NGƯỜI ĂN CHAY - Han Kang

0/5 (0) Bình chọn

Thứ Hai, 07/02/2022 01:02

NGƯỜI ĂN CHAY - Han Kang

 

 

 

Nguyên tác: 채식주의자

Tác giả: Han Kang

Dịch giả: Hoàng Hải Vân

Nhà xuất bản: NXB Trẻ  

Trọng lượng vận chuyển (gram): 330

Kích thước: 13x20 cm  

Số trang: 204  

Năm xuất bản: 12/2010

 

Giới thiệu

 

Ba truyện ngắn hay, độc lập nhưng cũng có thể gộp gọi tiểu thuyết (bản gốc không định rõ). Bởi vì cũng những con người đó, nền tảng, xuất xứ đó, nhưng tác giả xây dựng thông qua cái nhìn của các nhân vật khác nhau theo từng sự chuyển biến của câu chuyện. Han Kang giải mã những vùng tăm tối nhất trong con người họ, bắt đầu từ những khao khát bình thường hay đặc biệt, dần dần trở thành những chấn thương không thể nào chữa được. Các nhân vật đi tìm những ảo ảnh, hình bóng chập chờn cho quên đi nỗi đau, để rồi cuối cùng biến mất theo chúng.

 

Nhà văn Hàn Quốc Han Kang đoạt giải Man Booker Quốc tế 2016

 

Tối thứ hai, ngày 16/5/2016, tại lễ trao giải Man Booker Quốc tế 2016, nhà văn Hàn Quốc Han Kang đã được công bố là người chiến thắng với tác phẩm The Vegetarian (Người ăn chay). Cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang tiếng Anh bởi Deborah Smith và được phát hành bởi nhà xuất bản Portobello Books. Ra đời nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học dịch xuất sắc nhất, giải thưởng Man Booker Quốc tế được trao cho cả tác giả lẫn dịch giả, mỗi người một phần thưởng trị giá £25.000 cùng với một kỷ niệm chương. Các tác giả lọt vào chung khảo cũng nhận được £1.000.

 

Han Kang là tác giả người Hàn Quốc hiện đang dạy viết văn tại Viện Nghệ thuật Seoul. Cô đã rất thành công ở Hàn Quốc, từng được trao giải thường văn học Yi Sang, giải thưởng Nghệ sĩ trẻ đương thời và giải thưởng Tiểu thuyết Văn học Hàn Quốc. Người ăn chay là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô được dịch sang tiếng Anh.

 

Deborah Smith, 28 tuổi, người chuyển ngữ tác phẩm Người ăn chay sang tiếng Anh, chỉ mới bắt đầu học tiếng Hàn ở tuổi 21. Trước đó, Smith chưa từng học bất cứ ngoại ngữ nào. Chưa học xong đại học, cô quyết định trở thành dịch giả tiếng Hàn và chuyển đến Hàn Quốc để đạt được mục tiêu này. Cô đã thành lập một tổ chức xuất bản phi lợi nhuận của riêng mình mang tên Tilted Axis Press, chuyên chuyển ngữ các tác phẩm văn học châu Á và châu Phi sang tiếng Anh. Ngoài The Vegetarian và tác phẩm của Bae Suah, Smith cũng đã dịch một cuốn tiểu thuyết khác của Han Kang mang tựa đề Human Acts.

 

Người ăn chay là một cuốn tiểu thuyết gồm ba phần kể lại câu chuyện của Yeong-hye, một người vợ ngoan hiền, bị thúc đẩy bởi một giấc mơ, một ngày kia, quyết định trở thành người ăn chay. Hành động thay đổi này đã gây ra một số xung đột trong cuộc sống gia đình cô và được xem như một cuộc nổi loạn của Yeong-hye. Cô ngày càng kỳ lạ và đáng sợ, biến các mối quan hệ dường như bình thường trở thành những quan hệ tình cảm có xu hướng bạo lực, tủi hổ và đầy dục vọng.

 

Tờ The Guardian nhận xét về cuốn sách rằng: “Ba câu chuyện trong tác phẩm quây chặt chúng ta trong những kết cấu cứng nhắc nhất của một xã hội – các kỳ vọng về hành vi, sự vận hành của các thể chế – và ta quan sát các kỳ vọng ấy, các cơ chế vận hành ấy thất bại lần lượt từng cái một… nó bổ sung một nhận thức có tính bản năng, đầy hăng hái và gây sửng sốt đối với chế độ ăn kiêng của bạn đọc người Anh. Với những hình ảnh thuyết phục, các màu sắc choáng ngợp và những câu hỏi quấy rầy tâm trí, tác phẩm là một bức tranh gợi dục, gây kích thích nhưng khắc nghiệt và làm người ta buốt nhói.”

 

Nmds (Theo Man Booker)

 

MỤC LỤC

 

Người ăn chay

Vết chàm Mongolia

 

Cây pháo hoa

 

Người ăn chay

 

 

 

Trước khi vợ bắt đầu ăn chay, tôi chưa từng nghĩ cô ấy là người đặc biệt. Thành thật mà nói, ngay từ lần đầu gặp cô ấy, tôi cũng không thấy lôi cuốn lắm. Chiều cao vừa phải, đầu cắt vuông không ngắn cũng không dài, nước da vàng nhợt đôi chỗ bị khô, gò má hơi nhô ra trên đôi mắt một mí, kiểu ăn mặc không chút màu mè như thể sợ bị coi là người có cá tính. Đi đôi giày đen với thiết kế đơn giản nhất, cô tiến gần đến bàn tôi ngồi đợi với nhịp bước không nhanh không chậm, không mạnh mẽ quá mà cũng không nhẹ nhàng quá.

 

Tôi lấy cô ấy bởi vì thấy cô không có khuyết điểm gì đặc biệt, cũng như chẳng có gì hấp dẫn đặc biệt. Cái tính cách bình thường khó tìm thấy sự tươi mới, dí dỏm, tinh tế đó lại khiến tôi thấy thoải mái. Nhất là không cần phải tỏ ra ta đây hiểu biết để chinh phục cô ấy, không phải vội cuống lên vì sợ trễ giờ hẹn, cũng không có lý do gì phải mặc cảm khi tự mình so sánh với đám đàn ông trong catalogue thời trang. Cô ấy không hề để ý đến cái bụng dưới bắt đầu có từ khi ngoài hai mươi tuổi của tôi, bắp tay bắp chân gầy nhằng chẳng có tí cơ bắp dù đã cố gắng tập tành, đến cả cái “của quý” bé tí từng là nguyên nhân của nỗi tự ti không ai biết của tôi.

 

Tôi thuộc tuýp người không thích cái gì quá. Hồi nhỏ tôi từng cầm đầu đám trẻ con bé hơn mình hai ba tuổi, làm thủ lĩnh trong ngõ, lớn lên tôi đăng ký thi vào trường đại học có học bổng kha khá, rồi vào làm ở một công ty nho nhỏ biết quý cái năng lực vừa phải của tôi, thỏa mãn với mức lương bình bình nhận đều đặn hàng tháng. Thế cho nên việc tôi kết hôn với cô – một cô gái bình thường nhất trên thế giới này – cũng là sự lựa chọn tự nhiên. Những cô gái xinh đẹp, thông minh hay con nhà giàu ngay từ đầu chỉ làm tôi cảm thấy không thoải mái.

 

Phù hợp với mong đợi của tôi, cô ấy đã thực hiện vai trò của người vợ bình thường mà không gặp khó khăn gì. Mỗi sáng cô dậy từ sáu giờ, chuẩn bị cho tôi bữa cơm có canh và một khúc cá, rồi phụ việc cho một cửa hàng nhỏ mà cô ấy làm thêm từ hồi con gái. Cô còn làm giảng viên phụ ở một trung tâm dạy máy tính, đồ họa mà cô từng học ở đó một năm, nhận thêm tại nhà việc đánh máy lời thoại vào truyện tranh cho một nhà xuất bản.

 

Vợ tôi là người ít nói. Hiếm khi nào cô yêu cầu tôi việc gì, tôi đi làm có về muộn đến đâu cô cũng không hề phàn nàn. Trong khi tôi ôm cái điều khiển tivi nằm lăn lóc suốt cả buổi chiều thì cô cũng cắm rễ trong phòng. Chắc có lẽ cô ấy làm việc hay đọc sách gì đó – cái có thể gọi là sở thích của vợ tôi thì chỉ có đọc sách, mà những quyển sách đó thì đa số chỉ mới nhìn bìa chứ chưa mở ra cũng đã biết là những quyển chán ngắt – chỉ đến bữa thì cô ấy mới mở cửa lặng lẽ ra nấu cơm mà chả nói với tôi lời nào. Thú thật, sống với cô ấy tôi chả có ngày nào thú vị. Nhưng so với nỗi khổ khi sống cùng những bà vợ ngày vài lần hết đồng nghiệp lại bạn bè gọi điện đến, hay những bà vợ cứ chu kỳ lại càm ràm để gây lộn với chồng thì tôi thấy mình có diễm phúc lắm rồi.

 

Duy chỉ có một điều có thể gọi là khác người của vợ tôi, đó là cô ấy không thích mặc áo lót. Lúc mới quen nhau, có lần tôi vô tình đặt tay lên lưng cô ấy thì nhận ra dưới lớp áo len không có dây áo lót, tôi đã hơi hưng phấn. Thoáng ngạc nhiên, tôi đã quan sát xem liệu có phải cô ấy đang gởi tín hiệu gì đó cho tôi không. Nhưng kết quả là cô ấy hoàn toàn không có ý bật đèn xanh hay tín hiệu gì với tôi cả. Nếu không phải là tín hiệu thì phải chăng việc không mặc áo lót là do lười biếng, hay sự vô ý? Tôi không thể hiểu nổi. Thật ra với bộ ngực gần như “không có gì” của cô ấy thì không hợp với kiểu đó. Thà rằng cô ấy mặc áo ngực độn dầy lên thì tôi còn có cái mà sĩ diện với bạn bè.

 

Cưới nhau về, cô ấy hoàn toàn không mặc áo lót khi ở nhà. Vào mùa hè khi đi ra ngoài chốc lát, vì sợ cái đầu nhũ hoa tròn tròn nhô ra, cô ấy buộc phải mặc nhưng cũng tháo bớt một móc ra. Khi mặc áo mỏng hay màu nhạt hoặc áo hơi bó, cái móc không cài đó hiện ra rõ mồn một nhưng cô ấy hoàn toàn không đế ý đến nó. Tôi có phàn nàn thì cô khoác một chiếc áo gi-lê giữa trời nóng như thiêu như đốt để thay cho áo lót. Vợ tôi thanh minh rằng loại áo đó làm cô khó chịu khi mặc vào vì nó cứ thít lấy bộ ngực của cô. Tôi chưa bao giờ thử mặc cái áo đó nên không thể hiểu nổi cảm giác ấy khó chịu đến cỡ nào. Nhưng có điều chắc chắn là tất cả các phụ nữ khác không đến nỗi ghét loại áo đó như vợ tôi, tôi tự hỏi liệu cô ấy có quá nhạy cảm chăng.

 

Ngoài chuyện đó ra thì mọi thứ đều bình thường. Năm nay là năm thứ năm kể từ khi chúng tôi kết hôn, ngay từ đầu tình yêu cũng không lấy làm cuồng nhiệt cho lắm nên đến giờ cũng không có gì đặc biệt nhàm chán. Chỉ có điều cho đến mùa thu năm ngoái chúng tôi mới mua được ngôi nhà này nên phải lùi việc có thai lại, nhưng giờ cũng đã đến lúc tôi muốn nghe tiếng trẻ con gọi bố rồi. Tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng có một ngày cuộc sống vợ chồng của chúng tôi lại thay đổi. Đó là một ngày của tháng một, khi tôi phát hiện ra vợ mình đang mặc váy ngủ, đứng trong bếp vào lúc gần sáng.

 

* * *

 

– Đứng đấy làm gì thế?

 

Tôi hỏi, tay định với bật đèn phòng tắm rồi lại thôi. Lúc đó khoảng bốn giờ sáng thì phải. Đúng lúc tôi tỉnh giấc vì vừa khát nước vừa buồn đi vệ sinh do bụng có chai rưỡi soju uống trong bữa liên hoan.

 

– Hả, đang làm gì thế?

 

Tôi thấy ớn lạnh, nhìn về phía vợ đang đứng. Cơn ngái ngủ và hơi rượu đã hoàn toàn tan hết. Vợ tôi không nhúc nhích, đứng nhìn thẳng vào cái tủ lạnh. Không thể nhìn thấy sắc mặt cô ấy vì khuôn mặt chìm trong bóng tối nhưng có cái gì đó rất ghê rợn. Mái tóc không nhuộm vừa dầy vừa đen của cô ấy rối phồng lên. Phần vạt chiếc váy ngủ màu trắng dài chấm gót chân cũng vẫn hơi xoăn lên như mọi khi.

 

Khác với phòng ngủ, phòng bếp khá lạnh. Vốn là người sợ lạnh nên nếu bình thường thì cô ấy đã vội khoác áo len, tìm dép bông đi trong nhà rồi. Nhưng không biết cô đứng đó từ bao giờ, chân không, áo ngủ mỏng mặc mùa xuân-thu. Cô không nói tiếng nào, đứng như trời trồng, như thể đang chống lại ai đó hay ma quỷ mà tôi không thể nhìn thấy ở chỗ để cái tủ lạnh kia.

 

Cái gì nhỉ, phải chăng là bệnh mộng du mà tôi chỉ từng nghe chứ chưa được chứng kiến.

 

Tôi tiến đến bên cạnh vợ đang đứng đờ ra như tượng đá.

 

– Sao thế? Gì thế này…

 

Khi tôi đặt tay lên vai vợ, không ngờ là cô ấy lại chẳng hề ngạc nhiên. Không phải cô ấy đang mộng du, cô ý thức được tất cả, từ việc tôi từ phòng ngủ bước ra hỏi và cả việc tôi đến gần cô ấy. Nhưng cô ấy mặc kệ tất cả.

 

Giống như thỉnh thoảng khi cô ấy đang say mê với phim truyền hình buổi đêm, nghe thấy tiếng tôi về nhưng cũng mặc kệ. Nhưng vào lúc bốn giờ sáng trong phòng bếp tối om, lý do gì khiến cô đứng nhìn chăm chăm vào cánh tủ lạnh 400 lít màu trắng đục kia?

 

– Mình à!

 

Khuôn mặt vợ hiện ra trong bóng tối. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy cắn chặt môi, ánh mắt long lên sắc lạnh.

 

– Em đã mơ.

 

Giọng cô ấy rất rành rọt.

 

– Mơ? Em nói gì thế. Giờ là mấy giờ rồi?

 

Cô quay người đi, bước từ từ, hướng về phía phòng ngủ đang mở cửa. Vừa qua khung cửa, có đầy tay ra sau, cánh của lặng lẽ khép lại. Đế lại mình tôi trong căn bếp tối om, đứng nhìn cửa phòng nuốt lấy bóng dáng phía sau mờ mờ của cô.

 

Tôi bật đèn phòng tắm bước vào. Dạo này nhiệt độ bên ngoài thường xuống đến âm mười độ. Tôi mới tắm cách đây mấy tiếng nên chiếc dép trong đó vẫn còn dính nước lạnh buốt. Tôi cảm nhận được nỗi u sầu của tiết trời lạnh lẽo từ ô cửa thông gió đen sì phía trên bồn tắm và nền gạch trắng của bức tường và sàn nhà.

 

Vào đến phòng ngủ, tôi không nghe tiếng động đậy nào từ phía vợ nằm co quắp. Hệt như tôi đang có một mình trong phòng. Đương nhiên đó là sai lầm của tôi. Nếu lắng nghe thật kỹ sẽ thấy có tiếng thở rất nhẹ. Nó không giống như tiếng thở của người ngủ. Chỉ cần duỗi tay ra là có thể chạm vào da thịt ấm áp của cô. Nhưng chẳng hiểu sao tôi không thể chạm vào. Cũng không muốn nói gì với cô ấy nữa.

 

Nằm trong chăn, thoáng chốc tôi mất đi cảm giác về hiện thực, thẫn thờ nhìn ánh nắng của sáng mùa đông đang chiếu xuyên qua tấm rèm màu trắng vào ngập phòng. Lúc nhấc nửa đầu lên nhìn đồng hồ trên tưởng, tôi bật dậy đạp của chạy ra. Vợ tôi đang đứng trước cái tủ lạnh trong bếp.

 

– Điên à? Sao không đánh thức tôi? Giờ là mấy giờ rồi…

 

Chân vấp phải cái gì đó nhũn nhũn, tôi ngừng lời. Tôi không thể tin vào mắt mình nữa.

 

Vợ tôi đang ngồi bó gối, đầu tóc rối mù xõa xượi vẫn với bộ đồ ngủ đêm qua. Xung quanh cô ấy là những túi nilon trắng, đen và cả những hộp kín bằng nhựa để đầy trên sàn nhà đến nỗi không còn chỗ len chân. Thịt bò để nấu lẩu, thịt lợn ba chỉ, hai đôi xương chân bò to đùng, những con mực trong túi nilon, cá chình đã làm sạch mà mẹ vợ tôi gửi lên cách đây không lâu, một đây cá khô buộc bằng cái dây gai màu vàng, những cái bánh bao còn nguyên trong túi và rất nhiều những bọc mà không biết trong đó có gì. Vợ tôi đang sột soạt mở chiếc bao đựng rác thật to, cho từng túi đồ ăn đó vào.

 

* * *

 

– Làm cái gì thế hả?

 

Cuối cùng tôi không thể bình tĩnh được nữa, hét to lên. Cũng như đêm hôm qua, cô ấy không thèm đếm xỉa đến sự có mặt của tôi, tiếp tục cho các túi thịt vào bao rác. Thịt bò, thịt lợn, thịt gà chặt thành miếng, rồi chỗ cá chình biển kia ít nhất cũng phải hai trăm ngàn won (1) .

 

– Đầu óc cô có bị sao không thế, sao lại bỏ hết thức ăn đi?

 

Tôi đá các túi, chạy tới túm lấy tay cô ấy. Không ngờ cổ tay vợ tôi lại khỏe thế, tôi phải gồng đến đỏ cả mặt mới làm cho cô ấy bỏ chiếc túi xuống được. Tay phải cô xoa xoa tay trái đang đỏ ửng lên, vợ tôi nói bằng ngữ điệu bình tĩnh không khác gì ngày thường:

 

– Em đã mơ.

 

Lại chuyện đó. Nét mặt vẫn hoàn toàn thản nhiên, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi. Đúng lúc đó có tiếng chuông điện thoại của tôi reo.

 

– Mẹ kiếp!

 

Tôi bắt đầu bới lục chiếc áo khoác vứt ngoài sofa ở phòng khách từ đêm qua. Cuối cùng thì cũng vớ được chiếc điện thoại ở túi áo trong.

 

– Dạ tôi xin lỗi ạ. Nhà vừa có việc đột xuất… tôi thật sự rất xin lỗi. Tôi sẽ cố gắng đến ngay ạ. Dạ không ạ.

 

– Tôi đi ngay đây ạ. Làm ơn đợi… dạ không ạ. Anh đừng về vội, làm ơn đợi tôi một chút nữa thôi. Tôi thật sự xin lỗi. Dạ vâng…

 

Tôi dập điện thoại, chạy vào phòng tắm. Cạo râu vội quá nên có hai chỗ bị chảy máu.

 

– Có cái áo nào là sẵn rồi không?

 

Không có tiếng trả lời. Tôi bật tiếng chửi thề, bới vội giỏ đựng đồ giặt trước phòng tắm và tìm được chiếc áo sơmi hôm qua ném vào đó. May là không quá nhàu. Tôi quàng cái cà vạt vào cổ như quàng khăn, đi tất, rồi vớ lấy cái ví và quyển sổ, cho đến lúc đó vợ tôi vẫn không ra khỏi bếp. Năm năm kể từ sau ngày cưới đây là lần đầu tiên tôi đi làm mà không có sự chuẩn bị và tiễn chân của vợ.

 

– Điên mất rồi. Đúng là hết chịu nổi…

 

Tôi nhét hai chân vào đôi giày mũi hẹp mới mua cách đây không lâu. Đạp cửa ra ngoài, thấy thang máy đang dừng ở tầng trên cùng tôi đành chạy bộ từ tầng ba xuống. Phải đến khi nhảy lên được toa tàu điện ngầm chuẩn bị chạy rồi tôi mới nhìn được khuôn mặt mình phản chiếu qua của kính tối tối của toa tàu. Tôi vuốt lại đầu tóc, thắt cà vạt, lấy tay vuốt những chỗ nhàu của áo sơmi. Rồi sau đó khuôn mặt lạnh đến rợn người và giọng nói khô khốc của vợ mới hiện lên.

 

Vợ tôi đã nói hai lần câu “Em đã mơ”. Khuôn mặt cô ấy vụt hiện lên trong bóng tối của đường hầm qua tấm của kính tàu điện ngầm. Một khuôn mặt lạ lẫm như người mới gặp lần đầu tiên. Nhưng do bận tâm tới cách thanh minh với khách hàng và đề án lát nữa phải trình bày trong ba mươi phút nên tôi không có tâm trí để nghĩ tới những hành động lạ lùng của vợ nữa. Rồi tự nhủ trong đầu, dù sao thì hôm nay cũng phải về sớm mới được, từ khi chuyển phòng, mấy tháng nay chưa hôm nào tôi về trước mười hai giờ rồi.

 

* * *

 

Rừng tối om. Không một bóng người. Quệt phải những chiếc cây có lá nhọn đâm ra nên mặt và cánh tay bị xước hết. Rõ ràng là có người đi cùng nhưng có lẽ tôi bị lạc một mình. Sợ quá. Lạnh quá. Qua một con suối bị đóng băng tôi phát hiện thấy một tòa nhà sáng nhưng giống như nhà kho bỏ hoang. Tôi vén tấm mành rơm bước vào. Hàng trăm tảng thịt to đùng, đỏ ối treo trên những thanh gậy to dài. Có những tảng thịt còn chưa kịp khô, tiết đỏ vẫn chảy xuống ròng ròng. Tôi cổ gắng đẩy những tảng thịt để thoát ra ngoài nhưng phía đối diện không có cửa ra. Chiếc áo trắng đang mặc đã bị dính máu đỏ tươi.

 

Không biết làm thế nào mà tôi đã thoát ra khỏi chỗ đó. Mải miết chạy ra suối, rồi lại chạy tiếp. Bỗng nhiên cả khu rừng sáng bừng lên, những cây cối mùa xuân dày đặc một màu xanh mướt. Rất nhiều trẻ con tập trung chạy nhảy, có mùi thức ăn thơm lừng. Nhiều gia đình đang đi picnic. Quang cảnh tươi đẹp vô cùng. Tiếng nước suối chảy róc rách, bên cạnh đó người ta trải chiếu ngồi, ăn cơm cuốn rong biển. Phía bên kia có một số người nướng thịt, tiếng hát, tiếng cười nói vui vẻ.

 

Nhưng tôi thì rất sợ. Áo tôi vẫn còn đẫm máu. Trong lúc không ai nhìn thấy, tôi vội vàng núp trộm sau lùm cây. Tay tôi dính máu. Miệng cũng dính máu. Vì trong cái nhà kho ấy tôi đã nhặt một tảng thịt bị rơi lên ăn. Miếng thịt sống mềm oặt đã nhuộm tiết đó ối vào lợi và vòm họng của tôi. Trên sàn nhà, mắt tôi nhấp nháy phản chiếu trên cục tiết.

 

Không thể sống động hơn được nữa, cái cảm giác của thịt sống bị nhai giữa hai hàm răng. Khuôn mặt tôi, ánh mắt tôi, hệt như khuôn mặt lần đầu tiên nhìn thấy, nhưng rõ ràng đó là mặt tôi. Không, không phải, mà ngược lại, hệt như khuôn mặt đã nhìn thấy nhiều lần, nhưng không phải khuôn mặt tôi. Tôi không thể giải thích được. Vừa quen vừa lạ… cái cảm giác vừa lạ lùng sống động, vừa khó hiểu đến rợn người ấy.

 

* * *

 

Thức ăn bữa tối mà vợ tôi dọn lên là rau xà lách với tương, canh rong biển nấu suông không có thịt bò cũng chẳng có nghêu, với kim chi nữa là hết.

 

– Cái gì thế này. Vì cái giấc mơ vớ vẩn ấy mà bỏ hết thịt đi à? Chỗ đấy là bao nhiêu tiền thế?

 

Tôi rời khỏi bàn ăn, ra mở ngăn đá tủ lạnh. Trống không. Chỉ còn lại mỗi túi bột nếp, túi ớt bột với túi tỏi băm sẵn.

 

– Làm cho tôi quả trứng ốp la đi, hôm nay tôi quá mệt mỏi. Buổi trưa cũng không ăn được tử tế.

 

– Trứng cũng vứt đi hết rồi.

 

– Cái gì?

 

– Cả sữa cũng vậy.

 

– Điên thật rồi. Cô bảo cả tôi cũng không được ăn thịt nữa à?

 

– Không thể để những thứ đó trong tủ lạnh được. Không thể chịu đựng nổi.

 

– Sao lại chỉ biết mình thế nhỉ.

 

Tôi nhìn thẳng vào mặt vợ. Đôi mắt cô ấy cụp xuống, nét mặt trông bình thản hơn lúc nào hết. Không thể tưởng tượng được. Hóa ra cô ta lại có cái tính ích kỷ và tùy tiện như thế. Cô ta mất lý trí đến mức độ đó ư?

 

– Thế là sao, từ giờ trở đi không ai trong nhà này được ăn thịt nữa à?

 

– Đằng nào thì anh cũng chỉ ăn ở nhà buổi sáng thôi. Buổi trưa, buổi tối anh thường xuyên ăn thịt rồi… một bữa sáng không ăn thịt cũng không chết được đâu.

 

Vợ tôi trả lời từ tốn, thản nhiên như thể sự lựa chọn của mình là rất đúng đắn, rất hợp lý vậy.

 

– Thôi được rồi. Tôi thì thế cũng được nhưng còn cô? Từ giờ trở đi cô sẽ không ăn thịt nữa à?

 

Cô ấy gật đầu.

 

– Vậy hả? Cho đến khi nào?

 

– Cho đến một lúc nào đó.

 

Tôi thấy nghẹn họng. Tôi cũng biết dạo này có phong trào ăn chay. Những người muốn thay đổi thể trạng hay bị dị ứng, nổi mẩn đỏ của mình để được sống lâu hay bảo vệ môi trường gì đó trở thành những người ăn chay. Tất nhiên với các nhà sư trong chùa thì khác, họ còn có chí lớn là không sát sinh, còn đây có phải trẻ con mới lớn gì đâu mà giở trò gì thế không biết. Không phải muốn giảm cân, cũng chẳng phải để chữa bệnh hay bị ma ám gì, một lần gặp ác mộng mà thay đổi cả thói quen ăn uống thế này sao? Thậm chí còn ngoan cố không thèm đếm xỉa đến sự can ngăn của chồng. Nếu ngay từ đầu mà vợ không ăn thịt thì còn chấp nhận được. Từ trước khi lấy nhau, thói quen ăn uống của cô ấy đã rất tốt, riêng điểm đấy tôi đặc biệt ưng ý. Nhìn cái cách cô ấy cắt miếng thịt sườn thành thạo, một tay cầm cái kẹp, một tay cầm kéo cắt phăng phăng trông rất đáng tin cậy. Sau khi cưới, những món ăn cô ấy làm vào Chủ nhật cũng vậy. Thịt ba chỉ ướp gừng và mật ong rán vừa ngọt vừa thơm, một món đặc biệt theo kiểu riêng của cô ấy là thịt bò loại để nấu lẩu cô ấy ướp với hạt tiêu, muối và đầu vừng, lăn qua một lớp bột nếp rồi đem nướng ăn dẻo dẻo như bánh nếp. Thịt bò xay với cơm, rang lên với dầu vừng, rồi cho giá đỗ tương vào hấp cùng làm thành món cơm trộn giá đỗ. Hay món thịt gà ướp gia vị om với khoai tây xắt to, nước húp cay cay đậm đà, tôi ăn mỗi lần phải đến ba bát.

 

Cô ấy đang ngồi nghiêng nghiêng trên ghế, múc ăn cái món canh rong biển mà vừa nhìn đã biết là không ngon, rồi gói cơm với tương vào lá rau xà lách cho vào nhai phồng cả mồm.

 

Bỗng nhiên tôi bật ra suy nghĩ, mình hoàn toàn không hiểu chút gì về người đàn bà kia.

 

– Không ăn à?

 

Cô ấy hỏi tôi bằng cái giọng tưng tửng như của một bà trung niên đã đẻ khoảng bốn đứa con rồi ấy. Không thèm đếm xỉa đến việc tôi đang ngán ngẩm đứng nhìn, cô ấy còn nhai kim chi rau ráu thật lâu.

 

* * *

 

Cho đến mùa xuân, vợ tôi vẫn không thay đổi. Mỗi bữa sáng, dù phải ăn toàn rau nhưng tôi không phàn nàn gì thêm nữa. Một người đã thay đổi một cách ngoan cố đến thế thì người khác chỉ có cách làm theo.

 

Cô ấy ngày càng gầy đi. Gò má vốn đã cao nay nhô ra nhọn hoắt trông mất cảm tình. Nếu không trang điểm thì trông da cô nhợt nhạt như người bệnh. Nếu ai không ăn thịt mà cũng gầy đi như vợ tôi thì việc giảm cân sẽ không còn là nỗi khổ nữa. Tôi biết, vợ tôi suy yếu đi không hẳn chỉ vì ăn chay. Mà vì mơ. Mà không, thật ra hầu như cô ấy không ngủ.

 

Vợ tôi không phải là người chịu khó. Rất nhiều lần tôi đi làm về muộn cô ấy đã ngủ trước rồi. Thế nhưng bây giờ quá nửa đêm tôi mới về, tắm rửa rồi vào phòng ngủ mà vẫn chưa thấy cô ấy vào phòng. Không phải đọc sách, không phải chat, không phải thức đêm xem phim trên truyền hình cáp, cái việc đánh máy lời thoại vào truyện tranh cũng không cần thức đêm nhiều thế.

 

Phải đến năm giờ sáng cô ấy mới vào giường, ngủ lơ mơ khoảng một tiếng rồi dậy ngay khi phát ra một tiếng rên ngắn. Khuôn mặt sạm với cái đầu rối mù, mắt đầy các tia đỏ, cô ấy ngồi bên bàn ăn sáng nhưng không hề chạm đũa.

 

Điều đáng nói nữa là cô ấy không còn muốn quan hệ với tôi. Trước đây vợ tôi luôn đáp ứng nhu cầu của tôi, đôi khi cô ấy còn vuốt ve người tôi trước. Nhưng bây giờ chỉ vừa động vào vai là cô ấy đã né tránh. Có lúc tôi đã hỏi lý do:

 

– Có vấn để gì thế?

 

– Mệt lắm.

 

– Thế nên phải ăn thịt vào. Không ăn thịt mới không có sức như thể. Trước đây có bị thế đâu.

 

– Thật ra thì…

 

– Sao?

 

– … Vì có mùi.

 

– Mùi gì?

 

– Mùi thịt. Mùi thịt bốc ra từ người anh.

 

Tôi bật cười lớn.

 

– Anh vừa tắm xong, mùi thịt ở đâu ra?

 

Cô ấy trả lời rất nghiêm trọng:

 

– … ở từng lỗ chân lông.

 

Thỉnh thoảng tôi bỗng chợt nghĩ dại, liệu đây có phải triệu chứng giai đoạn đầu không nhỉ? Nếu là giai đoạn tiếp theo của chứng hoang tưởng hay ảo tưởng mà tôi mới chỉ nghe nói thôi thì sao nhỉ.

 

Nhưng khó có thể nói là cô ấy bị mắc chứng điên hay tâm thần nào đó. Cô ấy vốn dĩ vẫn ít nói, nhà cửa vẫn được dọn sạch sẽ như mọi khi. Cuối tuần cô làm khoảng hai món rau trộn, rồi miến xào với nấm thay cho thịt.

 

Nếu biết rằng chuyện ăn chay đang là trào lưu thì việc này cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ có điều cô ấy không ngủ được, trông mặt cứ thẫn thờ, đờ ra như thể đang có điều gì đó đè nặng trong lòng, buổi sáng tôi thức dậy hỏi làm sao thì bảo “Em mơ”. Tôi không hỏi giấc mơ đó thế nào, vì không muốn nghe những chuyện đại loại như ngôi nhà hoang trong rừng tối, hay khuôn mặt lấp lóe trên cục huyết.

 

Cô ấy cứ rạc người đi trông rất đau khổ sau mỗi giấc mơ mà tôi không thể nghe và hiểu nổi. Tưởng chỉ gầy đét như vũ công là cùng, nhưng dần dần cô ấy chỉ còn da bọc xương. Mỗi khi thấy vợ lo lắng chuyện không hay, tôi lại nghĩ, bố mẹ vợ làm xưởng mộc và có cửa hàng ở một thành phố nhỏ, vợ chồng chị gái và em trai đều là người tốt thế, còn cô ấy thì không hợp tí nào với một gia đình như thế cả.

 

Nghĩ đến người nhà cô ấy, tự nhiên mùi tỏi nướng và khói ngào ngạt cũng chợt hiện ra trong đầu tôi. Những chén soju nâng lên đặt xuống, mỡ thịt cháy bốc lên, đám phụ nữ nói chuyện ríu rít trong bếp. Cả gia đình – đặc biệt là bố vợ – thích món gỏi thịt bò trộn sống, mẹ vợ biết làm gỏi cá sống, ông anh đồng hao và vợ là những người có thể chặt một con gà thành những miếng vuông vức bằng dao chuyên dùng ở cửa hàng thịt. Tôi cũng từng thích sự mạnh mẽ của vợ khi thấy cô ấy có thể lấy bàn tay đập mấy con gián một lúc. Chẳng phải cô ấy là người đàn bà bình thường nhất trên thế gian này mà tôi đã chọn đấy sao.

 

Thế cho nên, dù tôi nghi ngờ về tình trạng của cô ấy, nhưng không hề tính đến chuyện đi điều trị hay tư vấn gì đó như người ta thường nói. Thật sự, tôi hoàn toàn không để tâm tới những chuyện vớ vẩn đó.

 

* * *

 

Buổi sáng trước hôm mơ giấc mơ đó, em đang đứng thái miếng thịt đông lạnh cứng đơ thì anh cáu kỉnh giục em.

 

– Còn đứng đấy mà lề mề nữa hả?

 

Em biết ngay mà, anh mà giục là em cuống lên và trở nên vụng về như thành người khác vậy, vì thế làm cho mọi việc rối hơn. Nhanh lên, nhanh nữa lên. Em cầm dao thái liên tục nên cổ tay nóng ran lên. Đột nhiên chuôi dao bị đẩy về phía trước, đúng vào khoảnh khắc ấy lưỡi dao đưa ra cứa vào ngón tay.

 

Em đưa ngón tay cái lên, ngay lập tức một giọt máu đó tươi chảy xuống. Tròn tròn. Cho ngón tay vào miệng ngậm, tự nhiên thấy lòng nhẹ đi. Thật lạ lùng, cái vị lờ lợ cùng với cái màu đỏ tươi đó dường như làm cho em thấy trấn tĩnh trở lại.

 

Lần thứ hai là khi anh nhai ngắc ngứ miếng thịt bò rồi nhổ ra, tìm thấy cái gì đó sáng lấp lánh anh hét lên:

 

– Cái gì thế này, trời ạ mảnh lưỡi dao!

 

Em thần người ra nhìn anh đang nhảy dựng lên với khuôn mặt nhăn nhó.

 

– Chẳng may nuốt phải thì làm thế nào! Suýt chết còn gì!

 

Chẳng hiểu sao lúc đó em không thấy ngạc nhiên chút nào. Trái lại còn thấy bình tĩnh hơn mới lạ. Dường như có một bàn tay lạnh ngắt bóp vào trán em. Đột nhiên hệt như đang ở biển lúc thủy triều xuống, tất cả mọi thứ xung quanh em như trơn tuột, bị đẩy lùi di. Bàn ăn, anh, tất cả các đồ dùng trong bếp. Dường như chỉ có em với cái ghế em ngồi còn lại trong một không gian vô tận.

 

Đêm hôm sau, em nhìn thấy cục máu trong căn nhà hoang và khuôn mặt mình chiếu trên đó.

 

* * *

 

– Sao cái môi nhợt nhạt thế kia. Không trang điểm à?

 

Tôi cởi giày. Kéo tay vợ mặc chiếc áo khoác dạ đen đang đứng lóng ngóng vào trong phòng.

 

– Trông thế này mà cô định đi à?

 

Hình ảnh tôi và vợ phản chiếu trong gương.

 

– Trang điểm lại đi.

 

Vợ lẳng lặng đẩy tay tôi ra. Cô ấy mở hộp phấn rồi dặm phấn lên mặt. Lớp phấn mù mờ. Mặt cô ấy hệt như một con búp bê vải bị một lớp bụi phủ. Bôi lớp son màu cánh sen đậm vẫn hay dùng lên đôi môi xám xịt, may thay khuôn mặt của vợ thoát khỏi cái màu trắng bệch của bệnh nhân – Tôi tự an ủi.

 

– Muộn rồi, nhanh lên.

 

Tôi ra trước, mở cửa. Một tay bấm nút thang máy, tôi sốt ruột nhìn vợ đang lờ rờ xỏ chân vào đôi giày thể thao màu xanh lục. Mặc áo dạ mà lại đi giày thể thao, biết là không hợp nhưng cũng không còn cách nào khác. Cô ấy chẳng có đôi giày nào cả. Vì đã vứt hết những gì có liên quan đến các loại da.

 

Lên xe và khởi động máy trước, tôi mở chương trình phát thanh giao thông. Lắng tai nghe để kiểm tra tình hình giao thông quanh khu vực nhà hàng truyền thống trong trung tâm thành phố mà giám đốc đặt, tôi cài thắt lưng an toàn, nhả phanh. Trong lúc đó vợ ngồi vào ghế bên cạnh, đập giũ cái hơi lạnh vừa bám vào áo khoác, rồi cài dây an toàn.

 

– Hôm nay phải khéo léo đấy nhé. Đây là lần đầu tiên tổng giám đốc cho cấp trưởng phòng như tôi tham gia buổi họp mặt vợ chồng đấy. Điều đó có nghĩa là tôi đang được đánh giá tốt.

 

Nhờ đi đường mới gần hơn, chúng tôi đến nơi vừa kịp thời gian. Đó là một nhà hàng ở tầng hai, có bãi đỗ xe riêng rất rộng, nhìn đã biết ngay là cao cấp.

 

Đợt lạnh cuối mùa đang ùa về. Vợ tôi mặc áo dạ mỏng của mùa xuân, đứng hứng gió buổi tối bên bãi đỗ xe, trông co ro vì lạnh. Suốt quãng đường đi đến đây vợ tôi không nói câu nào, nhưng tôi cũng chẳng buồn quan tâm vì cô ấy vốn là người ít nói. Điều đó cũng tốt thôi, mấy người lớn tuổi thích phụ nữ như thể, nghĩ vậy nên tôi dễ dàng gạt bỏ chút khó chịu khi nãy.

 

Gia đình tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc đã đến cả. Vợ chồng phó giám đốc cũng đến ngay sau chúng tôi. Sau khi cười và cúi đầu chào, tôi và vợ cởi áo khoác treo lên mắc. Theo sự hướng dẫn của bà vợ tổng giám đốc đeo chiếc vòng cổ bằng đá to đùng và có đôi lông m&

Elina
TAGS:

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục