Đúc người | Đọc truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc

5/5 (2) Bình chọn

Thứ Ba, 07/06/2016 10:06

-- Phần trước --

...

Nghe rõ đầu đuôi, càng thêm tò mò, người thợ đúc chỉ muốn anh học nghề làm ngay cho mình xem tận mắt, liền bảo hắn:

 

- Thôi bây giờ tôi hãy tạm nghỉ công việc của tôi, để xem cách làm ăn của anh chút đã, anh cứ rao như thế đi! Nếu có ai thuê, thì anh thử làm cho tôi xem. Nhưng nên nhớ nếu có xảy ra việc gì thì tôi không biết đâu đấy nhé!

 

Từ giờ phút đó, thầy nhường cho trò rao và liệu tính hết mọi việc. Đến một làng nọ, một người phú hộ nghe tiếng rao liền gọi vào hỏi:

 

- Bảy mươi đúc thành mười bảy là thế nào?

 

Chàng trẻ tuổi đáp:

 

- Cũng như nồi cũ đúc thành nồi mới thôi! Nhưng đây là đúc người: xấu xí ra xinh giòn, già yếu thành trẻ khỏe.

 

Nhà chủ nói:

 

- Tôi có ông cụ, tuổi đã ngoài bảy mươi, yếu lắm nằm liệt đã mấy năm nay, nếu đúc cho trẻ và khỏe lại được thì hay quá! Nhưng anh lấy bao nhiêu tiền công?

 

- Tôi lấy rẻ ông một trăm năm mươi quan, và cơm ăn cho cả hai thầy trò. Ngoài ra, phải có hai mươi sảo than, mượn cho tôi một cái bung ba mươi và dọn cho tôi một gian buồng kín, không để một ai được nhòm vào.

 

- Nếu làm được thì trăm rưởi quan cũng không đắt, nhưng vị phỏng chết người thì thế nào?

 

- Nếu chết thì tôi xin bồi mạng. Tôi sẽ biên giấy cam đoan cho ông.

 

Người thợ đúc từ đầu đã chăm chú theo dõi việc làm của anh học nghề. Ông thấy anh ta có vẻ thông thạo. Trước hết, anh xin giấy bút viết ngay tờ cam đoan. Trong giấy, anh hứa nếu làm không xong thì không nhận tiền, hoặc nếu làm cho khách hàng chết hay bị thương tích gì thì xin chịu tù tội. Thế rồi ung dung chờ cho cơm nước vào đâu đấy, anh dẫn thầy vào buồng kín lấy khuôn ra tô đi nặn lại, vừa làm vừa bày vẽ từng tý cho thầy. Công việc chỉ trong một buổi là xong. Chiếc bung được bắc lên một bếp lửa hồng. Đoạn, anh đưa ông già vào buồng lột áo quần đánh nhẹ một cái. Ông già ngã lăn ra chết. Không bối rối chút nào, anh đưa xác ông già bỏ vào bung, đổ nước vào, rồi vừa thụt bễ vừa đảo. Sau ba ngày ba đêm nước trong bung đã trở nên quánh. Cuối cùng anh bưng bung nước ấy đổ tất vào khuôn. Đợi nguội ba ngày ba đêm nữa, anh mới tháo khuôn ra. Quả nhiên có người từ trong đó dần dần cựa quậy, rồi nhỏm dậy bước ra, mặt mũi vẫn còn phảng phất hình trạng ông già, nhưng má hóp hóa thành má căng, tóc bạc đã trở nên đen nhánh.

 

Suốt mấy ngày người đúc hồi hộp chờ đợi, giờ đây mới thở phào khi người chết đã sống lại, lại khỏe và trẻ đúng như lời rao. Chủ nhà thấy bố mình được "cải lão hoàn đồng" thì mừng rỡ bội phần. Ông ta vội mang tới đặt lên bàn một trăm năm mươi quan tiền bó mo cùng nhiều tặng vật, rồi tỏ lời cảm ơn hai thầy trò. Anh chàng học nghề chia ngay cho thầy mình một nửa. Người thợ đúc sung sướng quá đỗi, ngợi khen chàng trai hết lời. Trong bụng ông ta thầm nghĩ:

 

- Kể ra làm cũng chẳng khó mà lại được nhiều tiền. Thế mà từ lâu không ai biết cả.

 

Hai thầy trò từ giã nhà chủ ra đi. Tới một làng khác, một ông lái buôn giàu có gọi họ vào để thuê đúc lại người vợ cả lưng đã gù, răng đã rụng. Công việc lại diễn ra hệt như trước: cũng viết giấy cam đoan, cũng đưa khuôn ra đắp, rồi cũng đánh chết bà già bỏ vào bung. Nhưng lần này thì người thợ đúc không còn hồi hộp. Hắn xắn tay áo giành lấy công việc ở người học trò và chịu khó làm đủ mọi chuyện. Sau sáu ngày sáu đêm chờ đợi, khuôn được tháo ra. Quả nhiên, bà lão đã biến thành người tố nữ làm cho ai nấy đều trầm trồ kinh ngạc.

 

Khi cầm lấy những quan tiền tốt của anh học nghề trao cho, người thợ đúc suy nghĩ: - "Tất cả phép lạ đều ở trong cái khuôn kia cả. Chỉ nhờ có mấy cái khuôn của ông thầy hắn để lại mà làm ra bộn tiền. Hừ! Một cái nghề ngon ăn biết bao nhiêu! Có lẽ trẻ con nó cũng làm được. Tội gì mà không chiếm lấy để một mình hưởng lợi!".

 

Nghĩ vậy, một hôm vừa đến một làng kia, người thợ đúc liền đến trình xã trưởng, vu cho anh học nghề của mình đã ăn cắp mấy nén bạc. Chàng trai cố sức cãi lại nhưng anh không làm sao minh oan được vì lúc giở ra khám, mấy nén bạc có đánh dấu không biết tại sao lại nằm lù lù trong "ruột tượng" của anh. Cuối cùng anh bị xã trưởng cho đóng gông lại để giải lên quan. Người thợ đúc bèn chiếm lấy tất cả đồ nghề rồi quảy gánh đi miết. Hắn đi đến một làng xa mới dừng lại, nhận đúc thuê cho một nhà nọ để "cải lão hoàn đồng" một ông già ngoài tám mươi tuổi. Bắt chước người học trò, hắn cũng làm giấy cam đoan tử tế, rồi cũng giở khuôn ra tô tô đắp đắp như kiểu hắn đã được chỉ vẽ. Khi đưa ông già vào buồng, hắn cũng choảng cho ông già một vố chết lăn, đoạn bắt tay vào những công việc như hắn đã làm lần trước. Nhưng khốn thay, sau mấy ngày đêm, mở nắp khuôn ra, hắn giật mình vì nước vẫn không đông lại thành người. Hết sức lo sợ, hắn lại cố chờ thêm ba ngày ba đêm nữa mà vẫn không thành công. Mấy người con ông già chờ mãi không được, bèn phá cửa buồng mà vào. Hắn hoảng quá, xin khất thêm ba ngày ba đêm nữa. Lại ba ngày ba đêm nữa trôi qua. Cuối cùng khi mở nắp khuôn hắn mới thật sự tuyệt vọng. Mấy người con ông già xông lại, bắt trói người thợ đúc đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, rồi đóng gông để giải lên quan.

 

Trên đường đi, cổ mang gông, mình thâm tím vì đòn, người thợ đúc chợt thấy sự trừng phạt về lòng tham lam gian giảo của mình. Hắn hết sức hối hận. Mồm hắn hết lời cầu khẩn đức thánh Khổng Lồ, hứa xin chừa mọi thói hư tật xấu, và xin đức thánh run rủi cho anh học nghề trở lại để cứu hắn khỏi tử tội. Hắn lầm rầm cầu khẩn suốt mấy ngày trời. Đến ngày thứ ba, lúc hắn đang bị tuần áp giải từ xã lên huyện, vừa ghé vào quán nghỉ chân thì bỗng thấy người học nghề của mình đang ngồi uống nước ở quán. Người thợ đúc liền sụp lạy như tế sao, và xin anh học trò hãy rón tay làm phúc. Anh học trò cười mà rằng:

 

- Chính ta là Khổng Lồ đây. Ta không ngờ bụng dạ của lũ các ngươi lại nham hiểm đến thế. Đáng lý ta còn trị tội nặng hơn nữa, nhưng đã tỏ lòng hối hận thì cũng tha cho. Các ngươi phải lo bảo nhau: đã đi làm cái nghề của ta thì không được dối trá lường gạt người khác. Dù có nghèo khổ đến đâu, lương tâm cũng phải cho trong sạch.

 

Nói vừa dứt lời thì vụt một cái, mọi người không thấy anh học trò đâu nữa. Nhưng giữa lúc đó, từ ngoài cửa, một người con của ông già đã hộc tốc bước vào, nói không ra hơi:

 

- Thôi đừng giải người ta đi nữa. Bố tôi đã sống lại rồi, hiện đang cựa quậy ở trong khuôn.

 

Người ta nói từ đấy về sau những người làm nghề đúc ai cũng sợ đức thánh Khổng Lồ; không một ai dám gian trá khi hành nghề, nhất là đã cùng làm với nhau thì không bao giờ lừa dối nhau

-Hết-

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục