0/5 (0) Bình chọn
...
Bà là người bạn thân thiết nhất của tôi trong những lúc tôi cuồng thơ cũng như những lúc nhức răng, vì tôi mắc cả hai chứng ấy. Có lần bà nói với tôi:
- Ý nghĩ đến với cháu như thế nào, cháu cứ việc ghi chép rồi nhét vào ngăn kéo. Đại thi hào Giăng Pôn trước kia cũng làm thế đấy. Tuy nhiên, bà cũng không thích ông ta lắm, vì thơ ông ta chưa được bay bướm. Bay bướm, thơ phải bay bướm mới được. Có đúng như thế không, hở cháu? Thơ của cháu nhất định sẽ bay bướm có phải thế không?
Tôi đâm ra tự lo âu, tràn ngập lòng ham muốn trở thành đại thi hào mà bà cô tôi đã linh cảm thấy ở tôi, rồi tôi mắc bệnh cuồng thơ. Nhưng còn một bệnh ác liệt hơn nữa, bệnh đau răng cuống cuồng, đang hành hạ tôi. Tôi bò lê như con rắn, ngồi chổm hổm như con cóc, hoặc uốn cong mình như con sâu rợm. Thỉnh thoảng bà cô tôi bảo:
- Bà cũng đã từng trải qua những cơn đau như thế.
Và trên môi bà thoáng một nụ cười buồn rầu đau đớn. Hàm răng trắng muốt của bà lấp lánh. Nhưng tôi phải bắt đầu một chương mới trong câu chuyện của bà cháu tôi.
III
Tôi đã kiếm được chỗ ở mới và đến ở từ một tháng nay. Tôi thuật lại với bà cô tôi.
- Cháu sống trong một ngôi nhà như nhiều ngôi nhà khác. Ngay cả lúc cháu bấm chuông có tới ba lần người ta cũng không bận tâm gì tới cháu cả. Ngoài ra, ngôi nhà rất ồn ào. Mưa, gió, người tất cả cứ ào ào như giông bão ấy. Cháu ở ngay trên cửa ra vào. Một chiếc xe ra hoặc vào cũng để lại một vệt quệt trên tường. Cánh cửa rung chuyển như có cơn động đất. Nếu lúc ấy cháu đang nằm thì tứ chi rung lên, nhưng có lẽ thế lại làm cho cháu cứng gân cứng cốt lên cơ đấy. Khi gió thổi, (ở đây gió không khi nào ngớt), cánh cửa sổ bật tung, đập vào tường. Lại thêm cái chuông ở sân nhà bên cạnh, mỗi lần gió thổi lại rung lên.
Những người thuê nhà đi về không giờ giấc nào cả, thường là về rất khuya, hoặc có khi đến tận sáng bạch mới về. Cái nhà ông ở gác trên, bạn ngày dạy học thổi kèn tờ rông bon , tối về rất muộn, sau khi đi dạo chơi gần suốt đêm với đôi giày đóng cá sắt khua lộp cộp.
Ở đây cửa sổ chỉ có hai cánh, mỗi cánh chỉ là một cái khung gỗ mà bà chủ nhà đã dán giấy lên, giấy lại là giấy băng nên gió lùa vào, kêu cứ vo ve như tiếng ruồi nhặng bay. Thứ âm nhạc ấy ru ngủ một cách dễ dàng. Hễ vừa chợp mắt là gà gáy, đánh thức ngay dậy. Lũ gà rất lưu tâm đến việc báo cho cháu biết sắp sang ngày mai rồi. Lũ ngựa con không có tàu để nhốt vào, người ta buộc chúng vào cửa, chúng đùa giỡn với cánh cửa cho giãn gân cốt.
Sáng sớm người gác cổng, ở với vợ con trên vựa thóc, đi xuống thang gác, chân nện rầm rầm. Tiếng guốc kêu lẹp kẹp, cửa đập thình thình làm nhà rung chuyển cả lên. Một lát sau, đến lượt ông láng giềng gác trên bắt đầu tập thể dục, nâng những quả tạ nặng quá sức mình, chưa kịp nâng lên, quả tạ đã rơi xuống, và cứ như thế mãi.
Còn cái đám lau nhau trong nhà, tuy đã đến giờ đi học cách mạng nhưng còn lượn ra lượn vào, chen chúc nhau và la hét om sòm.
Cháu đi ra cửa sổ, mở ra để thở hút lấy chút không khí tươi mát và nếu lúc ấy chị giúp việc ở nhà dưới không giặt quần áo thì quả là may mắn cho cháu. Giặt quần áo là môn tiêu khiển hàng ngày của chị ta.
Câu chuyện về ngôi nhà tôi ở là như thế đấy. Những lời của tôi đã làm cho bà cô tôi rất cảm động. Bà reo lên:
- Cháu là thi sĩ, cháu chỉ cần viết lại những điều cháu vừa nói ra là cháu sẽ trở thành vĩ đại như Đickens! Hơn thế, bà còn thích văn của cháu hơn là văn của ông ta nữa kìa! Văn cháu nghe rất rung động! Cháu vừa nói vừa hoạ. Khi cháu tả cảnh nhà cháu, người ta tưởng như trông thấy nhà ấy trước mắt. Cháu làm tiếp bài văn của cháu đi! Giờ bà muốn nghe một cái gì sinh động và “rất người”.
Thế là tôi tiếp tục tả một cách rất chân thực ngôi nhà của tôi, những tiếng động trong nhà và cả về tôi nữa, nhân vật bất động…
IV
Một đêm khuya về mùa đông, sau giờ tan hát. Thời tiết khủng khiếp, một trận bão tuyết nổi lên làm cho ít người dám ra ngoài. Bà cô tôi đi xem hát, còn tôi thì dẫn bà cô tôi đi và dẫn bà về. Nói là “dẫn” cũng hơi quá, vì đi một mình cũng đã khó nhọc lắm rồi, còn có thể dẫn ai được kia chứ! Các xe ngựa đều đã có khách. Nhà bà tôi ở đầu thành phố, còn nhà tôi thì ở gần rạp hát.
Chúng tôi cất bước rất khó nhọc, chân giẫm trong tuyết, giữa cơn bão. Tôi đỡ bà cô tôi, khi thì nhấc bà lên, khi thì đẩy bà đi. Chúng tôi chỉ ngã có hai, ba lần. Chúng tôi đi đến cửa nhà tôi và dừng lại để rũ tuyết. Chúng tôi đã rũ cả trên thang gác rồi, tuy thế, cũng còn khá là tuyết để rắc đầy phòng đợi.
Chúng tôi cởi áo khoác ngoài ra. Bà chủ nhà của tôi cho cô tôi mượn đôi tất khô và một chiếc áo choàng. Bà ta bảo cần phải mặc cho ấm và nói thêm rằng thời tiết như thế thì bà cô tôi không nên về nhà. Bà mời bà cô tôi ngủ trong phòng của bà, còn bà sẽ ngủ trên chiếc ghế đệm dài, gần cái cửa sổ thông sang buồng bên cạnh vẫn thường khoá chặt.
Lửa bắt đầu cháy trong bếp lò. Bà chủ nhà đặt một ấm trà lên bàn, gian buồng nhỏ bé của tôi trở nên ấm cúng. Nhưng dù sao cũng không bằng nhà bà cô tôi, mùa đông có rèm dày che cửa, có hai lần thảm trải trên sàn. Ở nơi ấy như ở trong một cái chai có hơi ấm và nút kín. Tuy nhiên, như tôi đã nói, ngồi ở trong buồng tôi, cũng không đến nỗi khó chịu lắm. Ngoài trời, gió thổi điên cuồng.
Bà cô tôi bắt đầu kể chuyện. Bà kể, kể mãi, tôi thấy sống lại thời thanh xuân của bà, ông chủ lò rượu bia và tất cả những kỷ niệm lâu năm của bà cô tôi. Bà nhắc đến ngày tôi mọc chiếc răng đầu tiên và niềm vui của gia đình tôi lúc ấy.
Chiếc răng đầu tiên! Chiếc răng ngây thơ lóng lánh như một giọt sữa, chiếc răng sữa.
Rồi một chiếc nữa mọc, nhiều chiếc nữa, cả hàm răng trên và hàm dưới, những chiếc răng trẻ con xinh xắn. Tuy nhiên chúng cũng chỉ là những chiếc răng tiên phong, tạm thời, vì chúng chưa hẳn là những chiếc răng thật, những chiếc răng tồn tại suốt cuộc đời con người ta. Sau đó mọc lên những chiếc răng khôn, như những cánh quân hai bên tả hữu hàm răng. Chúng ra đời giữa những cơn đau ghê gớm. Rồi cái nọ theo cái kia mà rụng dần. Sống chưa chót đời, chúng đã vội rụng hết, rụng hết, rụng đến cái cuối cùng. Do đó, mặc dù tâm hồn vẫn còn trẻ trung, con người đã trở nên già cả.
Những ý nghĩ đó chẳng thích thú gì, nhưng đó là chủ đề câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi sống lại những năm còn trẻ trung, đến nửa đêm chúng tôi còn trò chuyện. Rồi bà cô tôi sang buồng bên để nằm nghỉ.
- Chúc cháu ngủ ngon, bà cô bảo tôi, giờ thì bà sẽ ngủ như ở nhà vậy.
Nhưng trong nhà cũng như ở ngoài trời, chẳng được yên tĩnh. Giông tố vẫn gầm lên ngoài cửa kính, đập vào những móc sắt dài trên cửa làm reo lên cái chuông nhà láng giềng dưới sân. Người thuê nhà trên gác đã về. Ông ta làm một cuộc dạo chơi trên nhà, hết leo lên lại leo xuống trên thang gác. Khi đã khuya, nện đôi ủng chán chê rồi, ông ta đi ngủ, nhưng ông ta ngáy khoẻ quám đến nỗi cách trần nhà, người ta vẫn nghe thấy tiếng.
...
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ