Truyền thuyết vua Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn - Vị Vua Khai Sinh Nhà Lý

3/5 (9) Bình chọn

Thứ tư, 28/09/2016 10:09

Truyền thuyết và giai thoại về nhân vật lịch sử và các vị anh hùng dân tộc

VUA LÝ THÁI TỔ

vua lý thái tổ lý công uẩn

   Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp, nay là Tiên Sơn - Bắc Ninh. Bà mẹ họ Phạm, nhân một hôm đi chơi trên chùa Tiên Sơn (tức chùa Trường Liên trên núi Tiêu ở xã Tương Giang - Tiên Sơn) cảm ứng với thần rồi về có mang, sinh ra Ngài vào năm 974, cuối thời Đinh.

 

   Trước đó mấy tháng, ở viện Cảm Tuyền thuộc chùa Ứng Thiên Tâm trong châu Cổ Pháp, có con chó mẹ đẻ chó con màu trắng nhưng lại có những đốm lông màu đen xếp thành hình hai chữ "Thiên tử". Do vậy mà từ miệng các nhà trí thức địa phương, rồi sau đó là dân chúng trong vùng, đã lan truyền câu chuyện rằng "đến năm Tuất sẽ sinh ra một người làm Thiên tử". Quả nhiên, Lý Công Uẩn sinh ra ở vùng này vào đúng năm Giáp Tuất (974) ấy. Tuy vậy, vì có nhiều người cũng sinh vào năm này, nên sự kiện ấy lúc bấy giờ chẳng có ý nghĩa gì, ngoại trừ việc người mẹ không chồng mà chửa gây nên sự dị nghị của mọi người.

 

   Sinh được ba năm, bà mẹ họ Phạm ẵm đứa trẻ đến nhà Lý Khánh Văn để xin làm con nuôi. Khánh Văn nhận lời, đặt tên khai sinh cho là Lý Công Uẩn.

 

   Lý Khánh Văn vốn là nhà hào phú trong vùng, bản thân lại có học hành và giao du rộng, nên sau khi nhận nuôi Công Uẩn được mấy năm thì cho cậu bé đến chùa Cổ Pháp (tức chùa Lục Tổ ở xã Đình Bảng, Tiên Sơn - Bắc Ninh) vừa để nương nhờ cửa Phật mà cũng vừa để theo học Đại sư Vạn Hạnh, vốn nổi tiếng thông tuệ, uyên bác vào lúc bấy giờ.

 

   Vừa trông thấy Công Uẩn đến chùa, Đại sư Vạn Hạnh đã đoán ngay với Lý Khánh Văn: "Đứa bé này có tướng mạo khác thường, sau này lớn lên có thể giúp vào việc cứu khốn phò nguy trăm họ, làm đến bậc minh chủ trong thiên hạ". Đại sư rất vui mừng và từ đấy hết lòng dạy dỗ Công Uẩn nên người, và biết được mọi điều hơn lẽ thiệt.

 

   Tuy nhiên, theo quan niệm đương thời, Lý Công Uẩn thuở nhỏ không phải là chú bé hiếu học. Tuy bị ép vào khuôn phép nhưng Công Uẩn chỉ học hành sách vở chiếu lệ, còn mọi sở thích là dồn vào việc chơi bời chạy nhảy như phần lớn những trẻ em khác. Duy có điều, trong tất cả các trò chơi, bao giờ Công Uẩn cũng tỏ ra khôn ngoan, trí lự hơn những trẻ em này, và được chúng tôn làm "thủ lĩnh".

 

   Đại sư Vạn Hạnh biết như vậy nhưng Ngài cũng chẳng cấm đoán, ngược lại còn hướng dẫn cho Công Uẩn biết được cái "lý" của các sự việc, hiện tượng, và từ đấy chỉ ra con người khôn ngoan là phải biết hành động như thế nào. Khi hết tuổi ở nhà chùa, Công Uẩn trở về nhà với mớ kiến thức kinh sử qua loa. Tuy nhiên, là người nhanh trí, nên thơ văn Ngài làm cũng khá trôi chảy, biến hoá.

 

   Lý Khánh Văn giao Công Uẩn trông coi việc nhà và nhiều công việc đồng áng khác, nhưng Ngài cũng chẳng chịu để mấy tâm sức vào làm. Chí hướng của Ngài lúc bấy giờ là còn để vào những sự việc khác, hệ trọng hơn rất nhiều...

 

   Ấy là việc, Đinh Tiên Hoàng, rồi Lê Đại Hành, vốn lúc đầu cũng chỉ là những người bình thường áo vải, nhưng nhờ có võ công và trí lự hơn người, đã trở thành những vị Tướng súy và Hoàng đế lẫy lừng, làm cho cả nhà Tống cũng phải nể sợ, đã kích thích mạnh mẽ chí tiến thủ của nhiều thanh niên có học lúc bấy giờ. Vì vậy, khi có chiếu chỉ của nhà vua về việc gọi trai tráng "nhập ngũ" là Lý Công Uẩn hăng hái lên đường ngay. Sự hăng hái của Công Uẩn còn do một nguyên do khác nữa, là Ngài không muốn ở quê lâu để nghe mọi người đàm tiếu về việc mình không có bố!

 

   Lúc đầu Lý Công Uẩn được bổ sung vào đội quân bảo vệ bốn mặt kinh thành ("Tứ sương quân"), rồi sau đó một thời gian dài, nhờ mẫn tiệp, cung cẩn, được tin tưởng rồi bổ vào quân túc vệ chuyên đi kề cận nhà vua ("Điện tiền quân") vào giữa thời Lê Ngoạ triều. Khi Lê Đại Hành băng hà (1005), các con trai tranh giành ngôi báu, đánh nhau giằng co đến 8 tháng trời. Hoàng thái tử Long Việt (tức Lê Trung Tông) vừa chính vị được ba ngày thì bị Thái tử Long Đĩnh giết chết, rồi tiếm ngôi, là Lê Ngọa triều. Trái với tất cả các bầy tôi và người thân tín khác của Lê Trung Tông, khi nhà vua chết thì họ đều chạy trốn, duy chỉ có Lý Công Uẩn là ôm lấy xác vua mà khóc lóc thảm thiết. Hành vi này biểu hiện sự trung tín của một bề tôi, bất chấp cả cái chết đang đe doạ.

 

   Dẫu là một kẻ tàn bạo đến mức sẵn sàng giết hết cả anh em, nhưng Lê Long Đĩnh chẳng những không giết Lý Công Uẩn mà trái lại, còn ban khen là một người trung thành. Và để thưởng công, đồng thời khuyến khích cho sự trung thành ấy - điều mà Lê Long Đĩnh rất cần lúc này - khi lên ngôi, Lê Ngoạ triều đã thăng cho Lý Công Uẩn làm "Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ". Gần ba năm sau, tức là trước khi Lê Ngọa triều băng một năm, còn phong thêm cho Lý Công Uẩn làm "Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ" nữa! Điều ấy có nghĩa: Lý Công Uẩn là người chỉ huy đội quân bảo vệ tin cẩn nhất của nhà vua!

 

   Khi làm Phó chỉ huy sứ ở kinh thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn thỉnh thoảng cũng về thăm nhà cha nuôi ở làng Đình Bảng. Đây là làng mà đại bộ phận là người họ Lý đang làm ăn tiến phát, cũng là làng rất sùng đạo Phật và có nhiều nhà sư tên tuổi lúc bấy giờ. Ở trong vùng có chùa Kiến Sơ thuộc làng Phù Đổng, nằm kề cận với nơi thờ Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng) và cả hai đều là những chốn nổi tiếng linh thiêng từ lâu đời truyền lại.

 

   Thời trước đó, Thiền sư Chí Thành khi tu ở chùa Kiến Sơ có lập một gian nhà thờ thần Thổ địa ở bên phải chùa. Đó cũng là nơi Thiền sư ăn nghỉ và thường xuyên tụng niệm. Sau khi Thiền sư viên tịch, gian nhà ấy cũng đổ nát, chỉ còn trơ nền đất cũ. Người trong làng cho rằng chỗ ấy là linh thiêng, nên thường đến đốt hương cầu khấn ở gốc cây cổ thụ mọc trên nền đất có gian nhà thuở trước. Đến khi sư Đa Bảo đến trụ trì sửa chữa lại chùa Kiến Sở, cho chỗ ấy là nơi thờ nhảm, bèn bảo chú tiểu ra dẹp những đồ thờ cúng kia đi, thì bỗng một hôm, thấy ở thân cây cổ thụ có một bài kệ như sau:

 

Phật pháp thuỳ năng hộ

Vãng thính trụ Kỳ Viên

Nhược phi ngô chủng tử

Tả tuỳ biệt sứ thiên

Bất tái Kim cương bộ

Mật tích ná la diên

Mãn không trần số chúng

Thị Phật thành oan khiên.

 

   (Nghĩa: Phép Phật ai hộ trì? Đợi nghe ở chỗ đất Phật. Nếu không phải giống nòi ta, nên sớm rời đi chỗ khác. Nhưng không được đem bộ Kim cương đi. Vết bí mật không nên để lan ra. Những kẻ trần tục như bụi bậm đầy trong không gian mà thờ Phật thì chỉ thành tội lỗi).

 

   Mấy năm sau, lại thấy bài kệ khác, ở dưới bài kệ kể trên:

 

Phật pháp từ bi đại,

Uy quang phú đại thiên.

Vạn thần câu hướng hoá,

Tam giới tận hồi toàn.

Ngô sư hành hiệu lệnh

Tà quỉ thục cảm tiên

Nguyện thường tuỳ thụ giới

Trưởng ấu hộ Kỳ Viên.

 

   (Nghĩa: Phép Phật rất từ bi, uy linh trùm cả cõi đời. Muôn vị thần đều hướng theo, ba cõi đều lan khắp. Nay Sư ta thi hành hiệu lệnh, tà quỉ nào dám phạm? Xin thường theo sư để thụ giới, lớn với nhỏ đều trụ trì đất nhà Phật).

 

   Sư Đa Bảo lấy làm lạ, bèn lập đàn trì giới và cúng lễ ngay tại chỗ đó. Dân chúng từ đấy cũng đua nhau làm theo và càng tin tưởng ở sự linh thiêng màu nhiệm.

 

   Khi Lý Công Uẩn về thăm nhà, biết sư Đa Bảo là vị cao tăng, nên lần nào cũng đến viếng thăm. Đọc hai bài kệ trên thân cây cổ thụ, tuy chưa báo trước điều gì cụ thể, nhưng Lý Công Uẩn vốn thông minh lại giỏi tâm lý, cũng hiểu được ý tứ rằng từ nay cần phải dựa hẳn vào các nhà sư và chúng sinh đệ tử làm hậu thuẫn cho mọi công việc, nếu bản thân còn muốn tiếp tục bước lên những địa vị xã hội khác, cao hơn...

 

  Tuy vậy, là người khôn ngoan, bề ngoài Lý Công Uẩn vẫn thản nhiên như thường, như mọi vị quan lại khác, và vẫn dốc lòng lo tròn bổn phận, rất mực được lòng nhà vua đương nhiệm. 

 

   Khi ấy, những hành vi bạo ngược của Lê Ngoạ triều càng ngày càng trở nên quá quắt. Nhà vua tuỳ tiện làm nhiều việc như một tên côn đồ khét tiếng. Trăm họ ta thán, oán hận. Nhưng các quan trong triều, kể cả Lý Công Uẩn, đều ngậm miệng như hến, chẳng ai dám can ngăn vì sợ bị mất đầu.

 

   Tuy dẫu không ai nói gì, nhưng trong bụng nhiều vị quan lại lúc bấy giờ, đều hiểu tình trạng này sẽ không thể kéo dài được lâu. Sớm hay muộn thì nhất định cũng phải có một cuộc thay đổi về chính sự. Và Lý Công Uẩn, vốn là người cơ trí, nên hiểu tình trạng tâm lý này của mọi người rõ hơn ai hết.

 

   Trong thời gian ấy, ở trong châu Cổ Pháp quê hương của Lý Công Uẩn, lại xảy ra một sự việc nữa khác thường.

...

-- Đọc tiếp --

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2, Phần 3

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục