4/5 (9) Bình chọn
Chử Đồng Tử là tên của một vị thánh nổi tiếng, một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng Việt Nam. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử – Tiên Dung là một trong những huyền sử được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái kể về thời kì cổ xưa của nước Việt Nam.
Nghe Audio Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung
CHỬ ĐỒNG TỬ - TIÊN DUNG
Ngày xưa, tại nước Văn Lang, vua Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Với vẻ đẹp mê mẫn lòng người nhưng không hiểu sao công chúa Tiên Dung vẫn thờ ơ trước tình cảm của bao người. Chưa một vị hoàng tử hay vị vua nào từ các nước láng giềng có thể làm rung động trái tim Tiên Dung.
Tiên Dung rất yêu cảnh sắc thiên nhiên. Nàng thường dành cả ngày thăm quan những nơi có quang cảnh đẹp của vương quốc mình. Vốn rất thương yêu con gái, Hùng Vương luôn ủng hộ con gái để nàng khám phá tất cả con sông trong vương quốc. Ông ban cho con gái một số tàu và thuyền dành cho hoàng tộc và rất nhiều lính canh, người hầu để đảo bảo an toàn cho con gái yêu của mình trong những chuyến khám phá. Điều này làm công chúa vô cùng thích thú.
Thuở ấy, tại làng Chử Xá rất xa cung điện của vua Hùng, có một người đàn ông làm nghề đánh cá rất nghèo có người con trai duy nhất tên là Chử Đồng Tử. Hai cha con cùng chung sống trong một ngôi nhà tranh nhỏ, đánh bắt cá sống qua ngày. Nhưng tai họa đã ập đến với hai cha con Chử Đồng Tử, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi tất cả những gì họ có, chỉ còn lại một cái khố. Vậy nên hai cha con Chử Đồng Tử phải thay nhau mặt cái khố còn lại.
Khi người cha bị bệnh nặng sắp mất, ông đã dặn con giữ khố lại, còn cứ chôn ông xác trần. Chử Đồng Tử không nỡ để cha chết trần truồng, dùng chiếc khố độc nhất liệm cha mà đem chôn. Từ đó Chử Đồng Tử không có gì che thân, đợi đến đêm mới đi ra câu cá, ban ngày thì dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền để bán cá.
Một chiều đẹp trời nọ, thuyền đưa Tiên Dung đi khám phá những thắng cảnh mới cập bến Chử Xá, rất gần nơi Chử Đồng Tử bắt và bán cá. Tiếng trống dồn và đoàn tùy tùng của Tiên Dung khiến Đồng Tử giật mình, chàng trai trẻ liền nấp sau bụi cỏ và đào một cái hố lấp gần hết thân mình.
Tiên Dung rất ngưỡng mộ vẻ đẹp của dòng sông nơi đây nên muốn được tắm trên dòng sông này. Đoàn tùy tùng dựng một chiếc lều trên bờ sông để công chúa thay xiêm y và tắm. Nước công chúa tắm chảy ra tạo thành những dòng nước nhỏ cuốn trôi dần lớp cát che thân Chử Đồng Tử. Lúc này, nằm dưới chân Tiên Dung là một thanh niên không một mảnh áo che thân.
Quá đỗi ngạc nhiên trước sự có mặt của Chử Đồng Tử, Tiên Dung nhanh chóng che thân trong khi chàng thanh niên sợ hãi nằm bất động dưới đất, đầu quay qua hướng khác cầu khẩn sự tha thứ. Chàng giải thích với công chúa rằng mình chỉ có duy nhất một cái khố đã mặc cho cha lúc ông lâm chung, chàng đã phải ẩn mình bằng cách đi đánh cá vào ban đêm để mọi người không nhìn thấy. Và khi cố tìm chỗ để che mình thì vô tình chọn đúng ngay chỗ Tiên Dung chọn tắm.
Nhận thấy chàng trai chẳng có gì sai, công chúa không tỏ ý phật lòng mà còn cho rằng đây là số mệnh, Tiên Dung nói: “Tôi đã định không lấy chồng, nay tình cờ gặp anh thế này, chắc do là trời xui khiến. Tôi sẽ làm theo ý trời”. Sau đó nàng ra lệnh cho lính, người hầu lấy áo quần cho Đồng Tử và chuẩn bị làm đám cưới.
Chử Đồng Tử đã ăn mặc chỉnh chu và cùng công chúa làm lễ cưới ngay trong đêm đó và chính tại dòng sông nơi họ gặp nhau. Khi tin đến ta nhà vua, ông giận dữ và đã ra lệnh cấm con gái mình vào hoàng cung vĩnh viễn. Không được trở lại hoàng cung, Tiên Dung ở lại sống chung với chồng, dùng hết số tài sản còn lại của mình để buôn bán kiếm sống. Kinh nghiệm buôn bán của Chử Đồng Tử cộng với nhan sắc của Tiên Dung, công việc buôn bán của hai vợ chồng rất hưng thịnh và làng Chử Xá cũng trở nên nổi tiếng từ đó. Thương nhân trong vương quốc cũng như các nước láng giềng đổ xô đến làm ăn buôn bán với đôi vợ chồng trẻ.
Một ngày nọ, trong chuyến đi lấy hàng, một cơn bão lớn đã cuốn Chử Đồng Tử đến một hòn đảo có tên Quỳnh Viên. Tại đây, Chử Đồng Tử đã gặp một đạo sĩ, người mà thoạt nhìn đã thấy sự bất tử trên trán của chàng. Vị đạo sĩ đã đề nghị được giúp Chử Đồng Tử và nói chàng nên ở lại đây một năm để học đạo.
Đã một năm trôi qua, đã đến lúc Chử Đồng Tử quay về nhà với Tiên Dung. Trước khi từ biệt, vị đạo sĩ đã trao cho Chử Đồng Tử một chiếc gậy và một cái nón lá cọ. Ông nói Chử Đồng Tử phải luôn mang theo hai vật này vì chúng sẽ bảo vệ chàng khỏi nguy hiểm và đáp ứng những yêu cầu của chàng. Về đến nhà Chử Đồng Tử thuật lại những gì chàng đã học được từ vị đạo sĩ với vợ mình. Hai vợ chồng mong muốn tìm ra con đường riêng, họ ăn năn về tội lỗi của mình nên đã bỏ lại nhà cửa, tài sản của mình để tìm kiếm một nơi hoang vắng để sống theo chính đạo.
Họ cùng nhau đi bộ cả ngày trời, quá mệt mỏi họ quyết định nghỉ chân ở môt nơi hoang vắng. Trước khi ngủ, Chử Đồng Tử đặt cây gậy của mình xuống rồi úp chiếc nón lá lên trên. Vào lúc nửa đêm, một tiếng sét lớn đã đánh thức hai người. Khi thức giấc, họ rất đỗi ngạc nhiên thấy trước mặt mình nổi lên một cổng thành. Bên trong thành là một tòa lâu đài được xây bằng ngọc bích chứa đầy châu báu, xung quanh là quần thần, người hầu, lính gác chào đón họ. Họ cùng nhau trị vì một triều đại yên bình và hưng thịnh.
Tin về toàn lâu đài đã đến tai vua cha, ông giận dữ cho rằng con gái mình xây dựng một triều đại riêng là để chống đối mình. Ngay lập tức, ông ra lệnh tâp hợp binh lính tiêu diệt vương quốc của con gái mình.
Khi quân lính của nhà vua gần tới nơi, mọi người trong lâu đài của Tiên Dung xin ra chống cự, nàng bình tĩnh bảo rằng: “Ta không chống lại ý trời, nơi này do trời tạo nên thì hãy để chính trời định đoạt số phận của nó. Ta đã chống lại cha ta một lần, lần này hãy để cha ta làm điều ông ấy muốn”
Đêm đến, quân của Hùng Vương cắm trại bên bờ sông gần tòa lâu đài chờ trời sáng để tấn công. Thật lỳ lạ, một cơn bão lớn ập đến. Gió lớn nhổ cây và lốc xoáy cuốn nguyên thành quách của Tiên Dung lên trời.
Sáng hôm sau, đại quân của Hùng Vương tiến đến tòa lâu đài. Toàn bộ thành quách cung điện không còn nữa, chỉ còn lại một đầm lầy và một bờ cát trắng. Trở về vương quốc của mình, Hùng Vương nhận ra sai lầm của mình, sai người xây dựng một ngôi đền tại chỗ trước đây thành quách của Tiên Dung và Chử Đồng Tử tọa lạc để tưởng niệm. Ông đặt tên cho cái đầm là Đầm Nhất Dạ có nghĩa là cái đầm được tạo thành trong một đêm và bãi cát trắng tên là Bãi Tự Nhiên, nay thuộc phủ Khoái Châu, Hưng Yên.
Hết truyện
Lời bàn thêm: Về sau, Triệu Quang Phục chống nhau với quân nhà Lương, lấy đầm này làm chỗ ẩn nấp để đánh nhau trong mấy năm trờị Đêm đêm quân của Quang Phục cỡi thuyền độc mộc tiến ra đánh úp làm cho quân giặc mỗi ngày một hao tổn. Một hôm Quang Phục lập đàn cầu thần phù hộ, bỗng thấy Chử Đồng Tử cỡi rồng giáng xuống hứa giúp diệt giặc, rồi trao cho Quang Phục một chiếc móng rồng bảo gắn vào mũ để làm bùa thiêng. Trận đó quả nhiên đại thắng, Quang Phục giết được tướng nhà Lương, quân giặc tan vỡ. Họ Triệu tự lập làm vua, tức là Triệu Việt Vương.
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ