Đôi giầy hạnh phúc - Andersen

0/5 (0) Bình chọn

Chủ nhật, 17/04/2016 03:04

<--Phần trước

...

   Đến tới nhà hát nhỏ gần đấy biểu diễn. Chật ních người xem. Trong chương trình có tiết mục ngâm bài thơ “Đôi kính lão của bà tôi.”

 

   Bài thơ ấy kể rằng: Bà tôi có đôi kính nhìn thấu suốt tâm can mọi người, nhìn ai là đọc được những ý nghĩ thầm kín nhất của người ấy. Trong số khán giả có cậu phụ tá của nhà thương nọ. Chừng cậu ta đã quên tai ương đêm trước. Không ai đến đòi đôi giày, vả lại khí trời vẫn ấm ướt nên cậu cứ đi đôi giày hạnh phúc ở chân.

 

   Cậu suy nghĩ về chủ đề của bài thơ. Nếu có được đôi kính ấy và biết đem dùng, cậu có thể thấu suốt tâm can mọi người, điều đó cậu thấy thú vị hơn là biết được cả chuyện sang năm, vì chuyện sang năm sớm muộn cũng sẽ biết thôi.

 

 - Thử tưởng tượng là nếu mình đột nhập được đến đáy lòng các ông các bà ngồi trên ghế hàng đầu kia thì mình sẽ lục lọi như lục lọi một cửa hiệu vậy. Trong con người bà kia có lẽ mình sẽ tìm thấy cả một cửa hiệu bày các kiểu quần áo mới. Trong người bà nọ, cửa hiệu rỗng tuếch, nhưng có lẽ cần phải quét dọn. Chắc cũng có thể có những cửa hiệu đầy những thứ quý.

 

   Cậu thở dài:

 

 - Ừ, phải, ta biết có một bà rất tốt, nhưng hiềm nỗi cửa hiệu lại có chủ nhân rồi. Bên này, bên kia, chắc các con tim sẽ gọi mình: “Xin mời cậu vào đây!” Giá mà mình có thể lọt được vào mọi con tim nhỉ?

 

   Cầu được ước thấy.

 

   Thoạt tiên, cậu chui vào tim một bà sang trọng. Ngay lúc ấy, cậu tưởng mình lạc vào mỹ viện, nơi người ta nắn lại thân hình những người có tật. Cậu vào một căn phòng trên tường có treo nhiều chân tay dị dạng. Nhưng có cái khác là người chữa tật đến thì mỹ viện mới làm khuôn, còn trong tim của bà nọ thì trái lại, những con người tội nghiệp không cần trình diện, họ cũng được làm khuôn và khuôn được giữ gìn cẩn thận. Bà chủ có toàn bộ chân dung các bạn của bà rất phong phú, làm nổi bật những nhược điểm về thể chất và tinh thần từng người.

 

   Từ trái tim của bà ấy ra, cậu lại lọt vào trái tim của bà khác. Vào trái tim này tựa như vào một ngôi nhà thờ rộng lớn và thần bí. Chim bồ câu trắng tượng trưng cho sự trong sạch xoè cánh trên bàn thờ. Nếu không phải đi sang quả tim khác thì nhà thăm dò của chúng ta đã quỳ gối xuống rồi. Sang đến bên này cậu vẫn còn vẳng nghe thấy tiếng đại phong cầm và tưởng như con người mình đổi mới hẳn trước.

 

   Bước vào trái tim sau, anh bạn trẻ của chúng ta thấy bí rì rì, luôn luôn xoay xở giữa cái đám nịt ấy mới gỡ được lối ra. Đó là trái tim của một người giàu sang và có danh vọng, tìm trong sổ danh bạ của các vị tai to mặt lớn, ắt hẳn phải có tên.

 

   Bước sang trái tim khác là một phòng khách dát toàn bằng gương như trong lâu đài Roxăngpo vậy, có điều là những gương này phóng đại mọi vật lên một cách ghê gớm. Chính giữa, thằng tôi vô nghĩa lý của một con người chỉ thích đề cao bản thân mình đang ngồi dưới đất như một vị Đạt Lai Lạt ma.

 

   Tiếp đó, anh chàng tưởng mình như rơi vào một gian nhà tua tủa những mũi kim nhọn. Cu cậu nghĩ thầm: “Đây hẳn là một trái tim của một bà cô ế chồng.” Nhưng không phải, đó chính là trái tim của một sĩ quan trẻ tuổi, trí dũng có thừa như người ta vẫn thường nói.

 

   Thăm thú xong tim những người ngồi hàng ghế đầu, cậu phụ tá nhà thương bàng hoàng cả người, không ổn định nổi tâm thần nữa, nhưng cậu cho lối chơi quá ngông của mình đã gây nên nông nỗi ấy. Cậu kêu lên:

 

 - Trời ơi! Chắc mình sắp điên! Thân thể bất an, đầu óc quay cuồng mất rồi.

 

   Lúc ấy, cậu nhớ lại tai nạn kỳ quái tối hôm trước, khi đầu bị kẹt vào khe chấn song hàng rào sắt nhà thương.

 

 - Đấy là căn nguyên bệnh trạng. Phải chữa trị kịp thời đi mới được! Tắm kiểu Nga một cái có nhẽ tốt đấy. Ước gì mình được ở trên bậc cao nhất của phòng tắm bằng hơi nước nóng.

 

   Cầu sao được vậy. Hơi nước nóng tụ thành giọt bỏng nhỏ xuống mặt cậu.

 

 - Ái!-Cậu thét lên và nhảy bổ sang phòng tắm nước lạnh. Chú hầu phòng kêu lên khi thấy cậu ta mặc cả quần áo vào buồng tắm. Nhưng, nhanh trí, cậu biện bạch:

 

 - Tôi chơi đánh cuộc đấy mà.

 

   Về đến nhà, việc đầu tiên là cậu dán ngay một lá cao Tây Ban Nha rõ to lên gáy vè lưng để khỏi phát điên.

 

   Sáng hôm sau, lưng cậu rộp đỏ cả lên. Đi đôi giày hạnh phúc vào, cậu được lợi như thế đấy.

 

   Tôi chắc rằng các bạn vẫn chưa quên bác tuần canh. Trong khi xảy ra chuyện trên đây, nhớ đến đôi giày bác đã bắt được xỏ vào chân cho đến khi vào nhà thương, bác bèn đi tìm. Cả quan trung úy lẫn những người qua đường chẳng ai nhận đôi giày được đêm đến sở cảnh sát. Một ông tham làm việc tại đó ngắm nghía đôi giày đó rồi đặt cạnh giày của mình mà bảo:

 

 - Nom giống giày của tôi như đúc ấy! Đến thợ giày cũng chẳng phân biệt được đôi nào vào với đôi nào.

 

   Một cậu bé cầm lá đơn vào thưa:

 

 - Bẩm quan tham!

 

   Ông ta quay lại nói vài câu, rồi lại đến chỗ để giày. Nhưng lúc ông chẳng nhớ giày mình xếp bên phải hay bên trái nữa, ông nghĩ thầm:

 

 - Có lẽ đôi nào ướt là của mình.

 

   Ông ta nhầm, vì chính đôi giày ướt là đôi giày hạnh phúc! Sở cảnh sát cũng có thể nhầm lắm chứ, các bạn nhỉ?

 

   Ông ta xỏ giày, soạn công văn, nhét một ít vào ví, cắp một ít ở tay, đem về nhà xem, sáng hôm ấy là sáng chủ nhật, đẹp trời nên ông nghĩ có dạo một vòng ra quảng trường Forêđêrich cũng chẳng hại gì.

 

   Thoạt đầu ông vừa đi vừa chẳng nghĩ gì cả, nên phép lạ của đôi giày chưa có tác dụng.

 

   Đang đi ông gặp một người bạn, một thi sĩ trẻ, kể với ông rằng ngày mai sẽ đi nghỉ mát. Ông bảo:

 

 - Lại lên đường ư? Bạn thật là một người tự do và hạnh phúc, muốn bay bổng đến đâu cũng được. Còn bọn tôi thì cứ như bị cùm chân ấy.

 

   Thi sĩ đáp: - Đúng, nhưng cùm đây lại cùm đúng vào cơm áo gạo tiền. Bác có lo gì đến ngày mai đâu! Lúc về già đã có lương hưu trí!

 

 

 - Thế mà chính bạn mới là người sung sướng nhất đấy! Làm thơ chẳng thích lắm ru? Lại còn được thiên hạ ca tụng nữa. Bạn hoàn toàn được làm chủ cuộc sống của mình. Nếu suốt ngày phải làm những công việc sự vụ tầm thường như cánh này thì bạn sẽ thấy chán lắm.

...

Phần tiếp -->

Super Led Boy

Truyện đọc nhiều nhất

Hát ru

Chuyên Mục