Bà cô nhức răng | Đọc truyện cổ tích Andersen

0/5 (0) Bình chọn

Thứ Hai, 23/05/2016 09:05

-- Phần trước --

...

   Riêng tôi, tôi không thể ngủ được. Giông tố mạnh quá chừng, không ngừng chút nào cả. Gió vừa thổi vừa gào lên. Hàm răng của tôi cũng gào lên theo cái kiểu của chúng. Chúng cất tiếng ca bản “nhức răng không chịu nổi”.

 

   Một làn gió ùa từ cửa sổ vào. Trăng khi mờ khi tỏ. Những đám mây bị bão cuốn đi làm mặt trăng lúc ẩn lúc hiện, tạo thành một cảnh tranh tối tranh sáng, cuối cùng, bóng tối ngày càng in rõ nét trên sàn nhà, có một vật gì đang ngọ nguậy trong bóng tối làm tôi rùng mình, lạnh toát người. Trên mặt đất hiện ra một hình thù lờ mờ và dài, có thể là hình người, nom như những nét bút chì nguệch ngoạc do một em bé vẽ trên tảng đá. Một vạch làm thân, một vạch làm hai tay và một vạch làm chân. Còn cái đầu là một hình đa giác.

 

   Mỗi lúc bóng càng rõ hơn, trông như một người đàn bà mặc váy.

 

   Tôi nghe có tiếng thầm thì. Không biết có phải bóng nói hay tiếng ruồi trâu vo ve ngoài cửa kính? 

 

   Nhưng không! Chính là bà Nhức răng, ngài Xa tăng khủng khiếp của âm phủ! Lạy chúa phù hộ đừng để cho bà ta đến thăm chúng tôi!

 

 - Chốn này thật là tuyệt, bà Nhức răng thì thào, đất tốt đáo để, lại lầy lội, tha hồ mà cấy sâu. Đàn muỗi với cái vòi có thuốc độc đã kéo nhau đến. Giờ thì đến lượt ta mài mũi dùi vào răng. Bộ răng của cái lão nằm trên giường kia sao mà trắng thế! Bộ răng ấy đã coi thường tất cả của chua, của ngọt, chất nóng, chất lạnh, vỏ hạt dẻ và hột mận. Nhưng ta có thể kìm kẹp chúng và thổi hơi lạnh vào lỗ chân răng làm cho chúng bị cảm hàn.

 

   Người là thi sĩ - Mụ nói tiếp. Ta có thể đọc cho ngươi nghe tất cả những câu thơ mà người sáng tác về sự đau đớn. Ta muốn cho ngươi hưởng cái cảm xúc khi sắt và thép xuyên qua người. Ta muốn làm rung lên tất cả những sợi thần kinh li ti của ngươi.

 

   Lúc đó, hình như có người đâm một cái kim bỏng rẫy vào xương hàm tôi.

 

 - Chà, cơn nhức răng tuyệt quá! - Mụ nói  -Cứ như là một bản đại phong cầm! Thế là tuyệt vời! Lại có cả kèn, cả trống, cả tiếng địch rền vang của lũ răng khôn. Một bản nhạc như thế thật xứng đáng với một nhà thơ lớn!

 

   Và mụ tiếp tục biểu diễn. Mụ có bộ mặt trông rất kinh tởm. Chỉ trông thấy tay mụ thôi, đôi bàn tay xám xịt, lạnh ngắt, ngón dài ngoằng, có ngón nhọn hoắt như mũi kim nhìn cũng đủ rợn người. Mỗi ngón là một hình cụ. Ngón cái và ngón trỏ là kim và khoan hình khù khoằm , đầu ngón giữa là một cái kìm, ngón đeo nhẫn là cái khoăn xoắn, ngón út là một bình phun nọc muỗi độc.

 

 - Ta sẽ dạy nhà ngươi tìm đề tài về thi ca - Mụ nói - Một nhà thơ lớn phải trải qua một cơn đau răng khủng khiếp, một nhà thơ nhỏ chỉ trải qua một cơn đau răng thường thôi cũng đủ nên thơ rồi.

 

   Tôi van nài: - Trời! Nếu vậy thì xin liệt tôi vào hạng nhỏ thôi. Tốt hơn cả là đừng liệt tôi vào hạng nào cả. Tôi chỉ có những lúc hứng lên mới làm thơ như người ta có những cơn đau răng mà thôi. Tôi không phải là người của mụ. Cút đi! Cút đi!

 

 - Thế là ngươi đã công nhận ta mạnh hơn cả thi ca, triết học, toán học và âm nhạc chứ gì? Uy thế của ta lớn hơn cả lũ người được vẽ bằng sơn và tạc thành tượng. Ta nhiều tuổi hơn tất cả bọn chúng, ta sinh ra gần vườn thiên đường, ở phía ngoài, nơi gió thổi lồng lộng và cóc nhái lúc nhúc. Ta đã giúp bà Eva và ông Adam che thân thể, chống rét. Ngươi có thể tin rằng cơn đau răng đầu tiên cũng không phải là vừa.

 

 - Vâng, tôi tin, tin hết - Tôi đáp - Nhưng cút đi! Cút đi thôi!

 

 - Được, ta sẽ đi nếu ngươi thôi đừng làm thơ nữa, đừng viết những vần thơ trên giấy, trong sổ tay và trên mặt bàn nữa. Nhưng nếu ngươi còn làm thơ là ta sẽ trở lại.

 

   Tôi nói: - Xin cam đoan như vậy, và tôi mong không gặp lại bà nữa.

 

 - Ngươi sẽ gặp lại ta nhưng dưới hình dáng béo hơn một chút, đáng yêu hơn bây giờ. Người sẽ thấy ta hệt như bà cô Milơ và ta sẽ bảo ngươi: “Hãy làm thơ đi cháu thân yêu của bà! Cháu là một nhà thơ vĩ đại, có thể là nhà thơ lớn nhất của chúng ta. Cháu hãy nghe lời bà và bắt đầu viết đi, bà sẽ phổ thơ cháu thành nhạc và đem dạo trên hàm răng của cháu.”

 

   Nói rồi mụ biến đi. Mụ từ biệt bằng một nhát kim đâm vào xương hàm. Nhưng cơn đau dịu đi rất nhanh, tôi tưởng như đang bơi trên một con sông êm đềm, hai bên bờ là những tàu lá rộng xanh mướt ngả ra, chìm xuống nước vầ cụp vào mở ra. Tôi chìm nghỉm theo chúng, ngụp trong cảnh bình yên và an nhàn. Có tiếng hát vang:

 

 - Chết đi! Tan ra như tuyết! Bốc thành hơi bay lên không gian như những đám mây!

 

   Qua làn nước tôi đọc thấy những tên người sáng chói, những hàng chữ thêu trên cờ chiến thắng, một chứng thư cho sự bất tử khắc trên cánh một cơn vờ. Tôi ngủ say, nhưng không mơ. Tôi chẳng còn nghe thấy tiếng gió rít, tiếng cửa đập, tiếng chuông nhà bên cạnh rung lên và tiếng giẫm chân nặng nề của người thuê nhà trên gác đang tập thể dục. Hạnh phúc thay!

 

   Một luồng gió đẩy cánh cửa phòng bà cô Nhức răng. Bà thức dậy, đi giày tất, mặc quần áo và bước sang buồng tôi. Về sau bà kể lại rằng lúc ấy tôi đang ngủ say như một tiên đồng nên bà không dám đánh thức tôi.

 

   Tôi chợt tỉnh và mở choàng mắt ra. Tôi đã hoàn toàn quên rằng và đã ở lại đây, nhưng liền đó tôi sực nhớ ra ngay. Mơ và thật lẫn lộn với nhau.

 

 - Từ lúc chia tay tối qua đến giờ cháu chưa viết được gì cả, bà trách tôi. Sao cháu lại không viết? Cháu là thi sĩ của bà, và sẽ mãi mãi là thi sĩ của bà!

 

   Tôi cảm thấy cái mỉm cười của bà thật xảo quyệt. Tôi không rõ ràng rằng người ấy có phải là cô Milơ yêu quý của tôi hay là cái nhà bà kinh tởm tôi đã gặp khi đêm và đã xin chừa không làm thơ nữa.

 

 - Cháu yêu quý, cháu đã làm bài thơ nào chưa?

 

 - Chưa! - Tôi hét lên - Bà chính là bà cô Milơ đấy chứ?

 

 - Chẳng phải bà thì ai? Bà trả lời.

 

   Đúng là bà cô Milơ rồi. Bà ôm hôn tôi, rồi lên xe trở về nhà. Tôi bèn viết câu chuyện mà bạn hiện đang đọc đây, không viết bằng thơ và chắc là không bao giờ được đem in.

 

   Bản thảo đến đây là hết. Người bạn trẻ của tôi, anh hàng thịt đáng kính không tìm đâu ra đoạn còn thiếu. Người ta đã dùng những tờ viết đoạn ấy để gói cá mắm, bơ và xà phòng đen.

 

   Ngày nay, ông chủ lò nấu rượu bia, bà cô và anh sinh viên bất hạnh có những tư tưởng tuyệt vời bị quẳng vào sọt rác, đều đã khuất. Người ta thường hay vất tất cả các thứ vào sọt rác mà!

 

   Thế là hết truyện, truyện bà cô nhức răng.

 

>> Đọc truyện Hoàng tử hạnh phúc

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2, Phần 3

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục