4/5 (7) Bình chọn
Bà chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong tứ bất tử của Việt (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Vậy Công chúa Liễu Hạnh là ai, chúng ta hãy cùng đọc truyền thuyết và giai thoại về bà nhé.
LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA
Tục truyền rằng: bà là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.
Ngày xưa, vào năm Thiêu Hựu, đời Hậu Lê (1557) ở thôn An Thái, làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay, có một gia đình nhà họ Lệ Phu nhân Lê Thái Công mang thai gần đến kỳ sinh nở, mắc phải bệnh suy nhược, chỉ thích ăn toàn là hoa quả, không có thuốc men nào chữa khỏi.
Một hôm, có một vị đạo sĩ đến ra mắt, xin chữa bệnh cho phu nhân. Trước bàn thờ, người đạo sĩ này đọc mấy câu thần chú, rồi vứt chiếc búa ngọc xuống đất. Ông Lê Thái Công bỗng ngã ra bất tỉnh, rồi thấy mình được đưa lên Thiên Đình. Tại đây, Thái Công thấy mình dự một bữa tiệc lớn, do Ngọc Hoàng khoản đãi. Ông thấy Công Chúa Quỳnh Nương lỡ tay làm rơi chén ngọc, bị đày ải xuống trần gian.
Khi Thái Công tỉnh dậy, thì hay tin là phu nhân vừa hạ sinh được một cô con gái. Thái Công sung sướng đặt tên con là Giáng Tiên.
Lớn lên, Giáng Tiên càng xinh đẹp thêm, giỏi văn thơ, đánh đàn thổi sáo và soạn nhiều bài hát rất hay. Năm 18 tuổi, nàng kết duyên cùng Đào Lang, là con nuôi của một vị quan trí sĩ ở cùng làng.
3 năm sau, vào ngày mồng 3 tháng 3, Giáng Tiên đột ngột từ trần. Người ta nói nàng là tiên trở về thượng giới. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng thấy nàng chưa hết hạn đi đày, bắt nàng phải trở xuống thế gian. Lần này, nàng xuất hiện dưới lốt một vị nữ thần, đi theo là 2 ngọc nữ Quế Nương và Thị Nương. Theo lệnh thiên đình, 3 vị tiên nữ đã hiện xuống giữa ban ngày ở vùng Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa.
Ba nàng tiên đã lập chỗ trú ngụ giữa một nơi phong cảnh kỳ tú của nước Việt. Chẳng mấy chốc, cả vùng đều biết tiếng các vị tiên nữ, vì những phép linh ứng của 2 nàng. Dân chúng tỏ lòng biết ơn, đã xây một ngôi đền thờ cạnh núi, để thờ phượng. Đền thờ này được gọi là đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh.
Công Chuá Liễu Hạnh thường hiển hiện ban phúc lành cho dân gian. Triều đình nghe danh tiếng, đã phong tặng nàng làm Thượng Đẳng Phúc Thần.
Vào cuối đời Lê, có một vị lão quan 80 tuổi, một hôm nằm mộng thấy Công Chúa Liễu Hạnh đi giữa 2000 tiên nữ theo hầu, mang đến cho ông một chiếu sắc của Ngọc Hoàng. Trong giấc mơ, ông thấy Công Chúa Liễu Hạnh lên xe mây, có nhiều cờ xí lộng lẫy trùng điệp dẫn đường, và thấy có vô số nhạc công đi theo. Người ta đoán rằng Công Chúa đã mãn kỳ hạn ở trần gian, nay đã trở về trời.
Trong thời gian còn ở Thanh Hóa, Công Chuá Liễu Hạnh đã ngao du khắp nước Việt, nhất là ở Lạng Sơn. Nàng thường hay lui tới các thắng cảnh ở Kinh Đô. Có lần, nàng đã giả dạng làm một cô hàng bán rượu ở Hồ Tây, để họa thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan cùng hai người bạn của ông họ Ngô và Lý.
Sau khi Liễu Hạnh về trời, hai tiên nữ Quế Nương và Thị Nương thường đứng ra làm trung gian cho dân chúng cầu xin đến Công Chúa. Dân gian tin tưởng Bà Chúa Liễu, lập đền thờ bà khá trọng thể ở Phủ Giầy, Nam Định, nơi nàng đầu thai. Dân cũng lập đền thờ Bà Chúa Liễu ở Phố Cát và Đền Sòng tại Thanh Hóa, nơi nàng xuống trần lần thứ hai.
Tại Hà Nội, có Đền Sùng Sơn ở đường Hàng Bột, thờ phượng bà Chúa Liễu. Hàng năm, đến ngày húy của Công Chúa Liễu Hạnh, người ta tưng bừng rước lễ, dân chúng đã đi trảy hội rất đông. Phủ Tây Hồ cũng là một địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng ở Thủ Đô thờ Công Chúa Liễu Hạnh. Tương truyền rằng đây là nơi hội ngộ lần thứ hai của bà với trạng bùng Phùng Khắc Khoan.
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ