Truyện Người Con Gái Nam Xương | Truyền thuyết dân gian

4/5 (8) Bình chọn

Thứ tư, 01/06/2016 11:06

NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

người con gái nam xương

Thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), ở huyện Nam Xương, thuộc vùng ven sông Hoàng, nay là thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân - Hà Nam, có nhà họ Vũ, tuy gia tư không thuộc loại khá giả, nhưng lại nức tiếng gần xa vì có cô con gái xinh đẹp, nết na, vừa khéo tay, hay làm, lại biết đảm đang quán xuyến các việc. Nàng tên là Vũ Thị Thiết.

 

Con trai trong vùng đua nhau đến dạm hỏi. Cha mẹ nàng cũng nhiều phen cân nhắc, đắn đo và cuối cùng nhận lời gả cho một chàng trai cùng làng, thuộc dòng họ Trương. Gia đình chàng Trương này rất giàu có, lại chỉ có hai mẹ con. Tuy nhiên, anh chàng thuộc loại người vai u thịt bắp, không đến trường lớp học hành gì cả.

 

Sự cân nhắc của cha mẹ cô gái kể ra cũng đã chu đáo. Xưa nay cha mẹ nào chả muốn gả con cho gần? Lại gả vào nơi giàu có và không phải tranh giành với ai thì càng tốt chứ sao? Còn chàng rể tương lai, xem ra cũng vào loại "khá": khoẻ mạnh, chăm chỉ lại hiền lành. Tuy kém về đường học hành, nhưng không ai thấy chàng ta đi ngang về tắt, hoặc sa vào con đường cờ bạc, rượu chè. Ở thôn quê, suốt đời cày sâu cuốc bẫm và lo chí thú làm ăn, thì thử hỏi, chọn được chàng rể và gia đình như thế, có khác nào như bắt được vàng.

 

Họ nhà gái phấn khởi đã đành, còn họ nhà trai sự vui mừng càng tăng thêm gấp bội. Có cô con gái nhất làng mà về làm dâu họ, thì sao lại không vui mừng? Phen này nhất định sẽ tổ chức đám cưới thật to, các họ khác nhìn vào cứ gọi là lác mắt! Hoa thơm đã có người hái, người họ khác ngồi mà chờ đến mùa quýt sang năm!

 

Sẵn của, họ nhà trai thịt đến ba bò, bảy lợn. Còn rượu thì hàng trăm vò, thả sức uống say. Các vị chức sắc trong làng trong xã được dịp ra ra vào vào, nên mặt lúc nào cũng đỏ tưng bừng, còn làng nước thì đua nhau kéo đến, đông nườm nượp. Ăn uống dòng dã suốt ba ngày liền. Phường chèo cũng về hát và làm trò suốt ba đêm. Từ các mâm rượu, từ các cuộc vui, mọi người cười nói oang oang. Xóm mạc tưng bừng như mở hội. Ở ngõ ngách nào cũng chỉ thấy bàn tán về đám cưới. Thôi thì đủ các ý đẹp lời hay và các kiểu tán tụng. Rượi thịt nhiều kể ra cũng có khác thật!

 

Vì thói đời hay phù thịnh, nên trong lúc say sưa, người nào người nấy cũng chỉ thấy nói đến sự tốt đẹp. Nào là môn đăng hộ đối, nào là giai lão bách niên, rồi con đàn cháu đống, rồi như hoa như nụ... Thôi thì chẳng thiếu một mỹ tự nào!

 

Ngay cả cha mẹ cô dâu cũng thế, cứ đinh ninh là đã chọn được một chàng rể nên người. Họ mừng thầm cho con gái, dẫu chưa được vào nơi sang quí, nhưng chí ít, cũng là chốn mát mặt thảnh thơi. Hỏi thử khắp cả làng này, đã có ai bằng được?

 

Nhưng thói đời hay phù thịnh, vì thế mà cũng thành ra nông nổi thế nào. Chàng rể của họ, được tiếng rằng hiền, nhưng thực ra lại là một con người rất cục. Nhà con một, được nuông chiều từ nhỏ và chẳng hay tiếp xúc với ai, nên cái cục ấy chưa có dịp phát lộ ra bên ngoài đó thôi.

 

Không học hành gì, nên sự suy xét của chàng Trương cũng thực xốc nổi, nông cạn, chỉ được cái khôn vặt. Đã thế, đến lúc có vợ, tính khí của anh chàng lại thêm những điểm lạ lùng. Cứ như trên đời này chỉ có mỗi vợ mình là đẹp, nên chàng ta canh chừng, cấm đoán, chẳng muốn cho vợ tiếp xúc, chuyện trò với ai. Đã đành trai gái hay ghen, nhưng ở chàng Trương, sự ghen tuông đã đến mức lố bịch - là sản phẩm của một lòng dạ nhỏ nhen và một đầu óc rất mực u tối.

 

Từ khi về nhà chồng, cô gái họ Vũ quả nhiên đã trở thành một người vợ hiền dâu thảo. Mọi công việc từ trong nhà đến ngoài đồng bãi đều do một bàn tay nàng quán xuyến, đảm đang. Lo ruộng trên ruộng dưới đủ nước đủ phân. Lo con lợn con gà, đường kim mũi chỉ, rồi cơm ngon canh ngọt cho cả nhà. Thôi thì, thượng vàng hạ cám, chẳng thấy lúc nào nàng để chân tay không, công việc nối tiếp công việc, mà việc nào cũng thật chu đáo, đâu vào đấy cả. Mẹ chồng thấy nàng dâu như thế, vui như đang mở hội trong lòng. Còn anh chồng thì  được thể, lại càng hay ăn no ngủ kỹ, giao hết mọi công việc cho vợ lo liệu. Duy chỉ có điều, mỗi khi vợ ra khỏi nhà, thì anh chàng cảm thấy lòng dạ chẳng yên, nên tìm mọi cách để đi theo, vì vậy, tiếng là đi làm, nhưng tình thực là để đi canh chừng vợ.

 

Biết ý chồng, chị vợ mỗi khi tiếp xúc với ai cũng đều hết sức dè chừng. Còn chăm lo công việc thì dường như đã trở thành bản tính của chị. Vì thế,  gia đình họ được tiếng là gia đình yên ấm, thuận hoà, đáng để làm gương cho mọi gia đình khác. Lúc này chị vợ cũng đã bắt đầu có mang.

 

Giá như không có chiến tranh, không có sâu bệnh hạn hán lụt lội để cho dân chúng yên ổn làm ăn, lúc nào cũng ngô lúa đầy bồ, gia súc đầy sân, thì còn có niềm vui nào bằng. Và gia đình chàng Trương, dẫu anh chồng có tính hay ghen, thì cũng chẳng làm sao. Anh ta ghen thế chứ ghen gấp mười lần thế, chị vợ cũng vẫn lường trước được, và gia đình họ sẽ mãi mãi chẳng có hề hấn gì.

 

Tuy nhiên, tai hoạ đã từ trên cao đổ ập xuống đầu của mọi người: Chiến tranh nổ ra giữa Đại Việt và Chiêm Thành vào đúng lúc mà gia đình chàng Trương này đang xum họp yên ổn.

 

Vua Lý Thánh Tông Đại Việt cho rằng vua Chế Củ Chiêm Thành không biết giữ "lễ độ": bỏ tình lân bang, chẳng chịu triều cống, lại còn hay cho quân lính sang biên giới cướp phá. Vậy nên cần phải mang quân đi "dạy" cho họ một bài học.

 

Nhà vua đích thân làm Đại nguyên soái thống lĩnh ba quân. Lệnh ban xuống cho mỗi hương ấp phải lấy cho đủ quân số. Tất cả trai tráng, dù con một mà không học hành gì, cũng phải lên đường. Bà mẹ chàng Trương ở Nam Xương, dù đã khóc đến hết nước mắt, lại mang lễ vật đến các cửa chẳng thiếu thứ gì, vậy mà cuối cùng con trai cũng không thoát được "nạn".

 

Ngày chàng Trương lên đường, chị vợ nước mắt chạy quanh, lại đang có mang, nhưng cũng làm mấy mâm cơm để mời anh em, họ hàng tới dự. Thôi thì đủ các lời động viên, cho nên bà mẹ phải chờ cho mọi người về hết mới dám khuyên con:

 

- Thôi thì đành vậy. Nhà vua có lệnh, mẹ cũng chẳng giữ được con ở nhà. Chỉ xin con nhớ rằng nhà mình mấy đời nay chân lấm tay bùn, nên chẳng cần phải xông pha nơi mũi tên hòn đạn để thăng quan tiến chức làm gì. Vinh hoa để giành cho người khác, còn con hãy giữ lấy hai chữ "bình an" mà trở về cho mẹ được yên lòng.

 

Chị vợ cũng nắm lấy vạt áo chồng, nói tiếp:

 

- Thiếp chỉ mong chàng làm được như lời mẹ dặn. Ở nhà mọi việc chàng cứ yên tâm, đã có thiếp lo toan. Vợ chồng là nghĩa trăm năm. Chàng cứ an tâm lên đường, gia đình ta mai ngày rồi sẽ lại được đoàn tụ...

 

Chàng Trương lặng thinh không nói năng gì, cũng chẳng có cử động nào. Chàng ta nhìn chăm chăm vào bụng vợ, rồi đột nhiên đặt tay lên ngực:

 

- Tôi đã suy tính kỹ cả rồi, chẳng có gì phải lo cho tôi cả. Nàng hãy lo công việc ở nhà. Rừng ruộng nhiều thì cố mà làm, không nên chung đụng với người khác. Khi sinh con, đặt tên cho là thằng Đản, chắc nó sẽ là con trai đấy...

 

Nói đoạn chàng ta điềm tĩnh bước ra khỏi nhà, không một lần ngoái đầu nhìn lại.

 

Anh lính họ Trương quả nhiên đã là một tay khôn ranh có hạng, cho nên trong suốt cuộc chiến tranh, đều tìm được cách thoát hiểm dễ dàng. Hiển nhiên anh ta không dũng cảm, cũng chẳng hăng máu vịt bao giờ. Luôn luôn tìm mọi cách, mọi cớ để tụt hậu, không phải đánh giáp lá cà. Khi ở tuyến sau, khi vào đội tải lương, lúc thì làm liên lạc. Khi buộc phải xông lên cùng với đội quân đầu tiên, thì chỉ vài chục bước chân, anh ta đã tìm được cách ngã. Nếu quân ta thắng thì anh ta xông lên phía sau, còn quân ta thua thì anh ta chạy lui phía trước. Suốt cuộc chiến tranh, anh ta chỉ ''diễn'' độc có ''trò'' đó mà xem ra cũng thành công mỹ mãn, chẳng phải sứt đầu mẻ trán gì. Sẵn tính dễ ăn dễ ngủ, anh ta bỏ qua mọi lo lắng ưu phiền. Nếu có lúc nào chợt nhớ đến mẹ già, vợ trẻ thì anh ta tặc lưỡi: ''Vẫn thế cả thôi mà'', rồi ngủ tiếp.

 

Ấy thế mà trong những ngày này, bà mẹ ở nhà lại lo lắng đến phát ốm. Chị vợ đã mệt lại càng mệt thêm ra. Tuy nhiên, là người phụ nữ đảm đang, chị vẫn cố gắng lo toan các việc.

 

Kể từ ngày chàng Trương ra đi, nửa năm sau, ở nhà người vợ sinh được một mụn con trai. Thằng bé hơi gầy nhưng nét mặt thì giống bố như đúc. Nhớ lời chồng dặn, chị đặt tên cho nó là thằng Đản.

 

Trong những ngày con dâu nằm ''ổ'', công việc lặt vặt tự nhiên lại phải ''trút'' sang cho mẹ chồng, vì gia đình không nuôi người ở. Bà cụ, tuy mừng thì có mừng, nhưng tuổi cao lại sẵn bệnh tật, nên cũng không thể ''trụ'' được lâu dài. Bởi vậy, khi con dâu rời ''ổ'' thì cũng là lúc bà mẹ bị ốm liệt giường.

 

Một nách con nhỏ, lại công việc, ấy thế mà chị vẫn chạy vạy, lo tìm thầy tìm thuốc rồi cơm cháo hầu hạ bà mẹ chồng chu đáo hàng mấy tháng trời. Làng xóm thấy vậy ai ai cũng ngợi khen, còn bà mẹ thường nắm lấy tay con mà dặn:

 

- Mẹ biết sức mẹ cũng chẳng cố thêm lâu được đâu, con đừng lo lắng quá mà sinh ốm sinh đau thì khổ...

 

Đến khi sắp hấp hối, bà cụ còn căn dặn thêm:

 

- Mẹ thấy... trong người... yếu lắm..., không còn... được gặp... bố thằng Đản... trở về... Con ở lại... trông nom... nhà cửa... ruộng vườn... Có con có cháu... thế này... mẹ cũng thấy... hả lòng hả dạ... Ới trời ơi... ai gây ra... cuộc binh đao... có thấu cho... mẹ con tôi... nguồn cơn... nông nỗi...

 

Vừa nói bà cụ vừa nức nở, rồi nấc khan vài tiếng, đoạn, hai tay buông xuôi, vành mắt cũng từ từ khép hờ lại... Bà đã "đi" rồi, trên gò má vẫn còn đọng lại mấy giọt nước mắt nóng hổi.

 

Chị vật vã than khóc bên xác mẹ. Họ hàng, làng xóm kéo đến, cùng chị lo liệu đám tang. Tuy không có người chồng ở nhà, nhưng mọi việc chị đều lo chu đáo, ai ai cũng phải cảm phục và ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của chị.

 

Từ ngày bà mẹ chồng qua đời, vợ chàng Trương phải một mình đảm đương quán xuyến các việc. Những việc không đừng được, chị mới phải nhờ người, nhưng toàn là đàn bà con gái với nhau cả. Giữ cho được một gia tư bề thế, đầy những ruộng cả ao liền, quả thực là điều không dễ dàng. Lại phải bồng bế, nuôi nấng con thơ nên nỗi vất vả lại càng thêm chồng chất. Đi đến đâu chị cũng phải địu con đi theo. Lúc nào chị cũng tất bật, vội vội vàng vàng... Những khi mưa dầm gió bấc hoặc đêm hôm khuya khoắt, trong căn nhà trống trải chỉ thui thủi có hai mẹ con, thì nỗi buồn nỗi nhớ lại càng thêm nẫu gan nẫu ruột.

...

-- Đọc tiếp --

Elina
Đọc Tiếp: Phần 1, Phần 2, Phần 3

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục