0/5 (0) Bình chọn
The Last Lecture - Bài giảng cuối cùng (Tác giả Randy Pausch & Jeffrey Zaslow) Randy Pausch
Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon- Mỹ, trở nên nổi tiếng sau khi đưa ra một bài giảng lạc quan mang tên "Bài giảng cuối: Để thật sự đạt được ước mơ thời thơ ấu của bạn" ở thời điểm ông biết mình bị ung thư tuyến tụy và chỉ có thể sống tốt trong vòng 3-6 tháng nữa. Sau thành công của bài giảng, ông cùng một người bạn viết nên cuốn sách The Last Lecture - Bài giảng cuối cùng khuyến khích mọi người tận hưởng mọi giây phút của cuộc sống. Sách đã được xuất bản tại Việt Nam.
Lời giới thiệu
Tôi có một vấn đề kỹ thuật.Trong khi đa phần cơ thể là khỏe mạnh, tôi có mười khối u ở gan và chỉ còn một vài tháng để sống.
Tôi kết hôn với người đàn bà lý tưởng của tôi, và là cha của ba đứa con nhỏ. Đáng lẽ tôi phải sầu não cho thân phận của mình, nhưng như vậy sẽ chẳng mang lại điều tốt lành nào cho vợ con, hoặc cho tôi.
Vậy, nên sử dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại này như thế nào đây?
Hiển nhiên là tôi nên sống và chăm sóc cho gia đình mình. Trong khi vẫn còn sức lực, tôi sẽ dành mọi thời gian cho vợ con, làm những điều thiết thực nhất để việc họ bước vào cuộc sống thiếu vắng tôi được dễ dàng hơn.
Phần ít hiển nhiên hơn là làm thế nào để dạy các con tôi những gì mà đáng ra tôi có thể dạy chúng trong hai mươi năm tới đây. Các con tôi còn quá nhỏ để có thể cùng trao đổi với tôi. Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn dạy con biết phân biệt cái đúng với cái sai, dạy những gì ta nghĩ là quan trọng, và dạy chúng nên hành xử như thế nào trước những thách thức do cuộc sống mang tới. Chúng ta cũng muốn con cái biết một vài câu chuyện từ cuộc đời của chúng ta, đó thường là cách để dạy con cái tự sống cuộc đời của chúng. Mong muốn làm điều đó đã đưa tôi tới việc thực hiện “bài giảng cuối cùng” tại Đại học Carnegie Mellon[1].
Những bài giảng này bao giờ cũng được ghi hình. Tôi biết tôi đã làm những gì ngày hôm đó. Dưới mẹo đọc một bài gỉảng hàn lâm, tôi đã thử đưa tôi vào một chíếc lọ, để một ngày nào đó, chiếc lọ sẽ trôi dạt trở về bãi biển, đến với các con tôi. Nếu là họa sĩ, tôi đã vẽ cho các con tôi. Nếu là nhạc sĩ, tôi đã sáng tác nhạc. Nhưng tôi lại là thầy giáo. Vậy nên tôi giảng bài.
Con sư tử bị thương vẫn muốn gầm
Rất nhiều giáo sư đã có những buổi nói chuyện nhan đề “Bài giảng Cuối cùng”. Và có thể bạn đã dự một buổi như vậy.
Việc đó đã thành thường lệ ở các đại học. Các giáo sư được yêu cầu nói về những thất bại và về những gì có ý nghĩa nhất đối với họ. Và trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: Có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, thì ta muốn cái gì sẽ là di sản của ta để lại?
Từ nhiều năm nay, Carnegie Mellon có chương trình “Bài giảng Cuối cùng.” Vào thời điểm ban tổ chức yêu cầu tôi tham gia, họ đã đổi tên chương trình thành “Những Hành trình,” chọn một số giáo sư thuyết trình các suy nghĩ về những hành trình cá nhân và nghề nghiệp của họ. Đó chẳng phải là một tiêu đề thật thú vị, nhưng tôi đã nhận lời và được xếp lịch thuyết trình tháng Chín.
Thời điểm này, tôi đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy (pancreatic), nhưng vẫn lạc quan. Biết đâu, tôi thuộc những người may mắn sẽ sống sót.
Trong khi đang chữa trị, ban tổ chức chương trình gửi mấy e-mail hỏi tôi “Ông sẽ thuyết trình về cái gì?”. “Xin hãy cho một tóm tắt.” Có những quy định không thể bỏ qua được, kể cả khi ta đang bận rộn với những việc khác, chẳng hạn như đang cố gắng để thoát chết. Giữa tháng Tám, tôi được báo là cần phải in một áp phích về bài giảng của tôi, do vậy tôi phải quyết định về chủ đề.
Cuộc đời của tôi trong chiếc máy tính
Có thể sắp xếp lại chính xác các ước mơ tuổi thơ của mình như thế nào? Làm sao để mọi người có thể liên kết được với những ước mơ tuổi thơ của họ? Là một nhà khoa học, trước đây tôi đã không mấy để ý tới những câu hỏi như vậy.
Bốn ngày liền, tôi ngồi bên máy tính trong ngôi nhà mới ở Virginia, quét ảnh để chuẩn bị bài thuyết trình bằng PowerPoint[7]. Tôi quen tư duy trực quan, nên bài thuyết trình sẽ không cần văn bản. Tôi thu thập 300 ảnh của gia đình, sinh viên và đồng nghiệp, cùng những hình đặc sắc có thể minh họa cho những mơ ước tuổi thơ. Tôi ghi vài lời lên mỗi hình để khi đứng trên bục giảng, chúng sẽ nhắc tôi cần nói những gì.
Trong khi chuẩn bị bài, cứ chín mươi phút tôi lại đứng dậy chơi với các con. Jai thấy sự cố gắng của tôi, nhưng vẫn nghĩ tôi đã dành quá nhiều thời gian cho bài giảng, nhất là lại vào lúc chúng tôi vừa chuyển tới ngôi nhà mới. Cô muốn tôi phải sắp xếp những thùng đồ còn chất ngổn ngang quanh nhà.
Lúc đầu Jai không định dự buổi thuyết trình. Cô thấy cần ở lại Virginia với các con và giải quyết một đống thứ phát sinh do việc chuyển nhà. Còn tôi thì vẫn kiên trì nhắc “Anh muốn em có mặt.” Sự thực là tôi hết sức cần cô ở đó. Cuối cùng cô đồng ý sẽ bay tới Pittsburgh vào sáng ngày tôi thuyết trình.
Xổ số Cha Mẹ
Tôi đã trúng xổ số cha mẹ.
Tôi được sinh ra cùng với một vé số trúng thưởng, đó là lý do chính để tôi có thể đạt được những ước mơ tuổi thơ của mình.
Mẹ tôi là một giáo viên dạy tiếng Anh khá khắt khe và cổ điển. Bà nghiêm khắc với học sinh, chấp nhận việc các phụ huynh ca thán bà đã đòi hỏi quá nhiều ở con cái họ. Làm con, tôi biết về những yêu cầu cao của mẹ tôi, và thấy đó là vận may của tôi.
Cha tôi là nhân viên y tế, ông tham gia Thế Chiến II và đã dự trận đánh Bulge[1]. Ông lập một nhóm phi vụ lợi (non-profit group) giúp trẻ em nhập cư học tiếng Anh. Để kiếm sống, ông có một doanh nghiệp nhỏ bán bảo hiểm ô tô trong nội thành Baltimore. Khách hàng của ông phần lớn là những người nghèo có hồ sơ tín dụng kém, hoặc ít tiền. Ông luôn cố tìm cách kiếm ra bảo hiểm để họ được phép lái xe.
Với cả triệu lý do, cha tôi là vị anh hùng của tôi.
Tôi lớn lên khá thoải mái trong một gia đình trung lưu ở thị trấn Columbia[2], bang Maryland. Tiền chưa bao giờ là một vấn đề trong nhà, chủ yếu do cha mẹ tôi không có nhu cầu chi tiêu nhiều. Họ sống rất thanh đạm. Chúng tôi ít đi ăn tiệm, tới rạp xem phim một hoặc hai lần mỗi năm. “Các con nên xem ti vi,” cha mẹ tôi thường nói. “Nó không tốn tiền. Hoặc tốt hơn, các con nên đến thư viện mượn sách mà đọc.”
Thang máy ở nhà trệt
Sự tưởng tượng của tôi nhiều khi người khác khó có thể hình dung được. Cuối cấp phổ thông, tôi có một thôi thúc phải thể hiện những ý tưởng nung nấu trong đầu lên các bức tường ở phòng ngủ của mình.
“Con muốn vẽ các thứ lên tường ở phòng con,” tôi xin phép cha mẹ.
“Những thứ gì?” cha mẹ tôi hỏi.
“Những gì có ý nghĩa đối với con,” tôi nói. “Những gì con nghĩ là rất hay, rất độc đáo. Rồi ba mẹ sẽ thấy.”
Giải thích như vậy là đủ với cha tôi. Đó chính là điều thật tuyệt vời ở ông. Ông động viên sự sáng tạo của tôi bằng một nụ cười khích lệ. Ông ưa thích quan sát niềm say mê của tôi đơm hoa kết trái. Ông hiểu tôi và hiểu sự cần thiết được thể hiện mình theo những cách dị thường của tôi. Do vậy cha tôi nghĩ cuộc phiêu lưu vẽ lên tường của tôi là một ý tưởng thú vị.
Mẹ tôi thì chẳng mấy thích thú, nhưng cũng dễ dãi chấp thuận khi thấy tôi quá hào hứng. Bà cũng biết cha tôi thường thắng khi tranh cãi về những việc như thế này, do vậy bà thấy nên thỏa hiệp một cách hòa bình thì hơn.
Hai ngày liền, với sự giúp đỡ của chị tôi, Tammy, và bạn tôi, Jack Sheriff, tôi đã vẽ lên tường phòng ngủ của tôi. Cha tôi ngồi đọc báo trong phòng, đợi xem tác phẩm. Mẹ tôi thì đi lại dọc hành lang, vô cùng sốt ruột. Bà theo dõi, tìm cách ngó nghiêng, nhưng chúng tôi đã cố thủ ở trong phòng. Giống như người ta nói trong phim, đây là “một việc bí mật.”
Không vào được Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia
Tôi yêu thích môn bóng bầu dục [7]. Nhất là việc chặn cản bóng. Tôi bắt đầu chơi từ năm chín tuổi, và môn bóng bầu dục đã rèn luyện tôi, đã giúp hình thành con người tôi như hiện nay. Mặc dù không vào được Liên đoàn Quốc gia, nhưng đôi khi tôi nghĩ, tôi đã đạt được nhiều thứ hơn qua việc theo đuổi ước mơ này mà không hoàn tất được nó, so với việc theo đuổi và hoàn tất được nhiều ước mơ khác.
Sự gắn bó với môn bóng khởi nguồn khi cha tôi lôi kéo, thậm chí bắt ép và hò hét để tôi tham gia một đội bóng. Lúc đầu tôi hoàn toàn không muốn làm việc đó. Tôi yếu đuối, nhút nhát, và là đứa nhỏ nhất trong đám trẻ. Nỗi lo lắng đã trở thành sự sợ hãi khi tôi gặp huấn luyện viên, Jim Graham. Ông to lớn, cao hơn mét chín, vĩ đại như một bức tường. Ông từng chơi ở vị trí hậu vệ lót của đội Penn State[8] và là người vô cùng bảo thủ. Xin nhấn mạnh rằng, ông thật sự bảo thủ, thí dụ ông coi việc ném bóng về hướng vạch cuối của đối phương là một lối chơi mánh khóe.
Ngày tập đầu tiên, chúng tôi đều hãi tới chết. Thêm nữa, ông không mang bóng theo. Một cậu bé rốt cuộc đã thay mặt chúng tôi hỏi. “Xin lỗi ông. Sao không có bóng?”
Và ông đã trả lời, “Chúng ta đâu cần bóng.”
Những kỹ năng để lãnh đạo
Như bao đứa trẻ Mỹ sinh năm 1960, mọt sách và sớm tinh khôn, tôi đã dành một phần tuổi thơ để mơ ước được trở thành Thuyền trưởng James T. Kirk[12], người chỉ huy của Starship Enterprise[13]. Tôi không xem tôi là Thuyền trưởng Pausch, nhưng tưởng tượng ra một thế giới mà trong đó tôi dần sẽ trở thành Thuyền trưởng Kirk.
Với những đứa trẻ giàu tham vọng và có chút ít thích thú khoa học, không có thần tượng nào lại lớn hơn James T. Kirk của Star Trek[14]. Thật ra, tôi tin một cách nghiêm túc rằng, tôi đã trở thành một người thầy, một đồng nghiệp – có thể cả một người chồng – tốt hơn, bởi đã xem cách Kirk chỉ huy Enterprise.
Hãy nghĩ xem. Nếu bạn đã coi loạt phim truyền hình này, bạn sẽ thấy Kirk không phải là người thông minh nhất trên tầu. Ông Spock, sĩ quan, là người có trí tuệ và luôn logic. Tiến sĩ McCoy có tất cả các kiến thức y học của nhân loại của những năm 2260. Scotty là kỹ sư trưởng, người có hiểu biết kỹ thuật để điều khiển con tầu, ngay cả khi bị người ngoài hành tin tấn công.
Vậy những kỹ năng của Kirk là gì? Tại sao ông lại lên tầu và được chỉ huy nó?
Câu trả lời: Đó là những kỹ năng được gọi là “sự lãnh đạo.”
Tôi đã học được rất nhiều thứ qua việc nhìn cách thức Kirk làm việc. Ông là đặc trưng của một nhà quản lý năng động, biết cách đại diện và phân quyền, có niềm say mê sáng tạo, và trông rất đẹp trong những bộ đồ ông mặc. Ông không bao giờ tự nhận là mình có nhiều khả năng hơn các thuộc cấp. Ông luôn thừa nhận họ là những người thông thạo những gì họ đang làm trong lĩnh vực của họ. Nhưng ông là người xác lập tầm nhìn, quyết định tiếng nói, và là người chịu trách nhiệm về tinh thần. Thêm nữa, Kirk có duyên tán tỉnh phụ nữ trên mọi hành tinh ông tới. Bạn cứ tưởng tượng tôi, một cậu bé mười tuổi, mang kính cận, say mê ngồi xem truyền hình ở nhà. Mỗi khi Kirk xuất hiện trên màn hình, tôi thấy ông như một vị thần Hy Lạp.
Nơi hạnh phúc nhất trên trái đất
Năm 1969, khi tôi lên tám, gia đình tôi làm một chuyến du lịch xuyên quốc gia để thăm Disneyland. Đó là một chuyến đi rất dài. Khi tới nơi, tôi đã vô cùng kinh ngạc. Đây là khung cảnh kỳ diệu nhất, thích thú nhất mà tôi từng gặp.
Lúc đứng xếp hàng cùng những đứa trẻ khác để đợi đến lượt chơi, tất cả những gì tôi nghĩ là “Tôi mong chờ tới lúc chính mình có thể làm được những thứ thú vị như thế này!”
Hai mươi năm sau, khi nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Máy tính của Carnegie Mellon, tôi nghĩ mình đủ khả năng để làm bất cứ việc gì, nên đã gửi đơn xin việc tới Walt Disney Imagineering. Và họ gửi tôi mấy lá thư vào loại tồi tệ nhất mà tôi đã từng nhận. Họ bảo đã nhận được đơn xin việc của tôi, nhưng không có “bất cứ một vị trí nào phù hợp với khả năng của anh.”
Không có gì cả? Đó là một công ty nổi tiếng về việc thuê hàng đội quân để quét đường. Disney không có gì cho tôi? Không có cả một cái chổi?
Rõ ràng đó là một thất bại. Nhưng tôi đã luôn giữ câu thần chú của tôi trong tâm trí. Các bức tường gạch được dựng lên với một lý do. Chúng không ở đó để loại bỏ ta mà là để cho ta một cơ hội chứng tỏ ta muốn một điều gì đó ghê gớm tới mức độ nào.
Có một người viển vông
Khi tôi dạy ở Đại học Virginia năm 1993, Tommy Burnett, một sinh viên 22 tuổi – người từ một nghệ sĩ đã trở thành một tài năng về đồ họa máy tính – muốn được làm việc trong nhóm nghiên cứu của tôi. Sau khi nói chuyện về cuộc sống và các mục tiêu, cậu ta bất ngờ nói: “Ôi, và tôi đã luôn có chính ước mơ tuổi thơ này”.
Bất kể ai dùng các từ “tuổi thơ” và “ước mơ” trong cùng một câu đều gây cho tôi sự chú ý.
“Vậy ước mơ tuổi thơ của anh là gì, Tommy?” – tôi hỏi.
“Tôi muốn làm việc cho bộ phim Star wars kế tiếp” – cậu ta nói.
Xin nhớ đó là năm 1993. Bộ phim Star wars cuối cùng được làm năm 1983, và chưa hề có những kế hoạch cụ thể nào để làm thêm phim này. Tôi giải thích điều đó. “Đó là một ước mơ khá viển vông và sẽ rất khó để đạt được – tôi bảo với cậu ta – Nói chính xác là họ đã kết thúc việc làm các bộ phim Star wars”.
“Không” – cậu ta nói – Họ sẽ làm thêm nữa, và khi họ thực hiện tôi sẽ tham gia làm phim. Đó là kế hoạch của tôi”.
Tommy mới sáu tuổi khi bộ phim Star wars đầu tiên ra đời vào năm 1977. Cậu ta nói với tôi: “Tôi muốn trở thành người làm nên những hiệu ứng đặc biệt – những con tàu vũ trụ, hành tinh, người máy”.
Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ