0/5 (0) Bình chọn
...
Do phép lạ của đôi giày, bác tuần canh vừa ước thế liền được nhập ngay cả hồn lẫn xác vào quan trung uý. Bác thấy mình đang sống trong căn phòng trên gác, tay đang cầm một mảnh giấy nhỏ màu hồng, trên có viết một bài thơ do chính ngài trung uý làm ra.
Quả thật, có ai suốt đời lại chưa từng cảm thấy hồn thơ lai láng ít nhất là một lần? Lúc ấy, người ta viết ý nghĩ của mình ra, thế là thành thơ, nhưng bác tuần canh không thích thơ, và lấy làm tiếc cái nghề vất vả bạc bẽo của mình. Do phép lạ của đôi giày, bác tuần canh của chúng ta lại từ trung uý trở lại thành người tuần canh, vì bác không thích số phận mới bằng cuộc sống cũ, thích cái nghề trước của mình hơn.
Thế là thân tuần canh lại trở về với phận tuần canh.
- Mình vừa mơ một giấc mơ rõ lạ, chán mớ đời. Từ dưng thành quan trung úy trên gác kia, cũng chả thấy hơn được cái gì lại đâm ra nhớ mẹ cu và đàn cu con thân yêu.
Bác ngồi xuống cúi đầu triền miên mơ mộng vì chân vẫn còn đang xỏ đôi giày. Bỗng trên trời có một vì sao đổi ngôi. Bác lẩm bẩm:
- Sao đổi ngôi! Chắc là đổi sang một cõi thế sướng hơn chăng? Ước gì mình được đến gần một vì tinh tú ấy mà xem, nhất là mặt trăng…Vì mặt trăng thì mới không lọt qua kẽ tay mình được. Hôm nọ, một anh sinh viên đã bảo mình rằng: chết tức là chuyên từ ngôi sao này sang ngôi sao khác, làm cho vợ mình rất phật ý. Tất nhiên là không đúng, nhưng dẫu sao nghĩ cũng rất hay! Giá mà được đi chơi một vòng trên ấy thì nếu phải bỏ xác trên bậc cửa này cũng cam lòng!
Trên đời này có nhiều điều phải dè dặt trong lời nói, nhưng khi xỏ đôi giày hạnh phúc thì càng phải thận trọng hơn nữa. Chuyện xảy ra với bác tuần canh như sau:
Vừa dứt lời ước được vài giây, bác tuần canh đã vượt qua sáu vạn dặm, lên tới cung trăng. Chúng ta đã biết rằng mặt trăng cấu tạo bằng một chất nhẹ hơn trái đất chúng tam có thể nói là tựa như tuyết vừa mời rơi xuống. Bác tuần canh sa vào một trong những ngọn núi lửa mà ta thấy vẽ trên tấm bản đồ mặt trăng của nhà bác học Hít-le.
Bác tạt xuống sâu chừng nửa dặm Đan Mạch. Phía dưới có một làng toàn một màu như lòng trắng trứng hoà với nước, nhưng nom rõ cả cái tháp tròn, cửa cuốn bàn thờ đong đưa trên không. Trái đất của chúng ta tựa như một ngọn đèn khổng lồ treo trên đầu. Trên mặt trăng có nhiều sinh vật, trái đất ta thì gọi họ là người đấy, nhưng họ chẳng giống chúng ta chút nào. Họ cũng có tiếng nói riêng, và kỳ lạ thay! Linh hồn bác tuần canh rất hiểu thứ tiếng ấy.
Trên ấy, họ tranh luận với nhau về trái đất chúng ta và họ cũng ngờ rằng trái đất có người.
Họ cho rằng không khí trái đất dày đặc quá không thể sống được, chỉ có mặt trăng là có sinh vật mà thôi, mặt trăng là vì tinh tú hoàn hảo nhất, nơi trú ngụ của người nhà trời thời cổ xưa.
Nhưng chúng ta hãy xuống phố Đông xem xác bác tuần canh ra sao.
Bác nằm chết dí ở bậc cửa, mắt ngước lên trăng, nơi hồn bác đang du ngoạn, chẳng khác gì một xác chết. Người qua đường thấy thế đâm hoảng. Ai cũng cho bác tuần canh rõ ràng đã chết rồi, chẳng thể nào cứu chữa được nữa và cuối cùng, lúc tảng sáng, người ta chở bác vào nhà thương.
Các bác thử tưởng tượng rằng hồn bác tuần canh khi trở về trái đất đi tìm xác bác mà không thấy thì bối rối biết chừng nào! Đại để là hồn bác sẽ phải chạy đến sở cảnh sát, rồi đến phòng giữ đồ đạc đánh mất, nhờ điều tra manh mối và cuối cùng là đến nhà thương. Các bạn cứ yên trí! Hồn con người được thả lỏng thì tinh khôn lắm. Khi nhập vào xác, hồn mới đần độn ra.
Thế là người ta chở bác tuần canh vào bệnh viện và đặt bác vào nhà xác. Tất nhiên việc đầu tiên là người ta tháo giày bác ra. Thế là hồn bác trở về ngay lập tức, nhập vào bác và bác sống lại.
Bác kể rằng đêm qua là đêm khủng khiếp nhất đời bác. Có ai cho hai đồng tiền vàng mà bảo bác sống lại một đêm như vậy cũng xin chịu. Nhưng thôi, thế là xong.
Ngay ngày hôm đó, bác được ra viện, nhưng đôi giày thì ở lại trong nhà thương.
Không có người Côpenhagơ nào không biết cách bố trí lối cửa vào nhà thương Forêđêrich, nhưng tất cả các bạn đọc sách của tôi không phải ai cũng là người Côpenhagơ, nên tôi muốn tả vắn tắt trong vài dòng.
Từ ngoài phố vào, nhà thương có một hàng rào sắt khá cao, chấn song to khá thưa, đủ cho trẻ con chui qua thăm viếng phía bên trong tí chút. Thông thường có cái đầu là khó chui nhất. Trường hợp này cũng như các trường hợp thường gặp trên đời, chính những cái đâu óc chật hẹp lại thường chiếm ưu thế. Điều này coi như mào đầu câu chuyện.
Một trong những phụ tá trẻ tuổi của nhà thương – thân hình chẳng có gì đặc biệt ngoài cái đầu to- tối hôm đó đến phiên gác. Mưa rào, nhưng cậu vẫn muốn chuồn đi chơi mười lăm phút. Hai lý do trên không cản nổi cậu ta. Cậu cho rằng chui qua hàng rào dễ như thế thì chẳng tội gì mà qua cổng chính.
Vừa hay cậu chợt trông thấy đôi giày của bác tuần canh để quên, không mảy may biết đấy là đôi giày hạnh phúc. Giày ấy đi mưa thật là tiện nên cậu liền vớ lấy. Bây giờ chỉ còn việc chui qua khe chấn song hàng rào. Cậu chưa từng chui bao giờ. Cậu ước:
- Lạy giời, làm thế nào đầu tôi lọt qua được.
Nhờ phép lạ của đôi giày, cái đầu lọt qua một cách dễ dàng, giờ đến lượt cái mình. Cậu kêu lên:
- Hè! Mình to béo quá. Thế mà mình cứ tưởng khó chui nhất là cái đầu. Khéo chẳng bao giờ mình chui qua nổi mất.
Cậu muốn rụt đầu lại, nhưng không được, chỉ ngọ nguậy được cái cổ thôi. Kết quả đầu tiên là cậu nổi cáu. Kết quả thứ hai là tính tình vui vẻ của cậu tụt dưới số không. Đôi giày hạnh phúc đã dồn cậu vào tình thế hết sức quái gở, và cậu lại không ước chui ra khỏi, mới khổ chứ! Giẫy giụa, xoay sở mãi cũng chẳng ăn thua gì.
Trời vẫn mưa như trút, phố xá vắng tanh. Hơn thế, cậu cũng chẳng thể với cái chuông ngoài cổng. Làm sao mà thoát ra khỏi bước nguy khốn này được. Cậu đoán chừng phải đứng đấy đến tận sáng, không chừng phải nhờ gọi một ông thợ khoá đến cưa chấn song đi. Nhưng thế thì mất nhiều thì giờ lắm. Rồi thì tất cả đội quân mặc tạp dề xanh, tất cả lũ nhóc con sẽ đến rục chân ra ngắm nghía và bêu xấu cậu.
- Ồ! Máu nóng bốc cả đầu! Mình cảm thấy mình đang phát điên đây, ước gì thoát khỏi nơi này!
Nhẽ ra cậu phải ước sớm hơn mới phải. Cậu vẫn còn bàng hoàng vì vừa bị đôi giày hạnh phúc hành tội thất điên bát đảo.
Bạn đọc sẽ hỏi: “Thế là hết chuyện ư?” Than ôi! Chưa đâu. Bạn còn chưa biết phần bí mật nhất của câu chuyện.
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ