởi ấm và ăn uống xong, bà cụ viết mấy chữ vào con cá khô, dặn dò Giécđa giữ cẩn thận, buộc em bé lên lưng nai và nai lại tiếp tục chạy. Hú! Hú! Vẫn có tiếng hú trong không trung. Bắc cực quang toả ánh sáng xanh nhạt suốt đêm khắp vòm trời. Nai và Giécda đi tới đất Phần Lan và gõ vào ống khói một cái nhà không có cửa.

 

   Trong nhà nóng đến nỗi bà cụ ở đó chỉ mặc một bộ quần áo mỏng manh. Người bà bé nhỏ, da mặt nhăn nheo. Bà cởi quần áo cho Giécđa, tháo găng và giày băng túp của em ra, rồi đặt một mẩu nước đá lên đầu chú nai. Bà đọc những chữ viết trên con cá khô, đọc đi đọc lại ba lần cho thuộc lòng, rồi vứt cá khô vào nồi, vì cá ấy ăn vẫn ngon và bà ta chẳng hề hao phí một tí gì. Nai kể chuyện mình trước rồi đến chuyện Giécđa. Bà cụ Phần Lan chớp chớp đôi mắt thông minh, nhưng chẳng nói gì. Nai nói:

 

 - Cụ biết rất nhiều điều. Người ta đồn rằng cụ có thể buộc gió bốn phương bằng một sợi chỉ. Nếu cụ trao sợi chỉ ấy cho một hoa tiêu thì anh ta chỉ cởi một nút là thuyền anh ta thuận buồm xuôi gió, cởi nút thứ hai gió thổi mạnh, cởi nút thứ ba và thứ tư trời sẽ làm giông bão, lật đổ nhào các khu rừng. Cụ hãy cho cô bé này uống một thứ thuốc gì để cô ta có sức mạnh bằng mười hai ngàn người, đủ sức vật ngã Bà chúa tuyết.

 

 - Khỏe bằng mười hai ngàn người ư?- Bà cụ Phần Lan đáp- À, mà đúng thế! Đúng là phải khỏe đến thế.

 

   Bà đi về phía một cái giá có nhiều ngăn, lấy một tấm da khô cuộn tròn, rồi mở ra xem. Mồ hôi long lanh trên trán, bà cụ đọc trên tấm da những chữ kì dị viết ở đó. Nai nằn nì cầu xin bà cụ ban phép cho Giécđa và cả Giécđa nữa cũng khóc sướt mướt, nhìn bà cụ bằg đôi mắt cầu khẩn đến nỗi bà ta lại chớp mắt, lôi nai vào một góc nhà, vừa thì thầm vừa đặt nước đá lên đầu nai:

 

 - Quả là cậu bé Kay ở nhà Bà chúa tuyết thật và được ở đấy cậu rất lấy làm mãn nguyện. Sở dĩ như vậy là vì cậu ta bị một mảnh gương quỷ bắn vào tim và một mảnh bắn vào mắt. Trước hết cần phải lấy được những mảnh gương ấy ra, nếu không cậu ta chẳng bao giờ trở lại bình thường và Bà chúa tuyết vẫn mê hoặc được cậu ta.

...

>> Phần tiếp >>

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục