3/5 (4) Bình chọn
...
Lê Long Đĩnh lúc ấy mới 24 tuổi. Mới tháng 7 (năm 1009) nhà vua còn thân làm tướng đi đánh các châu Hoan Đường, Thạch Hà. Thuyền rồng rời cửa Hoàn (có thể là cửa Sót) ra ngoài biển, chợt thấy gió to sóng lớn, mây mưa tối sầm, Ngài bèn sai quay thuyền trở lại, rồi đi đường bộ về Kinh sư (Hoa Lư). Gần một tháng sau ngày trở về thì Ngài ốm nặng, rồi mắc bệnh trĩ, phải nằm mà coi chầu, tuy rất gắng gượng. Đời sau, vì thế gọi Ngài là Lê Ngoạ triều. Đến tháng 10, Lê Ngoạ triều băng ở tẩm điện (nhà ngủ). Tuy có tới bốn hoàng hậu, nhưng con trai lớn nhất của Ngài lúc ấy cũng vẫn còn bé tí.
Lê Đại Hành có đến 11 con trai nhưng những người "có máu mặt" nhất thì đã bị Lê Long Đĩnh giết hoặc "đẩy" đi xa kinh thành rồi. Mấy người ở lại cũng chẳng có quyền hành gì lớn. Vì vậy, khi nhà vua băng hà, thực quyền lập tức rơi vào tay Lý Công Uẩn, còn các đại thần khác chỉ là những danh vị suông.
Khi nhà vua vừa băng, Lý Công Uẩn cùng "Hữu điện tiền chỉ huy sứ" - một người thân cận, tức là người bảo vệ vua ở vị trí thứ hai, tên gọi Nguyễn Đê, mỗi người đem 500 quân hầu cận của vua vào túc trực trong ngoài điện Bách bảo Thiên tuế là nơi đặt xác vua, và canh gác ở những nơi trọng yếu trong kinh thành. Đương nhiên, việc bố trí quân lính như thế là đúng với chức trách của vị tướng chỉ huy quân túc vệ. Nhiều người dẫu có biết ý đồ của Lý Công Uẩn thì cũng chỉ nín thinh, vì lo bị vạ miệng. Duy chỉ có quan Chi hậu Đào Cam Mộc là dám nói thẳng với Lý Công Uẩn, nhưng là nói vào lúc chỉ có hai người:
- Chúa thượng là người bản tính ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời đã chán ghét nên chẳng để sống lâu. Nay con nối thì còn nhỏ, không thể đảm đương việc lớn. Từ lâu dân chúng nhao nhác, mong tìm chân chúa. Sao Thân vệ không nhân lúc này mà nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, để trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ muốn khư khư giữ lấy tiểu tiết làm gì?
Công Uẩn trong lòng cả mừng, nhưng vốn khôn ngoan, thận trọng nên nghiêm nét mặt lại mà mắng:
- Sao ông lại dám nói thế. Tôi phải bắt ông đi nộp quan ngay.
Nói rồi Lý Công Uẩn xắn tay định bắt thật. Nhưng Đào Cam Mộc lại mỉm cười mà rằng:
- Xin mời ông cứ việc. Tôi chẳng tiếc gì mạng sống đâu.
Đã tin chắc Đào Cam Mộc nghĩ như vậy thật, nên lúc bấy giờ Lý Công Uẩn mới nói:
- Tôi đâu nỡ cáo giác ông. Nhưng chỉ sợ lời nói tiết lộ ra thì chết cả nút, nên răn ông đó thôi.
Ngay sáng sớm ngày hôm sau, lựa lúc còn vắng người, Đào Cam Mộc lại nói riêng với Lý Công Uẩn:
- Người trong nước ai ai cũng bảo họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi. Thời cơ đang ở trước mắt nhưng chỉ trong một sớm một chiều nay thôi. Thân vệ cần định liệu ngay đi, kẻo không kịp.
Lý Công Uẩn cơ mưu, đã hiểu rõ vấn đề thời cơ này hơn ai hết. Nếu để chậm, khi các thân vương kia liên kết lại được với nhau thì mình sẽ trở tay không kịp... Tuy nhiên, do thận trọng, nên Ngài chưa vội nói trước cho Cam Mộc biết đó thôi. Nay Cam Mộc đã nói ra rồi, vậy thì còn dấu làm gì nữa? Nghĩ thế, Lý Công Uẩn bèn nói luôn:
- Đa tạ tấm lòng tri ngộ của ông. Chắc nhiều người cũng nghĩ như thế, nhưng chưa thấy ai nói ra đó thôi. Nếu bây giờ ông đứng ra nói trước với văn võ bá quan thì chắc hẳn mọi người sẽ đồng tình cả đấy! Chẳng lẽ tôi đã cầm quân lại tự nói cả việc này nữa, thì như thế e không tiện, vì người đời sẽ bảo là tôi cướp ngôi.
Đào Cam Mộc gật đầu, rồi bước đi chỗ khác. Chờ một lúc sau, khi thấy các quan đã đến đông đủ, Cam Mộc liền bước ngay ra giữa chính điện, nói to với mọi người:
- Lâu nay Tiên đế làm nhiều việc hà khắc bạo ngược, khiến cho trăm họ oán hận, không muốn theo về với vua nối nữa. Nay Thân vệ là người đại lượng nhân từ, chúng ta nên nhân lúc này mà sách lập Ngài làm Thiên tử, tức là trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân. Nếu không làm ngay, e có xảy ra tai biến điều gì, chắc chúng ta cũng khó toàn tính mạng...
Cả triều đình lặng ngắt. Cũng chẳng mấy ai cảm thấy bất ngờ khi nghe Cam Mộc nói những điều này. Bởi vậy, khi Cam Mộc dứt câu, đã thấy ngay những lời hưởng ứng: "Phải đấy!", "Phải, phải đấy!" Thế rồi mọi người xúm vào dìu Lý Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử, và như vậy, nhà Lý đã chính thức thay thế nhà (tiền) Lê.
Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn phong thưởng rất hậu cho những người đã giúp mình làm nên công nghiệp. Anh em, họ hàng, con cái cho vào nắm các chức vụ quan trọng. Đào Cam Mộc được làm Nghĩa tín hầu rồi được làm Phò mã v.v... Trong việc dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, ngoài lý do Đại La ở vị trí trung tâm đất nước thuận lợi cho việc phát triển dài lâu, còn có lý do Đại La nằm kề cận với đất "thang mộc" của họ Lý (vùng Đình Bảng - Bắc Ninh).
Dạo mới lên ngôi, một lần Lý Thái tổ xa giá về thăm quê rồi đến thăm lại chùa Kiến Sơ. Sư Đa Bảo vội vàng khăn mũ chỉnh tề ra đón rước. Khi vào gần tới cây cổ thụ có hai bài kệ ngày trước, nhà sư nói với cây:
- Phật tử! Ngươi có thể làm thơ mừng đấng "Tân Thiên tử" được chăng?
Vừa nói xong, đã thấy ở thân cây hiện ra bốn câu thơ:
Đế đức kiền khôn đại
Uy thanh tĩnh bát diên
U âm mông huệ trạch
Ưu ốc ná Xung thiên
(Nghĩa: Đức nhà vua lớn, ví như trời đất. Nhờ oai tiếng (mà) tám cõi được yên. Kẻ ở cõi âm (cũng) được nhờ cậy. Ơn còn thấm nhuần đến cả trời cao nữa).
Thái Tổ đọc và hiểu ngay là thơ mừng. Tuy ý tứ có phần đề cao quá mức, nhưng đã làm cho nhà vua vui mừng thực sự, chứ không chỉ là dè dặt giữ ý giữ tứ như những lần trước, khi còn làm ''Phó chỉ huy sứ'' và ''Tả thân vệ''.
Nhà vua mới cao hứng, phong ngay cho cây cổ thụ tước hiệu ''Xung thiên thần vương'', mặc dù ở cạnh chùa đã có đền thờ ''Phù đổng Thiên vương'' (tức Thánh Gióng), mà chính Ngài vừa đã truy phong là ''Xung thiên thần vương'' rồi. Chẳng phải do Ngài sơ suất, mà chủ ý muốn nói Thần Phù đổng Thiên vương cũng phải nhập vào cây để đến làm thơ chúc mừng và ca tụng Ngài.
Cho hay, khi say sưa thắng lợi, lại đang ở đỉnh cao của vinh quang và quyền lực, thì người ta dễ có tâm lý coi trời đất thánh thần và tất thảy mọi thứ khác đều ở dưới tầm con mắt của mình cả (''mục thị vô nhân'')!
Chưa hết! Cùng với việc phong tước, nhà vua còn sai thợ đắp tượng thần có hình dáng rất đẹp và oai phong lẫm liệt. Rồi nhà vua cho tạc thêm 8 pho tượng nhỏ, đứng hầu ở hai bên. Lạ thay, khi tất cả tượng đắp và tô xong, thì lại thấy ở thân cây hiện ra bốn câu thơ nữa:
Nhất bát công đức thuỷ
Tuỳ duyên hoá thế gian
Quang quang trùng chiếu trúc
Một ảnh nhật đăng san.
(Nghĩa: Một bát nước công đức. Theo duyên hoá cõi đời. Ngọn đuốc vằng vặc soi sáng mãi. Đến sau mặt trời lên gác núi, mất bóng).
Khi ấy Lý Thái Tổ đã xa giá hồi loan về Kinh thành Thăng Long từ hàng tháng trước rồi. Sư Đa Bảo đem mấy câu thơ ấy dâng lên, nhưng nhà vua đọc xong mà không hiểu ý tứ là gì cả. Lại hỏi các vị đại thần hay chữ cùng các bậc cao tăng kiến thức uyên thâm ở trong kinh thành lúc bấy giờ, cũng không thấy ai giải đoán được ý nghĩa. Thế rồi sự việc ấy cũng trôi đi, chẳng còn ai để tâm tới nữa.
Chỉ đến 214 năm sau (1224), khi Lý Huệ tông thoái vị đi tu, ngôi báu về tay họ Trần, thì sau đó người ta mới lại đem đọc những câu thơ này và giải nghĩa của chúng. Tính ra nhà Lý làm vua, từ Thái tổ đến Huệ tông, cả thảy vừa trọn 8 đời, sao mà đúng với con số 8 vị thần do chính Lý Thái tổ sai làm, đứng hầu xung quanh ''Phù đổng Thiên vương'' đến thế!
Lời tiên tri đã có ngay ở trong bài thơ mà lúc bấy giờ Lý Thái tổ và mọi người đều đoán không ra. Chữ ''bát'' (cái bát, trong câu ''Một bát nước công đức'') đồng âm với ''bát'' là tám. ''Nhất bát'' là một lần tám bằng tám. Còn ''Nhật đăng san'' là chữ ''nhật'' ở trên chữ ''san'', tức là chữ ''sảm'' ( ). ''Sảm'' là tên huý của Huệ tông, vua cuối của triều Lý. ''Sảm'' là ''mặt trời gác núi, hết bóng'', cũng tức là nhà Lý chấm dứt!
Lý Tế Xuyên, tác giả Việt điện u linh bình luận: ''Câu thơ thần diệu là như thế đấy!''. Còn Ngô Sĩ Liên, vị sử quan biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư thì chiêm nghiệm: ''Thế thì nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tự trời vậy!''
Ngẫm lại sự việc Lý Công Uẩn vừa mới lên ngôi đã phong cho Thánh Gióng là ''Xung thiên thần vương'', lại còn có ý cho cả ''Xung thiên thần vương'' cũng phải đến đọc thơ chúc mừng và hết lời ca tụng mình nữa, thì thật là quá đáng! Và phải chăng hành vi "phạm thượng" ấy đã "gặt hái" được kết quả ngược lại: Nhà vua tưởng đứng cao hơn thần (Thánh Gióng) nhưng thực tế chỉ là tướng hầu của thần! Cả 8 đời vua cũng chỉ là 8 tướng hầu của thần, chứ có bao giờ được ở trên thần đâu!
Xem thế đủ biết, trí tuệ dân gian thật sáng suốt biết nhường nào. Cứ như là chuyện "thiên cơ" vậy!
-- Hết --
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ