3/5 (3) Bình chọn
Qua ngày sau, Nguyễn Kim và bộ hạ lại kéo nhau đi tìm.
Họ quả thấy anh con trai hôm nọ đang rượu say bây giờ nằm trong quán cơm, đầu gối lên ngon côn, hai tay bỏ xuôi xuống, hai chân dạng ra hai bên như chữ "đại".
Bỏ đi một chốc, đến lúc trở lại, họ thấy Chổm đã cựa mình, lúc này ngọn côn trật lên khỏi đầu, hai tay bỏ ra trước ngực, còn hai chân thì xếp bằng tròn như chữ "vương".
Bấy giờ Nguyễn Kim mới tin chắc anh chàng này là người mà thần có ý mách bảo cho mình, bèn giả cách vào quán ăn uống, chờ Chổm dậy sẽ tiến hành làm quen.
Chổm chợt tỉnh, thấy một người khăn áo có vẻ quyền quý đến sát giường mình thì cầm côn chực bỏ chạy. Nhưng Nguyễn Kim đã giữ Chổm lại thưa rằng:
- Xin điện hạ đừng sợ.
Chổm ngạc nhiên đáp:
- Ô hay! điện hạ nào. Tôi là thằng Chổm đây!
Nhưng thấy người quyền quý ấy có vẻ ân cần hỏi thăm cha mẹ và chỗ ở, Chổm an tâm hơn trả lời:
- Tôi họ Lê, cha bị hổ ăn thịt, còn mẹ ở nhà.
Nghe nói là họ Lê, bọn Nguyễn Kim mười phần đã chắc đến bảy tám, liền theo Chổm về tận nơi. Trước những người khách lạ, mẹ Chổm vừa mừng vừa sợ. Khi biết bọn họ có thiện ý, mới đưa ấn ngọc ra và kể rõ đầu đuôi.
Thế là từ đó Chổm cùng mẹ từ giã ngôi nhà nát ở ngoại thành lên đường đến Sầm Châu lo việc phục thù cho cha. Thanh thế quân Lê mỗi lúc ngày một to. Vua Mạc nghe tin, sai tướng đem sáu mươi vạn quân vào đánh.
Qua bao nhiêu trận kịch chiến, quân Lê đại thắng. Rồi không bao lâu, quân của Chổm lại đánh tiến ra Bắc. Quân Mạc hễ thấy quân Lê tới đâu là chạy trốn như vịt. Bấy giờ Chổm đường đường là một vị chúa uy thế lẫy lừng.
Giai thoại về chúa Chổm
Ðến ngày khải hoàn trở về kinh thành, khi quân gia đang trên đường tiến vào cửa ô thì bỗng có một số người chủ hàng kéo ra để chào người quen và để đòi nợ cũ. Thấy thế, bọn lính toan bắt vì tội vô lễ. Nhưng chúa Chổm ngăn lại rồi kể chuyện ăn chịu ngày còn hàn vi cho các tướng nghe. Ðoạn bảo quan hầu lấy tiền ra trả nợ cho họ.
Lúc đó có nhiều người thấy kẻ kia đòi được đòi nợ cũng xúm lại kể ơn nghĩa cũ; kẻ tính thành năm quan, người tính thành mười.. biến thành một cuộc truy nợ đông như đám hội. Bọn quan hầu đếm tiền mãi không xiết vì con số chủ nợ mỗi lúc một tăng.
Bọn họ bèn nghĩ ra một kế là đứng trên kiệu vung tiền xuống cho ai nhặt được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Mọi người thấy thế đổ xô vào cướp. Dần dần quan quân tiến đến phố cứ như bây giờ là vườn hoa cửa Nam.
Một viên đại tướng nghĩ chúa mình sắp lên ngôi tôn mà khách nợ cứ chạy theo réo mãi như thế thì còn ra thể thống gì nữa mới viết vào một tờ giấy hai chữ" Cấm chỉ" dán ở giữa phố và sai một toán quân đóng lại đó, ra lệnh hễ thấy ai đòi nợ chúa nữa thì chém ngay. Nhờ thế, người ta mới thôi réo và thôi đuổi theo xe Chổm.
Chúa Chổm vào đến hoàng cung thì trời sắp tối. Thấy văn võ bá quan ai cũng muốn mình lên ngôi ngay để yên lòng thiên hạ, Chổm bèn ngửa mặt khấn trời rằng:
- Hỡi thượng đế, nếu tôi xứng đáng nối nghiệp nhà Lê thì xin quay mặt trời trở lại chính ngọ, bằng không thì tôi trở về chốn cũ làm ăn, gia quyền vị lại cho người khác.
Khấn được một lúc quả nhiên trời sắp tối bỗng sáng hẳn, mặt trời treo giữa đỉnh đầu. Chổm đường hoàng bước lên đàn làm lễ đăng quang tự xưng hoàng đế. Lễ tất, mặt trời tự nhiên kéo một mạch về phương Tây lặn mất. Trời bỗng tối sầm lại như mực; lúc mọi nhà vừa thắp đèn lền thì gà vừa gáy canh một.
Ngày nay còn có câu tục ngữ "Nợ như chúa Chổm" và câu ca dao:
Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm mắc nợ tì tì
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô
Ở chỗ vườn hoa cửa Nam bây giờ, cũng do sự tích trên người ta gọi là Ngã tư Cấm Chỉ.
Hết truyện
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ