Truyện Trạng Nguyên Giáp Hải - Giai thoại dân gian Việt Nam

5/5 (1) Bình chọn

Thứ Ba, 05/07/2016 09:07

-- Phần trước --

...

Số là một hôm Giáp Hải được bẩm báo: Không hiểu sao bà lão lại khóc tức tưởi, an ủi dỗ dành mãi cũng không được. Thấy sự việc có vẻ khác thường, Giáp Hải theo người hầu vào phòng bà lão thì thấy bà vẫn đang khóc thật. Hơn nữa, khi Giáp Hải đến thì bà lại còn khóc to và thống thiết hơn. Chờ khi cơn khóc đã nguôi ngoai, Giáp Hải mới lên tiếng hỏi:

 

- Chẳng hay từ bấy đến nay có điều gì người nhà làm cụ phật ý, xin cụ cứ nói để tôi còn bảo họ.

 

Nghe thấy thế, bà lão vội vã lắc đầu:

 

- Bẩm quan lớn (sau khi về nhà Giáp Hải bà lão đã biết đây là nhà quan). Không phải như vậy. Tôi khóc chỉ vì tôi tủi thân, cầm lòng chẳng được. Nếu đứa con tôi mà còn thì bây giờ cũng ba mươi ba bằng tuổi như quan lớn, lại có nốt ruồi đỏ ở chân trái cũng như quan lớn.

 

Giáp Hải chột dạ: chàng ba mươi ba tuổi, có một nốt ruồi đỏ to ở chân trái thật, và "đặc điểm" này thì từ người trong nhà đến các bạn bè thân hữu, ai ai cũng đều biết cả. Có người còn bảo đấy là cái "ấn" Trạng nguyên mà Ngọc Hoàng Thượng đế đã ban cho chàng - nhưng chàng chẳng tin.

 

Tuy vậy, giả vờ như không nghe rõ lời bà lão nói, Giáp Hải chỉ an ủi một câu: "Thôi cụ ạ. Có gì mà cụ phải tủi thân đâu" - rồi chàng lập tức rời khỏi phòng, nhưng lại ra hiệu cho người hầu gái đi theo mình.

 

Khi Giáp Hải và người hầu gái đã ở trong phòng của chàng, thì chàng nói ngay:

 

- Tại sao bà cụ biết ta ba mươi ba tuổi và có nốt ruồi đỏ ở chân trái?

 

Người hầu gái thưa thực:

 

- Dạ, bẩm quan Trạng. Mấy hôm nay tôi thấy bà cụ thường hay lẩm nhẩm tính toán điều gì, rồi hỏi tôi tuổi quan Trạng bao nhiêu và ở chân trái có nốt ruồi đỏ không? Tôi đã trả lời bà cụ rồi, nhưng tại sao hôm nay bà cụ mới khóc thì tôi không hiểu?

 

Giáp Hải bảo: "Được!", rồi cho người hầu phòng lui ra. Ở lại một mình, chàng nghĩ: "Chính cụ đã nhận ra ta là con của cụ rồi".

 

Hôm sau, Giáp Hải cho người về quê mời ông bố lên kinh - bước cuối cùng trong kế hoạch mấy tháng nay của chàng.

 

Sau mấy ngày để ông bố nghỉ ngơi lại sức sau quãng đường xa, chàng cho mời "bà lão" và "ông lão" đến phòng mình. Chàng nói:

 

- Chẳng dấu gì hai cụ. Bấy lâu nay con vẫn thường băn khoăn về nguồn gốc xuất thân của mình, bởi vì người ta danh phận là danh phận với làng với nước chứ có ai danh phận với cả bố mẹ đã sinh ra và nuôi nấng mình? Hôm nay có điều gì uẩn khúc xin các cụ cứ nói thật với con đi...

 

Giáp Hải vừa dứt lời đã thấy "bà lão" oà lên khóc, còn "ông lão" thì bần thần - hiện ngay ra nét mặt...

 

Thực tình mà nói, ông bố họ Giáp cũng đã định bụng nói nguồn gốc cho Giáp Hải biết từ lâu, nhưng ngặt vì ông chưa biết phải nói như thế nào và nói vào dịp nào. Bởi vậy, sau khi nghe Giáp Hải nói, lại nhìn thấy "bà mẹ đẻ" - ông đoán như vậy - nên đã ôn tồn thuật lại các việc từ đầu, không bỏ sót hoặc dấu diếm một điều gì cả.

 

Trong khi ông bố nuôi kể (Bây giờ đã rõ là bố nuôi!) thì bà mẹ đẻ cũng thôi không khóc để lắng tai nghe. Bằng linh cảm, bà đã nhận ra Giáp Hải là con, kể từ khi bà về dinh quan Trạng. Còn bây giờ, sau khi đã biết tuổi tác, nốt ruồi của con, lại nghe những lời từ chính miệng "ông bố bắt cóc con" nói ra thì bà hiểu niềm tin của bà đã thành sự thật. Bà kể tiếp những đoạn mà từ trước đến nay chỉ có một mình bà biết, cho Giáp Hải và ông bố nuôi cùng nghe.

 

Giáp Hải vừa nghe vừa bàng hoàng, khi bà cụ dứt lời thì chàng oà lên khóc nức nở... Chàng nói với bố, mẹ - giọng lẫn vào trong nước mắt:

 

- Người ta ở đời, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Con là con đẻ của mẹ, là con nuôi của bố. Dù công sinh thành hay công dưỡng dục, thì cả hai cũng đều sâu nặng. Xin có trời đất chứng giám: từ nay con sẽ được toại nguyện để lo làm tròn bổn phận của mình...

 

Cuộc đời làm quan của Giáp Hải từ đấy thăng tiến dần dần. Mẹ đẻ và bố nuôi già yếu rồi cũng nối nhau, lần lượt qua đời. Chàng lo chăm sóc khi sống và ma chay khi chết - đều thật chu đáo...

 trạng nguyên giáp hải

Trải qua nhiều năm, đến năm nhà nước mở khoá thi Hương, Giáp Hải được bổ làm chánh chủ khảo của trường thi Sơn Nam. Chánh chủ khảo là người trực tiếp ra đề thi của cả bốn kỳ, lại cũng là người chấm phúc khảo, lấy đỗ. Trách nhiệm ấy thật nặng nề, nếu làm đúng - nghĩa là chọn cho được những người có thực tài, chứ không phải gian lận hay may rủi. Nghĩ mình từ lúc đi học đến lúc đỗ Trạng nguyên phải mất 28 năm miệt mài đèn sách, cho nên Giáp Hải đã ra những đầu bài thi thật khó và có ý định chỉ lấy đỗ những người có thực học. Quan niệm và việc làm ấy của Giáp Hải đương nhiên là đúng, nhưng lại không đúng với thực trạng học hành của đại đa số các sĩ tử thời bấy giờ.

 

Đại đa số các sĩ tử lúc ấy đều học rất chiếu lệ, khuôn sáo, chứ không chịu nghiền ngẫm nghĩa lý sâu xa. Bởi vậy, chỉ mới đọc xong đầu bài của kỳ thứ nhất, họ đã nhao nhao lên phản đối: Nếu quan chánh chủ khảo không ra đề thi lại thì họ sẽ phá trường thi.

 

Không thể đem binh lính đi bắt hết các sĩ tử nổi loạn được, nhưng cũng không thể tự ý bãi miễn cuộc thi, bởi vậy, Giáp Hải đành phải nhượng bộ. Nhưng trong khi các sĩ tử làm bài thì Giáp Hải cho người đi dò xét, rồi cuối cùng cũng bắt được kẻ chủ mưu. Quan chánh chủ khảo lập án, khép người này vào trọng tội, phải lĩnh hình phạt tử hình.

 

Rủi thay, phạm nhân lại là con một - cha mẹ vào gặp Giáp Hải, khóc lóc van xin thế nào cũng không được giảm án...

 

Giáp Hải cũng có một con trai, năm ấy 18 tuổi, tên gọi Giáp Phong. Khi người sĩ tử kia thụ án được mấy ngày thì Giáp Phong cũng bị cảm mạo bất ngờ, rồi chết đột ngột.

 

Đối với Giáp Hải, việc mất con như thế cũng là mất cả niềm hy vọng, nên ông ta thương xót vô cùng, biếng ăn mất ngủ, vật vã có đến cả tháng trời. Tuy là người học hành nhiều, lại đỗ cao, chẳng tin gì vào chuyện đồng cốt, nhưng vì nỗi đau quá lớn, nên Giáp Hải cũng cho mời thầy phù thuỷ về nhà cúng bái rồi làm phép đánh đồng thiếp, để linh hồn mình được xuống âm phủ gặp con.

 

Ông thầy đặt lễ, cầu khấn, làm phép, đọc thần chú, bắt quyết... còn Giáp Hải thì ngồi đồng. Một lúc lâu sau, thấy Giáp Hải "đảo", hai mắt lờ đờ, trợn ngược, rồi nằm vật xuống - ấy là lúc ông ta thấy người mụ mị và trời đất tối sầm, còn toàn thân nhẹ bẫng, như đang bay đi đến tận đâu đó...

 

Linh hồn Giáp Hải bay mãi, bay mãi..., cuối cùng "đỗ" xuống, và trước mặt là một ngôi lầu ngũ giác, sơn son thiếp vàng. Linh hồn Giáp Hải nhìn vào phía trong, vì ngôi lầu cửa mở toang, thấy kẻ hầu người hạ đi lại tấp nập, còn ở trên chiếc sập kê chính giữa, lại có hai người trai trẻ đang ngồi đánh cờ. Linh hồn Giáp Hải mừng quýnh, vì nhận ra một trong hai người đích thị là Giáp Phong. Linh hồn Giáp Hải định bước vào, nhưng vừa bước đến cửa đã bị hai lính hầu cản lại. May mà hai người lính chỉ cản chứ không đuổi, nên linh hồn Giáp Hải rón rén đứng nép vào một bên. Một lát sau, đánh bạo, linh hồn Giáp Hải đến nhờ một người lính vào bẩm báo với Giáp Phong. Lạ thay - linh hồn Giáp Hải vẫn nhìn thấy - khi người lính ghé sát nói vào tai, thì Giáp Phong vẫn thản nhiên đánh cờ, không thèm để ý gì đến lời nói của người lính.

 

Đến khi hết ván cờ, Giáp Phong và người kia đứng lên, cùng bước ra ngoài phòng. Khi ngang qua chỗ linh hồn Giáp Hải đứng, Giáp Phong cũng không dừng lại, mặc dù mắt đã nhìn thấy. Linh hồn Giáp Hải lại còn nghe rõ cả tiếng của người kia hỏi Giáp Phong:

 

- Thế tiên huynh không quen biết cả người này à?

 

- Có -Tiếng Giáp Phong trả lời - Tôi quen ông ta từ mười tám năm nay, nhưng rốt cục, vẫn chỉ như người xa lạ...

 

- Vì sao như thế? - tiếng người kia lại hỏi.

 

- Có gì đâu - Tiếng Giáp Phong trả lời. Chả là vì ông ta đã lạm sát mất một mạng người....

 

Nghe thấy thế, linh hồn Giáp Hải bỗng thấy choáng váng, rồi loạng choạng, ngã vật xuống - và chính lúc ấy, Giáp Hải thật đã tỉnh lại, dứt hẳn cơn nhập đồng.

 

Từ đấy trở đi Giáp Hải ăn năn hối lỗi. Dù ở công đường hay trong đời thường, bao giờ ông cũng tỏ ra bao dung, độ lượng hơn người. Sau lần nhập đồng, việc đầu tiên của ông là mời cha mẹ của người tử tù ngày trước lại, an ủi và chu cấp tiền bạc để về sửa lễ, cầu cúng cho linh hồn anh ta được siêu sinh tịnh độ...

 

Khi mãn cuộc đời làm quan, Giáp Hải về quê điền viên vui hưởng tuổi già. Ông được người đời truyền tụng là một vị quan thanh liêm, chính trực.

 

-- Hết truyện --

 

Xem thêm nhiều Truyền thuyết và giai thoại dân gian:

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục