Truyện Trạng Nguyên Giáp Hải - Giai thoại dân gian Việt Nam

4/5 (3) Bình chọn

Thứ Ba, 05/07/2016 09:07

-- Phần trước --

...

Người lái buôn bắt cóc đứa trẻ đưa đi vốn là người họ Giáp, ở làng Dĩnh Kế, cùng trong một tổng với làng Công Luận, và hai làng cách nhau cũng chẳng bao xa. Đó là một người rất giàu có, của kho thóc đụn rất nhiều, lại đi đó đi đây buôn bán, nên sự lanh lợi và đầu óc hiểu biết cũng rộng. Thời trẻ ông ta là tay chơi bời nên mắc phải bệnh giang mai, về sau chữa khỏi nhưng lại tuyệt đường con cái. Nghĩ mình toà ngang dãy dọc, của nả dư thừa mà không có con nối dõi thì thật uổng phí, nên từ lâu ông ta nảy ra ý định đi bắt một đứa trẻ ở đâu đó về nuôi. Ông ta đã mấy lần thực hiện ý định này nhưng đều chưa thành, bởi vì khi dịp "thuận lợi" đến thì "đứa trẻ ấy" có gương mặt xấu xí, chẳng hứa hẹn về sau điều gì, nên lại thôi.

 

Khi qua khúc đê ở làng Công Luận, sau khi nhìn kỹ thấy đứa trẻ kháu khỉnh ông ta đã thực hiện được ý đồ của mình. Đem đứa trẻ về nhà, ông ta mừng lắm, nói với người nhà là xin của một người bạn hàng đông con quê ở rất xa, lại dặn mọi người từ nay trở đi không ai được hé răng để lộ tung tích cho đứa trẻ biết. Bản thân ông ta từ đó cũng đối xử với đứa trẻ rất mực chu đáo, tử tế. Ông gọi nó là "con" và xưng là "bố", rồi đi chạy giấy khai sinh, đặt tên họ cho nó là Giáp Hải.

 

Năm Giáp Hải lên sáu tuổi, ông cho nó đi học. Là đứa trẻ thông minh, có trí nhớ đặc biệt nên Hải học hành rất tấn tới. Ông thầy đồ và mọi người đều cho nó là "thần đồng" - học mười biết mười, chứ không phải học mười quên chín như nhiều đứa trẻ khác. Càng lớn lên, Giáp Hải lại càng thông tuệ, và đến năm 19 tuổi đi thi Hương thì đã đỗ ngay á nguyên (thứ nhì).

 

Năm sau, đến kỳ thi Hội, Giáp Hải lên đường, nhưng không đỗ. Lại về đèn sách với ông thầy cũ. Rồi ba năm sau, đi thi Hội lần thứ hai, cũng vẫn bị trượt. Ông bố nuôi, vốn là người cơ trí, đã hiểu ra rằng lỗi này tại con thì ít mà tại thầy thì nhiều: Thầy ở nơi thôn dã lại chưa đỗ đại khoa thì trò làm sao có thể đọ sức được với các anh tài trong thiên hạ?

 

Ông bèn biện một lễ rất hậu đến nhà thầy nói lời cảm tạ, rồi sau đó, sắm sửa cho con lên kinh theo học một cụ Nghè danh tiếng. Ông bán thóc lúa, quyết chí dốc vốn cho con ăn học đến nơi đến chốn, lại thân hành dẫn con đi, đến nhà thầy, đến nhà trọ, dặn dò đâu đấy rồi mới ra về.

 trạng nguyên giáp hải 2

Giáp Hải khi ấy 23 tuổi, đã là một chàng trai trưởng thành. Dù cha không dặn dò đi nữa thì chàng cũng tự thấy phải chăm chỉ học hành hơn, để khỏi phụ lòng ông.

 

Ở Kinh đô, từ nhà trọ đến nhà thầy, hàng ngày Giáp Hải phải đi qua bến Bồ Đề. Bến này, ngư dân đánh bắt cá dưới sông thường đem về đây bán. Một hôm, đi học về ngang qua dừng lại mua thức ăn, Hải thấy một người đánh cá đang đứng bán một con ba ba có nổi hoa ở trên lưng trông rất đẹp. Là dân miền sông nước, Giáp Hải chẳng lạ gì ba ba, nhưng càng ngắm càng thấy ở con này có cái gì đó thật khác thường. Hải lên tiếng hỏi mua - người đánh cá, vốn là tay láu lỉnh hay bắt chẹt khách, đã phát giá đúng bốn quan tiền - số tiền nhiều gấp bốn lần một con ba ba tương tự. Hải thản nhiên móc túi lấy tiền, không một lời kỳ kèo, rồi mang ba ba về nhà, trong lòng xiết bao vui sướng.

 

Về nhà sau khi ăn cơm, Hải đi mua gỗ rồi mượn cưa đục, đóng cho ba ba một cái "nhà" để ở. "Nhà" có chỗ uống nước, có chỗ cho ăn, lại có chỗ đựng cát để ba ba ẩn nấp.

 

Do con nhà giàu nên Giáp Hải ở trọ hẳn trong một nhà riêng, có chỗ ngủ, chỗ học, chỗ ăn và bếp nấu nướng, tuy nhiên cũng chỉ ở một mình mà không có người theo hầu. Ở một mình, học hành chí thú nghiêm túc hơn, nhưng lại buồn vì không có người bạn bầu trò chuyện. Có ba ba, hàng ngày cho ăn lại ngắm nhìn nó, cũng là một cách để Giáp Hải giải khuây, vơi nhẹ nỗi buồn.

 

Nào ngờ, chỉ một ngày sau, khi Hải đi học về, mở khoá đẩy cửa bước vào thì thấy ở bàn ăn một mâm cơm tươm tất. Lạ lùng, Hải nhìn quanh, thấy đồ đạc vẫn còn nguyên dấu cũ lại chẳng thiếu thứ gì. Nhìn vào ổ khoá cũng không có dấu vết lạ. "Vậy thì cơm canh thịt cá kia ở đâu ra?" Hải tự hỏi và sục tìm một hồi nữa nhưng chẳng thấy sáng tỏ điều gì, sau chán nhẽ, đành ngồi vào ăn vì lúc này cũng đã đói. Cơm vừa chín tới được ủ nóng, còn thức ăn thì vừa miệng lại thực ngon - Hải nếm mỗi thứ một tý, rồi sau đó yêm tâm, ăn đến hết bữa, không quên dành lại một phần cho ba ba.

 

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, khi đi học về Hải cũng đều thấy như vậy cả. Tuy được ăn uống ngon lành nhưng Hải vẫn nghĩ phải tìm cho ra manh mối này.

 

Đến hôm thứ tư, kể từ hôm đầu, Hải đến lớp được một lúc thì cáo ốm, xin phép thày cho về nhà sớm. Gần đến cửa Hải đi rón rén rồi nấp vào một chỗ, nhìn vào trong nhà, qua một khe hở nhỏ. Một lát sau, từ chỗ thùng đựng ba ba bỗng thấy hiện ra một người con gái tuyệt đẹp. Người con gái ấy vấn lại tóc rồi bước về phía bếp chuẩn bị cơm nước ... Không để lỡ thời cơ, Hải lén mở khoá rồi đẩy nhanh cánh cửa bước vào, đến chỗ có thùng đựng ba ba, cầm lấy xác đem cất đi, đoạn bước xuống bếp gặp cô gái. Hải lên tiếng trước:

 

- Xin chào qúi cô nương. Thật vô cùng cảm kích về cuộc hạnh ngộ này.

 

Cô gái, thoạt tiên đỏ bừng mặt có vẻ lúng túng - chắc do Hải đã đứng ở ngay sau cửa nên cô không thể trở về thùng ba ba được - sau đó đành trấn tĩnh lại, rồi nói:

 

- Chào công tử. Thiếp là con gái vua Thuỷ Tề, thường hay đội lốt ba ba đi chơi, nên chẳng may bị sa lưới. Hôm ấy may có công tử cứu thoát nên thiếp đội ơn vô cùng, bây giờ ở lại lo liệu cơm nước là để đền ơn công tử đấy.

 

Hải vội chắp tay vái cô gái hai vái mà rằng:

 

- Xin đa tạ. Xin đa tạ. Tôi là Giáp Hải, người trần mắt tục, được hưởng lộc mà bây giờ mới biết tới quí nương. Xin quí nương thứ lỗi cho.

 

Cô gái cũng vái lại Giáp Hải, còn miệng thì nói:

 

- Không dám. Không dám. Tôi phải tạ ơn công tử trước mới phải chứ.

 

Giáp Hải nói luôn:

 

- Chả dấu gì cô nương, từ dạo ở Kinh Bắc về đây tôi vẫn phải tự lo liệu cơm nước lấy. Từ nay, nếu cô nương không chê, xin được vui lòng ở lại lâu dài, đỡ đần rau cháo có nhau.

 

Cô gái trả lời:

 

- Xin công tử an tâm. Được cứu sống là nghĩa trọng, không thể bỏ đi một sớm một chiều. Công tử hãy gắng mà lo đến việc đèn sách.

 

Giáp Hải mừng rỡ vô cùng, vội chắp tay vái thêm cô gái. Cô gái cũng chắp tay vái lại Giáp Hải. Sau đó họ cùng nhau sửa soạn cơm nước.

 

Từ đó trở đi cuộc sống trôi đi như trong mộng ảo, ở lớp học xong, Giáp Hải đi thẳng về nhà, tiện chợ mua sắm thêm mấy thứ, chứ không còn dềnh dàng như hồi trước. Thế rồi, theo lẽ tự nhiên, trai tài gái sắc bên nhau, thì chả cần ai mai mối, họ cũng nhanh chóng nên duyên vợ chồng. Nhưng là những con người hiểu phép tắc, nên trước khi thành thân, họ sắm sửa lễ vật, thắp hương, khấn cầu trời đất chứng giám, phù hộ độ trì cho sự tác thành và cho tình nghĩa lâu dài của họ.

 

Giáp Hải cũng như cô gái, bản thân mỗi người đều hiểu cuộc nhân duyên của họ thật là hy hữu - có một không hai trên đời, bởi vậy không thể ai hé răng ra nói với người thứ ba. Họ yêu nhau, sống với nhau hạnh phúc, nhưng cũng chỉ gói gọn trong ngôi nhà trọ bé nhỏ mà thôi - không một ai hay biết. Dần dà rồi một hôm, cô gái nói với chồng:

 

- Thiếp vắng nhà đã lâu, chắc bây giờ phụ vương mẫu hậu nóng lòng mong đợi thiếp lắm. Xin chàng cho thiếp về thăm nhà, nhân thể cũng mời chàng xuống thuỷ cung dạo chơi cho biết.

 

Giáp Hải đáp lại:

 

- Từ lâu ta cũng muốn được đến ra mắt cha mẹ nàng, như vậy mới là phải đạo. Nhưng ngặt vì nỗi người trần nên chưa nghĩ được cách gì để có thể xuống thuỷ cung được.

 

Vợ chàng nói:

 

- Không hề gì. Chàng cứ đưa lốt ba ba cho thiếp rồi thiếp sẽ dẫn chàng đi.

 

Giáp Hải lại băn khoăn:

 

- Nàng tính. Ta đang phải luyện văn bài để đợi khoa thi. Đi như thế chắc phải lâu dài, liệu có tiện không?

 

Vợ chàng lại đáp:

 

- Trong triều của cha thiếp cũng có nhiều người đỗ đại khoa. Có Trạng nguyên họ Lương là người kiến thức uyên bác, đang dạy học cho các hoàng tử. Chàng xuống đó mà theo học thì lại càng rất tiện.

 

Không còn ước muốn gì hơn, Giáp Hải vui mừng khôn xiết, hôm sau đi từ biệt thày và bạn bè, rồi hôm sau nữa, cùng vợ ra mé bờ sông. Cô gái khoác lốt ba ba vào người rồi thoăn thoắt rẽ nước cho Giáp Hải theo xuống. Chẳng mấy chốc, kinh thành của vua Thuỷ tề đã hiện ra ngay trước mắt họ.

 

Lúc ấy, vua Thuỷ tề đang buổi thiết triều, thấy con gái trở về Ngài vô cùng mừng rỡ. Khi được biết Giáp Hải là ân nhân của nàng, nhà vua đã cảm ơn và tiếp đãi chàng thật là trọng thị. Họ không dám nhận nhau là vợ chồng ở trước mặt vua cha, bởi vì họ biết việc tự ý lấy vợ lấy chồng như thế là không phải phép. Giáp Hải, vốn nhanh trí, đã nhận ngay ra tình thế của mình, và chàng ứng đối cũng rất tự nhiên, mực thước.

 

Khi gặp Trạng nguyên họ Lương, Giáp Hải xưng danh rồi ngỏ ý muốn được theo học. Ông quan Trạng niềm nở gật đầu. Vua Thuỷ tề sau đó biết chuyện, cũng rất hài lòng. Ngài lập tức sai dọn một căn phòng thật tĩnh mịch để cho chàng yên tâm học tập. Cơm nước hàng ngày có các thị nữ bưng đến, còn các vật dụng thì cần thứ gì cũng đều có sẵn cả.

 

Từ đấy, dòng dã suốt mấy năm trời, Giáp Hải miệt mài với việc học tập. Sách vở tra cứu đầy ắp trong thư viện. Ông thày kiến thức quảng bác, lại giảng giải cho thật tận tình, nên càng về sau, kiến thức của chàng càng được mở mang, trí óc của chàng càng thêm sáng suốt và văn tài thì thật uyển súc... Và do ở chốn cung đình, nên mọi đường ăn chơi của chàng cũng thực là sành điệu.

 

Một hôm, đang ngồi trong cung, vua Thuỷ tề bấm độn, biết ở kinh đô nước Nam sắp có kỳ thi Hội. Sáng hôm sau, nhà vua cho gọi Giáp Hải đến, nói chàng có muốn thi thì hãy mau mau chuẩn bị cho kịp. Giáp Hải, dẫu đinh ninh trong bụng có lúc sẽ xảy ra sự trạng này, nhưng nghe thấy thế, cũng cảm thấy bàng hoàng. Chàng trấn tĩnh một hồi, rồi đứng dậy cảm tạ nhà vua, miệng bèn nói lời xin cáo biệt...

 

Ngày hôm sau, vua Thuỷ tề đặt đại tiệc để tiễn đưa chàng. Phút chia tay diễn ra thật vô cùng cảm động. Chàng và nàng nhìn nhau nước mắt lưng tròng mà chẳng tiện nói ra... Nhà vua cấp cho chàng tư trang và rất nhiều vàng bạc, châu báu, lại cùng hoàng tộc và các đại thần đi tiễn chàng rời khỏi Hoàng cung. Khi ra khỏi cổng thành một vị trong đoàn tuỳ tùng hoá phép rẽ nước để chàng có lối đi rộng rãi trở về...

 

-- Đọc tiếp --

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục