3/5 (2) Bình chọn
...
Chị vợ chàng Trương vùng chạy ra khỏi nhà để thoát khỏi bị chửi bới đánh đập, để thoát khỏi con mắt nhìn khinh rẻ của những người đến chơi. Khi đã mệt, sức không còn chạy tiếp được nữa thì chị lảo đảo rồi ngồi bệt xuống bên vệ đường, và những ý nghĩ lộn xộn cũng từ đâu kéo về dồn cả lại. "Sao thằng chồng lại vũ phu, đểu giả đến thế? Vừa về đến nhà, chưa kịp hỏi han đầu đuôi xuôi ngược ra sao, mà hắn đã chửi đã đánh?".
Chị hiểu ngay là do đứa con nói "Đến tối bố mới về", nên hắn tưởng thật mới đánh đòn ghen, nhưng lúc này đây, nỗi phẫn uất tím ruột bầm gan khiến chị không thể quay về để thanh minh với chồng và với mọi người. "Ta không thèm trở về nhà hắn nữa" - chị nghĩ, rồi đứng dậy, lững thững bước ra mé bờ sông Hoàng vắng vẻ.
Ở phía dưới, nước sông vẫn cuồn cuộn, vô tình trôi như bao giờ. Chị nhìn quanh, xa xa có vài bóng người vẫn đi lại làm lụng như mọi khi, nhưng ở phía nhà "hắn", lại tịnh không có ai chạy lại đây cả. "A! Thế nghĩa là tất cả anh em họ hàng xa gần nhà hắn cũng đều nghi cho ta đêm hôm rước trai về nhà - chị nghĩ - Được, các người cứ ngồi ở đấy mà bàn tán với nhau đi, ta đây chẳng thèm phải nói lại nửa lời. Ta khinh thường tất cả các người! Nào giỗ tết, nào ma chay, sao kéo đến ăn thì đông, mà bây giờ lại không có ai đứng ra để nói được một lời cho tử tế?".
"Ruộng cả ao liền, tưởng như thế mà muốn chửi bới đánh đập ta lúc nào cũng được à? Bao mồ hôi công sức vất vả khó nhọc mấy năm nay của ta, sao các người không mở mắt ra mà nhìn cho kỹ?"
Đến lúc này, khi cơn giận dữ người chồng đã chuyển sang giận dữ cả anh em họ hàng nhà chồng, thì lập tức chị cũng hiểu ngay: con đường rút trở về nhà bố mẹ đẻ của mình đã hết. "Về lúc này chỉ chuốc thêm lấy nhục nhã ê chề - chị nghĩ tiếp - Họ hàng có người sẽ bảo "không có lửa thì làm gì có khói?", vậy ta biết ăn nói thế nào? Dẫu "cây ngay không sợ chết đứng", nhưng làm sao mà tránh khỏi được sự nghi ngờ?".
Càng nghĩ chị càng thấy mình đang lâm vào tình cảnh cùng quẫn, không còn lối thoát nào. Nhớ lại đoạn đời từ khi bước chân về nhà chồng đến nay, chị cũng chỉ cảm thấy ghê tởm. "Nhà con một giàu có, bố mẹ ta cứ ngỡ là vàng, nhưng nào có biết hắn chỉ là thằng đần độn, vũ phu, còn ta thì chẳng khác gì cái thân tù, đi đâu cũng phải xét nét. Bây giờ mà hắn đánh đập thế, thì thử hỏi mai sau, liệu có thể thoát ra khỏi cái cảnh như vậy không?"
Thôi! Chẳng thà chết quách đi cho rảnh, còn sống làm gì nữa? - Cuối cùng chị đi tới quyết định - Ta chết đi để cho bố con hắn được sống một mình". Ôi! Thằng con! "Đản ơi! Sao ba tuổi rồi mà mày không phân biệt nổi một người với một cái bóng? Mặt mũi mày giống mặt mũi bố mày thế, thì thử hỏi mai sau tao còn biết trông cậy vào ai?..."
Người thiếu phụ loạng choạng đứng dậy, nhìn xuống dòng sông một hồi như thể còn cân nhắc thêm điều gì, đoạn thấy chị ngoái nhìn lại phía sau và khắp bốn xung quanh. Trong sâu thẳm cõi lòng, chị vẫn còn le lói một tia hy vọng cuối cùng - tia hy vọng của sự sống, và đấy là cái bản năng muôn thuở của con người ta, dù rằng về lý trí thì đã quyết một bề: chết! Nếu lúc ấy một người ở phía gia đình nhà chồng hay một người thân nào đó của chị, hoặc thậm chí một người không quen biết xuất hiện, thì có lẽ sau đó chị cũng chẳng nhảy xuống tự tử ở dưới dòng sông, nhưng hỡi ôi, dường như tất cả mọi người đều đã quay lưng lại với chị - dù vô tình hay hữu ý!
Ở phía gia đình chàng Trương, cho đến lúc này mọi người vẫn còn ngồi đấy mà bàn tán, rồi đoán già đoán non mãi. Không một ai nghĩ đến cái điều tai hại nhất có thể xảy ra, và do vậy, hệt như điều người ta vẫn nói "cha chung không ai khóc", nên đã không một ai nói và bàn tới chuyện đi tìm chị về.
Ở phía gia đình bố mẹ đẻ của chị, do ở xa, nên đến lúc này cũng chưa ai hay biết điều gì. Còn những người đi làm đồng bãi - những người không quen biết, trước đó dẫu có đi qua cũng không ai hiểu chị ngồi đó là vì sao. Đến lúc chị đứng dậy nhìn quanh thì ba bề bốn bên, lại tịnh không có một người nào ở gần. Thế là hết! Hỡi ôi! Thế là niềm hy vọng cuối cùng của chị đã hết!
"Ai nghi ta, cười ta rước trai về nhà thì chỉ đến tối nay thôi, hãy mở mắt to ra mà nhìn, xem có phải như thế không? Ta đây đâu phải hạng lang chạ. Ta đây đâu phải loại con nhà mèo mả gà đồng? Bao công phu khó nhọc bỏ ra vun đắp cho cái nhà ấy, kể từ nay, ta cũng coi như đã đổ xuống sông xuống biển. Cậy giầu cậy có thì hai bố con cứ ngồi đấy mà ăn, ta đây chẳng thèm ngõi nữa. Ôi, cái số ta sao lại phải sa vào với cái giống vừa ngu đần, vừa vũ phu và bạc ác đến thế? Thật ghê tởm! Vĩnh viễn từ nay ta ghê tởm!".
Vừa nghĩ, người thiếu phụ vừa loạng choạng bước xuống dòng sông, tới thẳng mép nước và lội ra một đoạn. Chị cúi xuống, lấy hai tay vốc nước rửa mặt, rồi trong cơn khát, uống liền một hơi nước đầy bụng, cảm thấy cái mát đang thấm sâu vào trong cơ thể mình. Ôi khoan khoái quá, chị nghĩ, và chị muốn mình cũng được mát mẻ mãi mãi như dòng nước này!
"Ơi sông ơi, nước ơi... hãy đón ta vào lòng. Hãy giúp ta quên đi cõi đời ngang trái này...". Vừa lẩm nhẩm, hai bàn chân chị vừa đạp mạnh xuống đất, rồi cùng lúc, dang tay nhoài người ra như thể định ôm lấy dòng nước vào lòng.
Chỉ trong chốc lát, dòng sông đã cuốn trôi đi thân thể của chị.
Khi nghe bên nhà chàng Trương có tiếng ồn ào, làng xóm thi nhau kéo đến, mỗi lúc mỗi đông. Chẳng hỏi han, chẳng nước nôi, cũng chẳng tiếp đón mà lẽ ra khi trong nhà có người đi xa trở về, phải có. Người ta đến là vì tò mò, vì chàng Trương mới ở lính về mà đã đánh đòn ghen. Lúc chị vợ vùng chạy được ra khỏi nhà thì cơn giận của anh chồng cũng phải một hồi lâu sau mới hả. Giá không có người khuyên can ngăn lại, chắc chàng ta sẽ đuổi theo mà đánh cho vợ đến chết. Có người hỏi vì sao lại thế thì chàng ta hất hàm: "Hỏi thằng Đản ấy!" Thế là mọi cặp mắt đổ dồn về phía đứa trẻ, khiến nó sợ hết hồn. Lúc nãy, khi chàng Trương đánh mẹ nó, nó khiếp hãi quá khóc thét lên, còn bây giờ, nó hoàn toàn ngơ ngơ ngác ngác, hệt như "mèo cắt tai".
Khi có người đánh bạo đến bên nó hỏi: "Đản ơi, thử nói xem ai đêm nào cũng đến nhà mày đi" thì thấy mặt nó bần thần, chỉ giương mắt ra nhìn lại. Điều nó thực sự không hiểu là vì sao "ông kia" lại đánh mẹ nó, và vì sao mọi người lại kéo đến đây đông thế? Ấy vậy mà, căn cứ ở thái độ bề ngoài ấy, mọi người lại bàn tán rồi phỏng đoán ra lung tung. Hàng tiếng đồng hồ sau, cuộc bàn tán cũng nhạt dần, các cặp mắt nhìn nhau đã thoáng phần e ngại. Thế rồi người ta lục tục ra về, cũng nhộn nhạo y như hồi mới đến. Và thật đáng buồn: không ai nói và bàn tới chuyện đi tìm chị vợ cả.
Đến lúc chỉ còn lại hai bố con, chàng Trương mới đi xem xét, thu dọn nhà cửa. Thằng Đản đang ngồi thu lu ở xó nhà, ngủ gà ngủ gật. Chàng Trương đến bên, bế nó lên giường rồi lấy chiếu đắp qua cho khỏi ruồi. Chẳng biết làm gì, lại thấy đói bụng, chàng ta mới đi tìm gạo thổi cơm. Khi cơm chín, chàng lên nhà, thấy thằng bé vẫn ngủ, bèn lấy bát đũa rồi xuống ăn ngay tại bếp. Bát vục thẳng vào nồi, y như hồi còn ở lính. Khi đã no nê, chàng ra bể uống một gáo nước, rồi cứ thế lên nhà, xoa hai chân vào nhau, leo lên giường nằm ngủ. Chỉ một lát sau, tiếng ngáy đã vang ra khắp nhà.
Đứa con cựa mình rồi thức dậy vào lúc chập tối. Đói, mệt và sợ, khiến nó ngủ li bì. Chỉ đến khi chàng Trương, do quá say sưa gác chân lên người nó, thì nó mới tỉnh. Nó dụi mắt nhìn quanh thấy lạ lùng quá, rồi gọi: "Mẹ ơi" một hồi không thấy gì bèn khóc thét lên, làm cho chàng Trương giật mình tỉnh dậy. Trong nhà tối hum hủm, tiếng khóc của đứa bé lại càng làm tăng thêm vẻ thê lương.
Chàng Trương ghé sát mặt vào để nhìn cho rõ, làm cho nó sợ quá, nín bặt. Bỗng nhiên, chàng cảm thấy có cái gì đó đang đổ sụp trong lòng. Ôi sao mà ngao ngán, mà tủi nhục cái ngày đầu tiên ở lính trở về nhà! Chàng lập cập bước đi tìm đèn, rồi châm lửa. Căn nhà đang tối tăm bỗng sáng bừng lên như có phép thần, và cái bóng của chàng cũng in rõ lên trên vách. Thằng bé, dụi mắt mấy cái, ngơ ngác một lúc, rồi bỗng thét lên: "A! Mẹ ơi! Bố về! Mẹ ơi! Bố đã về!" Vừa thét, nó vừa chạy lại ôm chầm lấy cái bóng.
Chàng Trương vừa nghe vừa dõi mắt nhìn theo con, bàng hoàng, và bỗng nhiên thấy tim mình thắt lại. Lát sau, nước mắt chàng ứa ra... Dù có đần độn đến mức nào thì cuối cùng chàng cũng đã hiểu: đứa bé gọi cái bóng là bố - thế nghĩa là đêm hôm chẳng có ai mò đến nhà này cả! Chàng khóc lên như mưa. Càng khóc càng cảm thấy xót xa ân hận trong lòng. "Phải đi tìm vợ! Phải đi tìm vợ gấp!"- Chàng chợt nghĩ.
Chàng lật đật chạy sang các nhà hàng xóm, nhờ họ đi tìm cho. Đèn đuốc thắp lên rồi mọi người bủa đi các nơi, các ngả. Có người còn chạy đến cả nhà bố mẹ đẻ của nàng. Chó sủa lên inh ỏi. Người gọi nhau í ới. Nhưng đến hết đêm hôm ấy cũng chẳng có ai tìm thấy được nàng. Nét mặt ai nấy đều ngơ ngơ ngác ngác. Và người ta bắt đầu bàn tán, chê cười chàng Trương.
Mờ sáng hôm sau, bấy giờ chỉ còn anh em họ hàng nội ngoại, cùng nhau đi tìm nàng. Do đoán rằng nàng đã ra sông tự tử, nên mọi người đi dọc theo hai bên bờ sông, dùng sào dùng gậy gạt bèo gạt cỏ, để nhìn cho rõ hơn. Quả nhiên, đến quãng gần trưa, người ta tìm thấy xác nàng lẫn vào một vạt bèo, ở khúc sông ngoặt phía dưới, cách khoảng hai cây số. Khi vớt lên, mặt mũi tay chân nàng nhợt nhạt, tím tái, hai cặp mắt nhắm nghiền.
Chàng Trương hớt hơ hớt hải chạy tới, lăn lộn bên xác vợ mà vật vã, than khóc. Vừa than khóc chàng cũng vừa tự xỉ vả mình, nhưng được một hồi thì ngất xỉu. Người ta phải dùng đến hai cái cáng để cáng cả hai vợ chồng chàng về nhà.
Đám tang vợ chàng Trương sau đó, được tổ chức rất to, theo như ý nguyện của chồng - nghĩa là cũng thịt đến ba bò bảy lợn như ngày lễ cưới, nhưng chỉ có điều khác: không còn những lời tán tụng nữa! Sau lễ an táng, chàng Trương còn mời cả thầy phù thuỷ về lập đàn tràng và bắc cầu giải oan cho nàng ở bến sông Hoàng - nơi phỏng đoán là nàng đã nhảy xuống tự tử. Trong những ngày này, nét mặt chàng ủ rũ, tiều tuỵ - thật tương phản với cái vẻ hùng hùng hổ hổ xảy ra mấy hôm trước đây.
Tiếng đồn về vợ chàng Trương chết oan, mấy ngày sau, đã lan ra khắp trong phủ ngoài huyện. Lý ra chàng phải vào tù, nhưng quan trên xét thấy chàng vừa đi chiến trận về lại đang bận con nhỏ, nên đã tha cho. Từ đấy tính tình của chàng cũng điềm đạm hơn, không còn nông nổi cục súc như trước. Ba năm sau chàng lại lấy vợ mới...
Nhưng bến sông Hoàng từ đấy trở đi đã không còn bình thường như trước nữa. Đây là bến đò đông, người của mấy xã thường xuyên qua lại, đi làm lụng, buôn bán qua đây. Lẽ tự nhiên, người ta nói và bàn nhiều về vụ tự tử vừa mới xảy ra. Lại nói và bàn cả về lễ giải oan, mời được ông thầy cao tay, gọi "hồn" về ngay giữa ban ngày ban mặt. Thế rồi tiếng đồn ngày mỗi lan xa, và càng về sau, càng nhiễm thêm màu huyền bí. Người ta bảo rằng tờ mờ sáng nào cũng thấy "nàng" hiện về, có khi còn đứng nói chuyện hay cùng đi chợ với người này người khác, nhưng chỉ được một thoáng là đã biến mất. Người ta lại bảo nàng "đòi" được lập đền thờ, nếu không bến sông này còn xảy ra nhiều vụ tự tử, hoặc đò đầy sông sâu, có khi còn bị lật thuyền v.v...
Thế rồi mấy tháng sau, người dân trong vùng góp công góp của dựng một ngôi đền ở bến sông Hoàng để thờ "nàng" - từ nay được gọi là bà Thiết. Hương khói ở đó quanh năm không lúc nào dứt - do ngày nào cũng có người đi chợ, đi buôn bán ngang qua.
Đến đời Lê Thánh Tông, nhà vua lại mang quân đi đánh Chiêm Thành như thời nhà Lý, với ông vua có cùng miếu hiệu với Ngài, cách đó bốn trăm năm.
Khi thuyền rồng đi ngang qua bến sông Hoàng, ngoảnh lên thấy ngôi miếu dưới bóng cây cổ thụ, lại thấy dân chúng và cả quân lính ra vào khấn vái tấp nập, nhà vua lấy làm ngạc nhiên lắm. Ngài ra lệnh mời quan sở tại đến để hỏi han. Sau khi nghe quan sở tại tâu trình về xuất xứ, hành trạng của vị thần được thờ, Ngài chau mày như thể không vừa ý điều gì lại cũng như thể đang suy nghĩ điều gì. Thế rồi người ta thấy Ngài đứng dậy đi quanh một vòng, đoạn ngồi xuống bàn, quẹt đầu bút vào nghiên mực, rồi đề ngay một bài thơ Đường luật lên tờ giấy đã để sẵn. Xong xuôi, Ngài đọc lại một lần, vừa đọc vừa gật gật đầu - dấu hiệu của sự tự tán thưởng. Lát sau, có mấy vị trong hội Tao đàn đi theo xuất chinh đến, Ngài đưa bài thơ cho họ truyền nhau đọc. Ở đây chẳng nói thì ai cũng rõ: Tất cả bọn họ đều cúi đầu bái phục tài xuất khẩu thành thơ và khẩu khí đế vương trong bài thơ của Ngài.
Sự thực thì trong bài thơ ấy, nhà vua chẳng hề nhắc đến chiến tranh, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của người thiếu phụ. Điều này có thể giải thích được: việc nhà vua đi xuất chinh lần này cũng giống như việc đã xảy ra cách đó bốn năm năm, do vậy, Ngài thấy trực tiếp nói ra e không tiện. Hơn nữa xưa nay, cái mạng của dân chúng đối với vua chúa thì có đáng giá gì đâu. Mạng một người lính hay mạng vợ một người lính, đều "chả là cái gì" so với công việc "thế thiên hành đạo" của Ngài. Bởi vậy, việc vợ một người lính tự tử sau đó được tôn lên làm thần, làm cho Ngài cảm thấy không hài lòng - nếu ta không muốn nói thẳng ra là Ngài thấy khó chịu. Đối với Ngài, dù ai đó có là thần thì cũng chỉ ở dưới tầm mắt của Ngài, do bộ Lễ của Ngài cai quản và phong tặng. Cái "khẩu khí đế vương" của Lê Thánh Tông chẳng những thể hiện ở việc xem thường thần, mà còn thể hiện cả ở chỗ: nhân dịp này Ngài muốn dạy cho tất cả thần dân của Ngài một bài học nhớ đời. Ấy là bài học: ''Đừng bao giờ nghe trẻ con mách'' - nhưng xem ra, đấy lại là một bài học không ''chuẩn'', nếu không muốn nói thẳng ra là bài học tầm phào.
Nguyên bài thơ của vua Lê Thánh Tông, về sau được khắc đặt ở "Đền bà Thiết" ấy, như sau:
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ
Dòng nước can chi luỵ đến nàng
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
Người ta kể rằng: sau khi có bài thơ của vua Lê Thánh Tông, các vị chức sắc ở Nam Xương đã ra lệnh ngay cho tổng và xã sở tại tu sửa lại ngôi đền cho thật khang trang, đàng hoàng - không phải để xứng đáng với vị thần được thờ mà là để xứng đáng với bài thơ của nhà vua sẽ được khắc, đặt ở trong đó. Điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi vì, xưa nay "ngọc bút", "châu phê" có bao giờ lại không quan trọng?
-- Hết --
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ