1/5 (2) Bình chọn
...
Thấy bà chủ quán gấp một tờ giấy khổ rộng cất đi, ngài hỏi cho có chuyện:
- Có phải báo “Ban ngày” mới ra tối nay đó không?
Bà ta không hiểu ngài định nói gì, nhưng chìa cho ngài tờ giấy. Đó là tấm tranh khắc gỗ, in lại một hiện tượng thiên văn nhìn thấy ở thành phố Côlônhơ.
- Bức tranh này cổ quá rồi còn gì nữa. (Ngài hội thẩm rất lấy làm cảm động vì được xem một thứ cổ như thế) Bà làm thế nào kiếm được bức tranh hiếm có này? Quý đấy, nhưng câu giải thích ghi trong tranh rất hoang đường. Bây giờ người ta bảo hiện tượng ấy là một bắc cực quang, có thể là do điện gây ra.
Những người ngồi gần đấy nghe ngài nói đều ngạc nhiên nhìn ngài. Một người đứng dậy, cung kính ngả mũ chào và nói với ngài bằng một giọng rất nghiêm trang:
- Thưa quý ngài, hẳn quý ngài phải là một nhà bác học đại tài.
- Ồ! Không đâu. Mỗi thứ tôi đều biết một tí, cũng như mọi người thôi.
- Nhũn nhặn là một đức tính cao quý thay!
- Thưa các ngài, tôi chỉ có thể trả lời các ngài: “Mi-hi xê-cut vi-đê-tua” và tạm thời cứ giữ nguyên ý kiến tôi về vấn đề đó. Ngài hội thẩm hỏi thêm:
- Ông có thể cho tôi biết quý danh chăng?
Người kia đáp:
- Tôi là tú tài thánh thư.
Câu trả lời không làm cho ngài hội thẩm ngạc nhiên, vì tước vị ấy phù hợp với cách ăn mặc của người ấy.
Ngài nghĩ thầm: “Đây hẳn là một lão hương sư hơi loạn trí nào đó mà đến nay người ta vẫn còn thấy sót lại trong hang cùng ngõ hẻm xứ Giuýtlăng"
Người kia lại nói:
- Đây không phải là một hội trường, nhưng nếu ngài cứ tiếp tục nói chuyện với tôi thì hay quá. Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn là ngài rất am hiểu các tác giả thời xưa.
- Vâng, đúng thế. Sách vở thời xưa bổ ích lắm, tôi rất hay đọc. Tôi cũng biết khá nhiều sách thời nay trừ những “Truyện hàng ngày”.
- Truyện hàng ngày là thế nào kia?
- Tôi muốn ám chỉ những quyển tiểu thuyết mới viết ra thường phải đọc hiện nay.
- Nhưng tôi lại thấy những quyển tiểu thuyết ấy cũng khá thú vị. Đức vua vẫn thường đọc đấy. Người thích nhất cuốn “Ipven tiên sinh và Gôđiô tiên sinh”, thuật lại truyện vua Actuýt và các hiệp sĩ bàn tròn.
- A! Thế thì tôi chưa được đọc. Chắc hẳn đấy là một cuốn mới của nhà xuất bản Haibe.
- Không, không phải của nhà xuất bản Haibe đâu, mà là của Gôtphơretvông Giêmen.
- Có phải ông Giêmen là tác giả không? Cái tên ấy có vẻ xưa quá nhỉ! Đúng là tiên nhà in đầu tiên của nước Đan Mạch chúng ta.
- Vâng, đúng thế, đúng là nhà in đầu tiên của chúng ta.
Ngài hội thẩm lại tưởng ông ta nói đến năm có dịch tả. Trận đánh bọn giặc biển năm 1490 xảy ra gần năm ấy nên họ cũng không thể không nhắc đến quân cướp người Anh xông vào tận hải cảng cướp thuyền bè. Nghe thấy thế ngài hội thẩm lại cứ tưởng họ nói về cuộc mưu sát năm 1801, nên những lời ngài nguyền rủa bọn Anh trong vụ mưu sát ấy cũng vẫn khớp với câu chuyện như thường.
Nhưng về sau câu chuyện đâm ra chệch choạc, chẳng bên nào hiểu bên nào nói gì nữa. Đối với vị tú tài trung hậu quá dốt thì những điều khẳng định đơn giản nhất của ngài hội thẩm cũng làm choáng tai ông như những lý thuyết quái dị vậy. Họ ngẩn người ra nhìn nhau, và khi bí quá, vị tú tài lại phát biểu bằng tiếng Latinh, cho rằng có thế người ta mới hiểu được mình. Nhưng cũng chẳng hơn gì.
Bà chủ quán kéo tay áo ngài hội thẩm hỏi:
- Ngài thấy trong người thế nào rồi?
Câu hỏi làm ngài sực tỉnh. Vì mải mê nói chuyện ngài đã hoàn toàn quên những sự việc xảy ra hồi nãy. Vừa nhớ lại chuyện cũ, ngài choáng người kêu lên:
- Trời đất ơi, đây là đâu thế này?
Một vị khách hô lớn:
- Cùng nhau cạn chén nào! Rượu mật ong pha với bia xứ Bơrêmơ. Xin mời ngài chạm cốc với chúng tôi.
Hai chị hậu bàn bưng khay ra cúi chào quan khách rồi rót rượu.
-Rượu gì thế này nhỉ?
Ngài hội thẩm tự hỏi, không dám uống. Người ta mời chào ghê quá nên buộc lòng ngài đánh phải uống vậy. Có người bảo ngài say rượu, ngài bèn tin ngay lập tức và nhờ thuê hộ một cái xe ngựa. Nghe thấy ngài nói thế, họ lại cứ tưởng ngài nói tiếng Nga. Ngài chưa hề tiếp xúc với hạng người thô lỗ đến thế bao giờ. Tưởng như đất nước lùi lại thời tà giáo, ngài nghĩ thầm:
- Đây đúng là giờ phút rùng rợn nhất đời mình.
Lúc đó, ngài nảy ra ý định chui xuống gầm bàn và bò ra cửa. Ngài bò ra gần đến nơi thì họ trông thấy, tóm cẳng ngài lại, thế là đôi giày tụt ra khỏi chân và phép lạ biến mất.
Ngài hội thẩm nhìn thấy rất rõ một cái cột đèn đang chiếu sáng trước mặt và phía sau là một toà nhà lớn. Ngài nhận ra nó và cả những ngôi nhà bên cạnh nữa. Như trên đã nói, ngài đang ở phố Đông. Quỳ trước một cái cửa, ngài trông thấy một người tuần canh đang ngủ ngay trước mặt ngài. Ngài kêu lên:
- Trời ơi, sao mình lại nằm ở giữa đường thế này mà ngủ nhỉ? Giữa ngay phố Đông. Đèn ơi! Cám ơn mày nhé! Gớm thật! Uống có một cốc rượu pha đường mà khiếp thế đấy.
Hai phút sau ngài đã lên xe ngựa trở về Crixtianhavu. Ngài nhớ lại những mối lo âu, khổ ải vừa trải qua và thầm khen cuộc sống thực tại đầy hạnh phúc đã chứng minh cho ngài thấy rõ: Thời đại chúng ta chưa hoàn hảo lắm, nhưng cũng còn hơn cái thời đại ngài đang sống lúc nãy nhiều.
Bác tuần canh reo lên:
- Ơ này! Đôi giày của ai thế này? Chắc là của quan trung uý trên gác nhà này. Ai lại để giảy ngay trước cửa thế này.
Bác tuần canh phúc hậu muốn bấm chuông gọi cửa đem trả giày vì buồng ngài trung úy vẫn còn ánh đèn, nhưng bác không muốn làm mất giấc ngủ của những chủ khác trong nhà nên lại thôi và nghĩ thầm:
- Xỏ đôi giày này hẳn là khoái lắm đây. Da mềm tợn!
Bác xỏ thử, vừa khít.
- Đời cũng lắm chuyện nực cười thật. Ngài trung úy có thể chui vào giường nằm cho sướng, nhưng cứ thử lên mà xem, ngài có nghĩ đến chuyện ấy đâu. Ngài đang đi đi lại lại trong phòng. Ông ấy may thật đấy! Chẳng vợ chẳng con gì cả! Chiều chiều ngài đi tiêu khiển trong giới giàu sang! Mình mà được như ông ấy thì sướng phải biết.
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ