Truyện Trạng Nguyên Giáp Hải - Giai thoại dân gian Việt Nam

0/5 (0) Bình chọn

Thứ Ba, 05/07/2016 09:07

-- Phần trước --

...

Vừa về đến nhà trọ cũ, Giáp Hải đã hay tin nhà vua vừa ra chiếu chỉ cho mở khoa thi Hội mới. Không kịp trở lại quê nhà báo tin, chàng vội chuẩn bị ngay lều chõng để vào trường ứng thí. Trải đủ cả bốn lần khảo hạch của kỳ thi, các bài vở của chàng làm đều trúng cách, lời văn đã trau chuốt, ý tứ lại càng sâu xa. Thơ phú của chàng thì như thần tiên giáng bút. Vì vậy các quan chánh, phó chủ khảo đều rất hài lòng, lấy chàng đỗ ngay Hội nguyên - đầu bảng. Trong năm người được chọn thi Đình thì chàng cũng lại chiếm luôn ngôi cao nhất - Trạng nguyên.

 

Mấy ngày sau, quan tân khoa Trạng nguyên ngồi trên võng điều có tàn lọng che để trở về quê vinh qui bái tổ. Từ ngày chàng rời nhà ra đi đến nay vừa đúng mười năm, lúc này, Giáp Hải đang ba mươi ba tuổi.

 

Ông bố họ Giáp, lúc này cũng đã ngoại bảy mươi. Từ khi nghe tin con rời nhà trọ ở Kinh đô ra đi mà không biết đi đâu, ông đã cho người tìm tòi khắp nơi, nhưng đều chẳng thấy. Trong thâm tâm, ông đinh ninh chẳng may con ông gặp nạn ở đâu đó, hoặc giả, có ai đã nói về nguồn gốc, nên nó mới phẫn chí mà vĩnh viễn từ bỏ ông, không một lời cáo biệt. Càng nghĩ ông càng rầu rĩ trong lòng, và đêm ngày lại tự than khóc cho số phận hẩm hiu của mình.

 

Tưởng đã tuyệt đường hy vọng thì nay bỗng nhiên thấy sai nha về nhà ông báo trước, đúng họ, đúng tên, đúng tuổi, đúng quê hương bản quán của con trai. Ông mừng mừng rỡ rỡ, tựa như người chết mà sống lại vậy, vội vàng sai người nhà quét tước, sửa sang nhà cửa, mổ lợn mổ bò, mua sắm của ngon vật lạ... để chuẩn bị đón quan Trạng nguyên tân khoa, khao vọng các hàng chức sắc trong phủ trong huyện trong xã, và dân làng.

 

Những ngày này, rủi thay, dân chúng trong huyện lại đang vào kỳ bận rộn, phải kịp cày đất vỡ đất để trồng khoai. Lệnh từ phủ từ huyện đưa xuống là phải cử đinh tráng khoẻ mạnh đi võng giá, còn mọi người phải tập trung ở các trạm nghỉ để đón rước. Trời khi ấy đang nóng bức, nên trên mặt ai nấy cũng đều nhễ nhại mồ hôi mồ kê. Thật rõ là sự vẻ vang hay vênh vang của một người nào đó bao giờ cũng có nỗi khổ nỗi nhục của bao nhiêu người khác đi kèm! Bởi vậy, dân chúng đi đón rước, chẳng mấy ai lại không bực tức thầm trong bụng. Và nỗi bực tức cộng thêm nỗi hồ nghi, rồi tiếp đó, là sự sói móc vào nguồn gốc quan Trạng. Bọn lính tráng đi theo, dần dần cũng nghe lọt được những lời sói móc này, và có người đã bẩm báo tới tai Giáp Hải.

 

Đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nên Giáp Hải, ngoài mặt thì tươi cười nhưng trong bụng lại đinh ninh, nhất định sau này sẽ phải điều tra cho ra nhẽ.

 

Sau lễ vinh qui, Giáp Hải trở lại kinh đô để được nhận quan chức. Bước khởi đầu là chức về ngạch thanh tra - thay mặt triều đình đi đến các nơi để tìm hiểu, tra cứu các việc... Thật là cầu được ước thấy - Giáp Hải chẳng có mong ước nào hơn, và thế là, sau một tuần nghỉ ngơi, chàng đã lên đường làm nhiệm vụ.

 

Sau mấy tháng đi các nơi, Giáp Hải xin nhà vua trở về Kinh Bắc, và định bụng lần này sẽ điều tra nội vụ của bản thân mình. Chàng cất mũ áo ở công quán, rồi cùng một người lính thân tín, đều ăn mặc giả làm dân thường, như hai người bạn đang đi làm ăn xa. Hai người đến thẳng khúc đê có quán nước ở làng Công Luận, bởi vì trong óc, Giáp Hải vẫn còn lờ mờ nhớ hồi bé mình đã từng có mẹ và có quán nước ở đây. Những lời nói móc khi trên đường vinh qui lại càng làm cho chàng củng cố thêm điều con lờ mờ nhớ ấy.

 

Thực may, quán nước vẫn còn nguyên ở chỗ cũ. Bà hàng bây giờ đã là một bà lão ngót nghét tuổi tám mươi, lưng còng, tay chân khẳng khiu như que củi, đi lại vất vả, lại côi cút một thân một mình. Giáp Hải cảm thấy chạnh lòng...

 

Khi hỏi han, bà lão cho biết trước kia có sinh được một mủn con trai, nếu bây giờ còn đã ngoài ba mươi tuổi. "Năm ấy - bà lão nói - thằng bé mới ba, bốn tuổi, thì không rõ bị rơi xuống sông nước cuốn đi, hay là bị mẹ mìn bắt cóc". Vừa nói, bà lão vừa sụt sịt, còn khi nói xong thì bỗng oà lên khóc nức nở...

 

Giáp Hải nhìn và nghe, thấy có cái gì đó như cứa vào tim mình. Tuy vậy, không để lộ tình cảm ra bên ngoài, chàng nói với bà lão:

 

- Nay nhân qua đây, thấy cụ già cả lại lam lũ vất vả, đêm ngày chẳng có con cháu trông cậy đỡ đần... nên chúng tôi cũng động lòng thương. Chẳng dám dấu gì cụ, nhà chúng tôi cũng có bát ăn bát để, nên muốn mời cụ về ở để cho đỡ hiu quạnh tuổi già. Nhưng chẳng biết như thế cụ có vui lòng hay không?...

 

Ý của Giáp Hải là dẫu còn bán tín bán nghi thì hãy cứ đưa bà cụ về nhà cái đã rồi sau này sẽ tìm hiểu thêm. Nếu đúng thì mẹ con sẽ gặp nhau, còn nếu không thì cũng coi như là một việc làm phúc.

 

Còn về phần bà lão, bây giờ đã tuổi cao sức yếu mà không biết nương tựa vào đâu, nên nghe thấy thế thì vô cùng mừng rỡ, chẳng có ước muốn nào hơn. Bà lão nhận lời ngay rồi đi thu dọn quần áo, đồ đạc để theo Giáp Hải về nhà.

 

Từ công sở ở Kinh bắc, Giáp Hải đưa thẳng bà lão về Kinh đô, ở trong tư dinh của mình. Tại đây, bà lão được chăm sóc chu đáo và có một người hầu gái luôn luôn ở bên cạnh. Ý của Giáp Hải là dần dần người hầu gái này sẽ nắm được những điều bí mật, rồi bẩm báo lên cho biết. Quả nhiên về sau, chứng tỏ Giáp Hải đã tính toán không lầm.

...

-- Đọc tiếp --

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục