1/5 (1) Bình chọn
...
Nhà thi sĩ lắc đầu, ông tham cũng lắc đầu, ai giữ ý kiến người nấy, rồi họ chia tay nhau. Ông tham nghĩ thầm:
- Thi sĩ thật là những người phi phàm. Mình cũng thích có tâm hồn như họ và trở thành thi sĩ. Mình biết chắc rằng mình chẳng bao giờ viết nổi những bài thơ bi ai như khối thi sĩ khác! Hôm nay thật là một ngày đẹp đối với nhà thơ! Không khí ít khi trong sạch như thế này. Trông những đám mây kia mới nhẹ nhàng làm sao! Hàng bao năm nay, đến lúc này, ta mới thấy nhạy cảm trước những cái đẹp ấy!
Các bạn đã thấy ông ta thực sự trở thành thi sĩ rồi đấy. Tuy vậy bề ngoài ông ta chẳng thay đổi gì cả, vì tưởng tượng là các nhà thơ khác người thường là một quan niệm sai lầm. Vả chăng trong số những người không phải là thi sĩ có thể có nhiều người có tâm hồn mơ mộng hơn khối nhà thơ lớn, chỉ khác cái là thi sĩ có trí nhớ tốt hơn, có thể giữ được hình tượng ấy cho đến lúc tìm được lời văn trong sáng và chải chuốt để diễn tả ra. Một người khác thì không làm được như thế. Nhưng chuyển từ tâm hồn ngày thường của mình thành một tâm hồn giàu cảm xúc vẫn là một sự chuyển tiếp, và đó là trường hợp của ông tham. Bất giác ông thốt lên:
- Mùi gì thơm nhỉ? Tựa như mùi hoa viôlét cảu bà Lôt, cô mình ấy. Ừ, cái hồi ấy mình hãy còn bé tí. Lâu nay quên khuấy mất bà cô phúc hậu! Bà ấy bây giờ ở sau núi Buốc-xơ kia kìa! Rét đến mấy thì rét mà vẫn cứ có hoa.
Ông tham thở dài não nuột:
- Trời ơi, làm sao thế này? Chưa bao giờ mình có cảm giác nửa buồn nửa vui như bây giờ. Có lẽ tại gió xuân chăng?
Ông lục tìm đám giấy tờ trong cặp:
- Quái thật! Gì nữa thế này?- Ông kêu lên và cầm tờ giấy trên cùng lên đọc: “Xibơrits phu nhân”, bi kịch năm hồi. Lạ nhỉ? Lại đúng là chữ mình viết. Có đúng mình viết thiên bi kịch này không nhỉ? Đây nữa: Thiên hài kịch “Du ngoạn tình sự” tức “Ngài đại lễ”. Đâu ra cái của này thế? Có lẽ người ta nhét vào cặp mình lúc nào ấy? Đây lại cái thư này nữa, thư của một ông chủ rạp hát. Họ trả lại bản thảo của mình, và thư viết bằng giọng văn không đáng yêu chút nào.
Ông ngồi phịch xuống một tấm ghế dài, tim đập thình thịch, bất giác ông hái một bông hoa gần đấy, một bông cúc trắng nhỏ. Chỉ một phút, bông hoa kể cho ông nghe tất cả những điều mà các nhà thơ thuyết trình, giảng giải cho chúng ta. Nó kể cho ông ta nghe nó đã sinh ra làm sao, ánh nắng đã làm thế nào cho cành hoa mảnh dẻ này nở và bông hoa có hương thơm, làm cho ông chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống vật lộn của chúng ta. Không khí và ánh sáng đã nuôi sống hoa, nhưng hoa thích ánh sáng hơn, luôn luôn hướng về phía mặt trời, và khi vầng dương lặn xuống, hoa khép cánh đi ngủ dưới làn gió nhẹ. Hoa nói:
- Ánh sáng đã cho tôi màu sắc.
- Nhưng không khí đã nuôi sống hoa.
Ngay lúc ấy, một chú bé con đi qua, đập gậy vào hố bùn làm tốc nước lên thảm cỏ xanh. Ông tham nghĩ ngay đến việc hàng triệu sinh vật vô hình bị bắt tung lên cùng với những giọt nước, chắc đang vô cùng kinh hãi, cũng như chúng ta bỗng nhiên bị vứt lên trên mây vậy.
Ông tham đã cảm xúc như thế đấy. Nghĩ đến sự biến chất của mình vừa trải qua, ông lẩm bẩm: “Ta ngủ mê hay sao thế này? Ta nhận xét mọi vật rất rõ ràng. Ta cảm thấy hoàn toàn minh mẫn, nhưng chắc chắn là sáng mai khi ngủ dậy ta sẽ vỡ mộng. Ta đã từng nhận thấy là có nhiều điều lý thú mắt thấy tai nghe trong giấc mơ đều giống như những kho tàng chôn dưới đất: Ban đêm thì mũ lệ nhưng ban ngày chỉ toàn đất và lá khô.
Ông nhìn chim chóc nhảy nhót ca hát vui vẻ trên cành mà buồn rầu:
- Chúng thật là sung sướng hơn ta! Bay là một nghệ thuật mê ly, sinh ra đã biết bay thật là sung sướng thay! Hừ, nếu muốn mà được thì mình ước gì mình thành chim sơn ca.
Ngay lúc ấy, cánh tay và vạt áo của ông biến thành cánh chim, vải biến thành lông và ông tham cười thầm:
- Bây giờ thì đúng là mình mơ rồi. Nhưng từ thuở bé mình chưa mơ lạ lùng và điên rồ như thế này bao giờ!
Ông bay lên đám cành lá xanh tươi và cất tiếng hót, nhưng tiếng hót chẳng còn là chất thơ nữa vì tâm hồn thi sĩ của ông đã biến mất rồi.
Đôi giày hạnh phúc không thể nào thực hiện được hai lời ước cùng một lúc. Ông đã ước trở thành thi sĩ và đã được toại nguyện. Giờ đây ông muốn trở thành con chim bé nhỏ. Dễ lắm, được ngay, nhưng hiềm một nỗi thân chim, ông liên mất luôn tâm hồn thi sĩ. Ông tự nhủ: Ước gì được như thế này mới thú: Ban ngày mình ngồi ở sở cảnh sát với đống giấy tờ khó tiêu, ban đêm mơ thành chim sơn ca bay trong vườn. Như thế sẽ là đề tài cho một vở kịch rất lý thú.
Ông sà xuống bãi cỏ, nghiêng ngó cái đầu tứ phía, quẹt mỏ vào nhánh cỏ, giờ đây so với thân hình chim của ông, cao chẳng kém gì những cây cọ Bắc Phi.
Được một lát, ông bỗng cảm thấy trời tối như bưng. Hình như người ta vừa chụp vật gì to lớn lên người ông. Chả là có một chú bé vừa lấy mũ chụp lấy con chim. Một bàn tay luồn vào, túm lấy lưng và cánh chim, bóp khá chặt.
Thoạt đầu, ông hoảng quá, hét to:
- Quân vô lại khốn kiếp! Tao là ông tham sở cảnh sát đây mà!
Nhưng thằng vô lại chỉ nghe thấy tiếng chiêm chiếp mà thôi. Nó bèn búng vào mỏ chim một cái rồi ra về.
Dọc đường, nó gặp hai cậu học trò. Các cậu mua con chim với giá tám silinh, thế là ông tham được đưa về ở phố Gôte, kinh thành Côpenhagơ.
Ông tham gật gù:
- Cũng may là mình nằm mơ, chứ không thì cũng đáng giận lắm! Thoạt đầu là thi sĩ, đến giờ là chim sơn ca. Phải, đúng là cái tâm hồn thi sĩ của mình đã làm cho mình mơ rằng mình là một con chim bé nhỏ. Nhưng rơi vào tay mấy thằng ôn con mất dạy này thì cũng khá lôi thôi đấy. Chẳng biết rồi ra sao?
...
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ