5/5 (1) Bình chọn
Trong dân gian nước ta, nhiều câu chuyện cổ tích, hay giai thoại gắn liền với sự kiện lịch sử. Nhiều khi sự kiện lịch sử qua đi nhưng câu chuyện mang tính giai thoại đó còn mãi trong dân gian, đúc thành thành ngữ. Chúng tôi xin giới thiệu một câu thành ngữ ra đời cuối thời Lê Sơ, đầu thời Lê Trung Hưng, câu thành ngữ đó là : Nợ như chúa Chổm
Vị chúa Chổm được nhắc đến chính là vua Lê Trang Tông
Mời các bạn và các em đọc truyện Nợ như chúa chổm để biết về giai thoại vị vua Lê này nhé!
---o0o---
Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Ðăng Dung có ý muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực họ Mạc rất lớn: hắn cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được. Cuối cùng nhà vua cất lẻn trốn đi, nhưng chẳng được bao lâu đã bị Mạc Ðăng Dung bắt đem về giam lại.
Hồi ấy ở gần trại giam có một cô hàng rượu vẫn thường đem rượu đến bán cho quân lính canh ngục. Một hôm, cô hàng đưa rượu vào bán, thấy có một phạm nhân mặt mũi khôi ngô bị giam riêng ra một nơi. Khi biết người đó là vua, cô hàng có ý muốn làm quen.
Truyện Nợ như chúa chổm
Mỗi lần bán rượu cho ngục tốt, nàng đều rót cho vua uống. Dần dần giữa hai người có một mối tình nhóm lên. Một hôm, cô hàng cất một mẻ rượu rất ngon lại có pha thuốc mê, đến chuốc cho quân canh. Khi thấy họ năm gục xuống, nàng bèn vào tình tự với vua.
Sau đó cô hàng rượu có thai. Nhà vua biết mình không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của họ Mạc, bèn giao ấn ngọc lại cho nàng và nói:
- Nàng giữ vật này làm dấu tích, nếu sau này đẻ con trai, nó sẽ có ngày phục thù cho cha.
Không bao lâu, nhà vua quả bị họ Mạc sai người vào ngục giết chết. Tất cả hoàng hậu, thái tử, công chúa, phi tần của nhà vua cũng đều chung số phận. Xong việc đó, Mạc chiếm lấy ngôi Lê, làm vua nước Ðại Việt.
Cô hàng rượu được tin, không còn hồn vía nào nữa. Nàng trốn đi một nơi khác làm thuê làm mướn, sống một cuộc đời lẩn lút. Ðủ ngày, đủ tháng, nàng sinh được một người con trai đặt tên là Chổm. Lớn lên, Chổm được vào chùa ở với sư cụ Thạch Toàn học kinh kệ. Chổm rất sáng dạ nhưng phải cái nghịch ngợm thì không ai bằng.
Một hôm đi chơi về đói, Chổm thấy trước tượng mụ Thiện có bày một mâm đầy chuối và quýt. Anh chàng rón rén đến bệ, bịt mắt Mụ Thiện lại và bẻ chuối ăn. Bất đồ sư cụ ở đâu đi vào trông thấy liền nọc ra đánh. Chổm tức lắm, chờ lúc sư đi vắng, lấy giấy viết mấy chữ:"Mười tay, mười mắt không giúp gì cho ta. Thật là vô ích. Phải đày đi phương xa". Viết xong dán vào ngực mụ Thiện. Ðêm hôm ấy, sư cụ tự nhiên mộng mụ Thiện bảo mình rằng:
- Nhà vua đói nên mới ăn, sao lại đánh ngài để ngài đuổi ta đi. Vậy phải xin lỗi ngài để ngài tha cho ta.
Tỉnh dậy, sư cụ rất phân vân, mới gọi chú tiểu Chổm vào kẻ chuyện cho biết và bảo bóc giấy đi. Sư cụ hỏi anh chàng:
- Cha mày đâu?
Chổm đáp:
- Tôi lớn lên chưa từng nghe nói có cha.
Sau đó Chổm trở về hỏi mẹ:
- Cha con đâu:
Mẹ sợ không dám nói sự thật cho con biết, đáp:
- Cha con họ Lê, bị hổ ăn thịt mất rồi.
Nghe nói Chổm rất buồn. Từ đó anh chàng lập tâm giết hổ để báo thù cho cha.
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ