Truyện Trạng Nguyên Giáp Hải - Giai thoại dân gian Việt Nam

4/5 (3) Bình chọn

Thứ Ba, 05/07/2016 09:07

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian. Mời các bạn và các em cùng đọc giai thoại về cuộc đời và sự nghiệp của trạng nguyên Giáp Hải nhé.

trạng nguyên giáp hải 1

TRẠNG NGUYÊN GIÁP HẢI

 

Ở đoạn đê chạy qua làng Công Luận thuộc trấn Kinh bắc (Bắc Ninh) thuở ấy, có một người đàn bà goá đứng tuổi, sống bằng nghề mở quán bán hàng nước, quà bánh. Bà là người hiền lành, chất  phác và thân thích ruột rà cũng chẳng còn ai. Quán xá ở nơi hẻo lánh, xung quanh chỉ có mấy đầm nước, nên cũng ít người qua lại.

 

Một hôm, có ông khách lạ đi qua, ghé vào quán ăn quà, uống nước. Lúc ra đi, do đãng trí, ông ta bỏ quên lại cả một túi lớn đựng đầy tiền. Khi dọn hàng, thấy túi tiền, bà hàng lẳng lặng cất đi, cũng chẳng giở ra xem. Mấy ngày sau, ông khách quay lại, nét mặt bần thần ngơ ngác, nhưng chưa dám hỏi. Biết ý, bà hàng vào buồng lấy túi tiền đem ra trả lại, nét mặt cũng chẳng biểu lộ thái độ gì.

 

Ông khách nhận túi tiền, mừng rỡ, nhưng trong bụng lại sinh nghi, bèn mở ra đếm lại. Khi thấy không thiếu một đồng nào, thì ông ta tự cảm thấy xấu hổ, bèn nói lời cảm tạ và gạt một nửa số tiền ra biếu bà hàng. Thế nhưng, ông ta vừa dứt lời đã thấy bà lắc đầu quầy  quậy, bảo cất tiền đi. Thấy ông khách nài ép mãi, bà nói:

 

- Cảm ơn ông. Tôi tuy nghèo nhưng không phải không biết phân biệt điều nghĩa lý, trái phải. Đây là tiền của ông chứ có phải tiền do công sức khó nhọc của tôi đâu? Ông vui lòng giữ lấy vậy.

 

Ông khách ngồi lặng đi hồi lâu, có vẻ như đang suy nghĩ điều gì... Quả vậy, ông đã đứng tuổi, đi lại nhiều nơi, lại tiếp xúc với đủ các hạng người mà chưa một lần thấy ai có tấm lòng trọng nghĩa khinh tài như vậy. Ông tự nhủ thầm: "Đây là số tiền bà ấy có ăn cả đời cũng không hết... Đã vậy, ta phải đem tấm lòng thực của mình ra để đối lại với tấm lòng thực của người ta thôi". Ông nói:

 

- Chẳng dấu gì bà, tôi là thầy địa lý, đi lại ở vùng này đã nhiều, nên biết được mấy ngôi đất quí. Có một ngôi sau này con cháu sẽ phát đến Tể tướng, Trạng nguyên. Vừa nãy, bà không nhận tiền làm cho tôi áy náy quá. Vậy tôi muốn giúp bà cải táng lại phần mộ của cụ thân sinh...

 

Bà chú ý nghe ông khách nói xong, nhưng lại mỉm cười buồn bã:

 

- Cảm ơn thầy. Chắc thầy chưa rõ đấy thôi. Ông nhà tôi đã mất rồi, lại con cái không có. Anh em thân thích nội ngoại cũng không còn ai. Nếu được ngôi đất quí thì cũng chẳng biết mà để làm gì. Xin thầy bỏ quá đi cho vậy.

 

 Ông thầy địa lý nghe thấy thế  nhưng cũng vẫn một mực thuyết phục:

 

- Bà chẳng nên ngại. Cơ trời biến hoá nhiều lúc thực khôn lường, người thường không thể biết trước được. Ngôi đất Trạng nguyên nếu ông cụ thân sinh của bà được táng vào đấy thì ít nhất sau này bà cũng được mát mặt thảnh thơi...

 

Ông khách đã nói đúng điều ước muốn của bà hàng: Trạng nguyên, Tể tướng chẳng bao giờ bà dám màng tới, nhưng nỗi lo tuổi già một thân một mình thì thường khi bà vẫn thấy canh cánh bên lòng. Bà nhận lời, rồi đưa ông thầy ra đồng, chỉ cho ông ngôi mộ của cụ thân sinh để ông lo việc cải táng. Khi công việc xong xuôi, trước lúc từ giã, ông thầy còn dặn bà hãy chăm làm việc thiện nhiều hơn nữa thì phúc lộc, công quả mới chóng được ứng nghiệm...

 

Thế rồi việc ấy cũng qua đi. Thời gian đầu bà hàng còn hay nghĩ tới và ao ước, nhưng sau, do bận làm ăn buôn bán, nên cũng đã quên dần. Tuy vậy, là người bản chất tử tế, nên chả cần ông thầy phải dặn, bà vẫn thường xuyên giúp đỡ những người cơ nhỡ đi qua, mặc dù đời sống của bà cũng rất chật vật, chứ chẳng giàu có dư dật gì.

 

Khoảng một năm sau, một hôm vào buổi chiều, trời đang nắng gắt bỗng đâu mây đen kéo đến. Rồi sấm chớp đùng đùng và mưa đổ nước xuống như trút. Bà hàng bèn dọn dẹp rồi đóng quán lại vì nghĩ mưa thế này thì mở quán cũng chẳng ai vào. Một hồi lâu sau, đang ngồi trong quán, bà bỗng nghe thấy có tiếng người gọi lẫn trong tiếng mưa rơi, rất gấp. Bà vội mở cửa thì trước mặt là một người đàn ông đứng tuổi, đầu tóc quần áo ướt sũng, mặt mày nhợt nhạt, đang run lên cầm cập. Đó chính là một người đánh dậm với đầy đủ đồ nghề trên tay. Người ấy dựng vội cái dậm, cái bập và chiếc giỏ vào vách rồi lách cửa bước vào, miệng nói xin trú mưa tạm. Nhưng vừa vuốt tóc, vuốt quần áo cho nước chảy mau xuống, thì cũng là lúc toàn thân người ấy run lên bần bật, rồi bất thình lình ngã đổ vật ngay xuống. Bà hàng thấy vậy, vội vã quơ một nắm nòm rồi nhóm lửa cho người ấy sưởi. Bà lại đi tìm hộp dầu - mặc dù thường rất dè xẻn, chỉ khẽ xoa một chút khi bị nhức đầu sổ mũi - xoa rất đậm lên trán, lên thái dương, lên ức, lên gáy, lên sống lưng, lên bụng và hai lòng bàn chân bàn tay của người ấy.

 

Một lúc lâu sau thì người đánh dậm tỉnh lại, do được cứu chữa kịp thời. Bà hàng vội đi bắc niêu cháo hành cho người ấy ăn lại sức. Sau khi đã bình phục, người đánh dậm tỏ lòng biết ơn. Cử chỉ lời nói rất thành thực, khiến bà hàng cũng có cảm tình. Người đánh dậm, nhân câu chuyện, bèn kể lại gia cảnh của mình. Đó là một người rất nghèo, nhà ở Bát Tràng cách đó đến mấy làng, đã ba đời làm nghề này, đến nay tuy luống tuổi nhưng vẫn chưa có tiền cưới vợ.  Bà hàng vừa nghe vừa cảm thương trong lòng...

 

Lúc ấy, nhìn ra bên ngoài, trời đã bắt đầu tối. Cơn mưa tuy ngớt nhưng gió vẫn còn mạnh và mây đen đang ùn ùn kéo đến. Người đánh dậm xin về, nhưng bà hàng bảo trời sắp mưa đợt nữa, nếu giữa đường bị cảm lại, chắc sẽ nguy to. Người đánh dậm lưỡng lự, nét mặt bần thần, rồi cuối cùng cũng đành ở lại.

 

Họ đi thổi cơm, làm thịt cá và cùng ngồi ăn uống với nhau, trong câu chuyện đã có phần thân mật. Đến khi đi ngủ, vì nhà chật chỉ có một chiếc chõng với một chiếc chiếu, nên dù muốn dù không, họ đành phải ngủ chung. Lúc đầu còn ngượng ngịu nhưng về sau, do hơi ấm và sự đụng chạm, đã làm cho họ không tự cưỡng lại được... Nhưng thật không may cho người đánh dậm, thời gian bị cảm mạo chưa lâu mà đã ân ái ngay, nên bị phạm phòng, rồi lăn ra chết đột ngột. Bà hàng hết sức bối rối, tìm mọi cách cứu chữa, nhưng cuối cùng cũng đành phải bó tay.

 

Đến lúc này, khi đã định thần lại được, bà mới cảm thấy sợ hãi vô cùng: ngày mai mọi người biết chuyện thì vừa xấu hổ vừa bị liên lụy, quan trên ắt sẽ lục vấn, khảo tra rồi tù tội cũng nên. Nghĩ đoạn, bà vội khâm liệm cho người quá cố, rồi một thân một mình, vác cuốc, vác tử thi đi chôn ngay. Khi chôn xong, bà còn xoa đất ngụy trang, để không còn dấu vết. "Thôi thì ông hãy mồ yên mả đẹp chứ chẳng nên oán trách tôi làm gì" - bà lẩm bẩm khấn khứa thành lời trước lúc ra về.

 

Từ đấy, bà hàng nước bắt đầu có mang, rồi chín tháng mười ngày sau, sinh hạ được một mụn con trai. Mặc cho thiên hạ lời ra tiếng vào, thậm chí cả chê cười khinh bỉ, nhưng bà vẫn để ngoài tai, vừa bán hàng vừa chắt chiu nuôi nấng đứa con.

 

Ngày tháng qua đi, đứa trẻ lớn dần rồi cũng đến tuổi biết chơi, biết nghịch. Và thực rõ cơ trời, tuy cha mẹ chỉ là những người nghèo khó, vậy mà đứa trẻ lại khôi ngô tuấn tú và linh lợi hoạt bát hơn người.

 

Thế rồi đến một hôm, khi trong quán đang có vài người khách, bà hàng còn đang mải rót nước, đưa bánh... thì đứa trẻ đã leo lên mặt đê rồi đi quá sang mé bên kia. Đê cách sông một đoạn, lại bằng phẳng quang đãng, nên nhìn thấy cả dòng chảy rất gần. Lúc ấy, ở bên mép nước đang có một chiếc thuyền buôn neo đậu. Người chủ thuyền đang ngồi nghỉ trong khoang, chợt thấy đứa trẻ liền vẫy tay cho nó đến gần. Lúc đầu, chỉ là một cách giải khuây, nhưng sau đó, càng nhìn đứa trẻ càng thấy ưng ý, nên ông ta đã nảy ra ý định bắt cóc. Thế là ông ta nhảy lên bờ, lân la đến bên đứa trẻ, chuyện trò và đưa kẹo, rồi dụ nó xuống thuyền chơi. Đứa trẻ thích trí theo ông ta liền, bởi vì đối với nó, việc quen ngay với người lạ, đây đâu phải mới xảy ra lần đầu.

 

Khi đứa bé xuống thuyền xong thì người chủ thuyền nháy mắt cho người bẻ lái động chèo, thế là chiếc thuyền dời xa bờ, rồi sau đó, dương buồm lên chạy thẳng...

 

Đến lúc ấy, ở bên này, khi khách đã vãn, bà hàng mới hốt hoảng đi tìm con, nhưng hỡi ôi, đứa trẻ đã "biến mất". Hút chân đê, hút mặt đê, tầm mắt của bà đều chẳng nhìn thấy gì. Chạy về phía dòng sông, nhìn dòng nước cuộn chảy, xung quanh lại vắng vẻ, bà nghĩ nếu con bà có ngã xuống đấy thì nước đã cuốn đi tận đẩu tận đâu mất rồi, còn nếu nó bị mẹ mìn bắt mang đi, thì một thân một mình bà cũng chẳng thể tìm ra manh mối được. Suy đi tính lại, càng lúc bà càng cảm thấy bối rối, tuyệt vọng. Bà kêu rú lên từng hồi, hết gọi con rồi lại khóc con. Nhưng nỗi đau đớn và vật vã ấy của bà, rốt cuộc vẫn chỉ có một mình bà hay biết.

 

Thế rồi, khi sức đã kiệt, bà đành lủi thủi quay trở về quán, đêm ngày âm thầm gạt dòng nước mắt, và sống cho qua ngày. Tuy nhiên, do công việc, nên dần dần nỗi nhớ con của bà cũng nguôi ngoai đi được chút ít...

 

-- Đọc tiếp --

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục